Multimedia Đọc Báo in

Hình ảnh Bác Tôn qua những câu chuyện kể

07:46, 18/08/2012

Nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 – 20-8-2012) – một người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, một nhân cách tuyệt vời, một người bạn rất mực chân tình, thủy chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin nhắc lại những mẩu chuyện nhỏ xung quanh một nhân cách lớn để trong ta thêm sự kính yêu, tin tưởng, tự hào.

Đại diện thanh niên Năm xung phong quây quần bên Bác Tôn.       Ảnh: T.L
Đại diện thanh niên Năm xung phong quây quần bên Bác Tôn. Ảnh: T.L

* Lao động tạo ra tất cả mà đỉnh cao là vinh quang: Chuyện rằng, tại Hà Nội, nhân ngày chủ nhật, Thiếu tướng Tô Ký tới thăm Bác Tôn Đức Thắng. Thiếu tướng rất ngạc nhiên khi thấy Bác Tôn ở trần, chỉ mặc quần đùi, tay cầm mỏ-lết, loay hoay chữa dây sên xe đạp. Đây là chiếc xe đạp riêng của Bác Tôn mà sáng nào Bác Tôn cũng đạp một vòng hoặc ở vườn Bách Thảo, hoặc ở Hồ Tây. Đi thăm bạn bè gần nhà, Bác Tôn cũng đạp xe đạp. Vừa là thể dục thể thao, vừa là tiết kiệm công quỹ (không phải dùng com-măng-ca tốn xăng).

Chuyện Bác Tôn tự tay sửa xe hay các vật dụng trong nhà, không phiền tới anh em thợ thì hầu như ai cũng biết. Thiếu tướng Tô Kỳ “sà” xuống ngồi kề bên xem Bác Tôn sửa xe. Bỗng Thiếu tướng thấy trong hộp đựng dụng cụ cờ-lê, mỏ-lết có mấy chiếc huân chương các hạng nằm bên cạnh những kềm với búa. Thiếu tướng khẽ kêu lên: “Thưa Bác, sao lại có mấy cái này trong hộp đồ nghề ?”. Bác Tôn vẫn tiếp tục sửa cho xong sợi dây sên, chậm rãi nói “Có mấy cái này (chỉ kềm, búa) mới có mấy cái đó (chỉ các huân chương)”. Chỉ một câu vắn tắt đó, Bác Tôn đã giúp Thiếu tướng Tô Ký nhận ra chân lý: Lao động tạo ra tất cả mà đỉnh cao là vinh quang. Về sau, Thiếu tướng Tô Ký thường đem chuyện đó kể với mọi người và kết luận: “Bác Tôn đúng là một người thợ mẫu mực”.

* Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhận Bác Tôn là thầy: Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp may mắn được làm bác sĩ riêng cho Bác Tôn trong chuyến công du sang Cộng hòa Dân chủ Đức và Liên Xô vào cuối năm 1955 và đầu năm 1956. Đi Cộng hòa Dân chủ Đức là để dự lễ chúc thọ Chủ tịch Vin-hem-pích 80 tuổi, Bác Tôn nhờ bác sĩ Nghiệp viết giùm bài phát biểu ngắn để Bác đọc tại lễ chúc thọ Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Bác sĩ Nghiệp tốt nghiệp y khoa tại Paris, nói và viết tiếng Pháp dễ dàng như tiếng mẹ đẻ. Chừng đưa bản thảo cho Bác Tôn duyệt thì lạ lùng làm sao, bác sĩ Nghiệp bị Bác Tôn sửa văn và sửa rất chính xác. Đó là câu “Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình”, bác sĩ Nghiệp viết “Le peuple Vietnamien aimant la paix”, Bác Tôn đã dùng bút đỏ sửa “aimant la paix” ra “espris de paix” rất nhiều. Từ đó, bác sĩ Nghiệp suy tôn Bác Tôn là “sư phụ”. Ai cũng biết Bác Tôn có bằng tiểu học (Certificat d’Études Primaires complémentaires Indochinoises-CEPC) rồi học bốn năm trường máy trước khi đi làm thợ ở Hãng Ba Son (Tây gọi là Arsenali tức là Hải quân Công xưởng). Vậy mà trình độ Pháp văn của Bác Tôn “ăn trùm” vốn liếng tiếng Pháp của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã học Pháp văn từ lớp chót lên tới tú tài là 13 năm, cộng với bảy năm học Đại học Y khoa.

* Bác Tôn ở Côn Đảo: Côn Đảo được ví là trường Đại học chính trị cho anh em tù bị thực dân Pháp đày ra hòn đảo ngục tù này. Trong giới chính trị phạm có câu nói vui “Lycée Khám lớn, đại học O Nôn” (Lycée tiếng Pháp có nghĩa là Trung học). Trong tù có nhiều lớp học là lớp dạy văn hóa, đặc biệt là lớp sử- địa, lớp dạy chính trị. Lớp dạy chính trị có thêm vài ban như ban sưu tầm (sách báo), ban sao chép (để phát cho nhiều phòng), đồng chí Phạm Văn Đồng dạy chính trị, Ban Sưu tầm có Bác Tôn, anh Ba Khiêm (Ung Văn Khiêm), Ban Sao chép có anh Sáu Tây (Nguyễn Văn Tây). Bác Tôn làm ở Sở Lưới, nơi  có mấy chiếc chloupe (sà - lúp) và canot (ca-nô). Chúa đảo Bouvier đưa Bác Tôn về đây sau khi đọc hồ sơ, thấy người tù số 5289 từng là trưởng máy tốt nghiệp trường máy Sài Gòn, làm thợ Hãng Ba Son và có thâm niên hai năm trưởng máy trên chiến hạm France của Quân cảng Toulon. Lão phệ Bouvier muốn sử dụng tay nghề của người tù lừng danh này. Lão có lý phần nào vì sà-lúp hư, ca-nô hỏng, người tù 5289 đều sửa tốt và nhanh. Nhưng lão không ngờ đã tạo điều kiện cho nhà cách mạng cao tuổi phục vụ đắc lực phong trào học chính trị trong khám. Nhờ lái ca-nô, Bác Tôn thường gặp các thủy thủ Pháp trên các tàu viễn dương tuyến Marseille – Sài Gòn. Qua đó Bác xin báo Le Pari, báo L’Humanité, bí mật giao cho anh Ba Khiêm giấu trong đòn gánh chuyển về trại giam. Anh Ba Khiêm kể lại chuyện này và xem Bác Tôn là người tiếp tế sách báo chính trị cho anh em chính trị phạm thời ấy (những năm 1932 – 1935). Vẫn theo lời kể của anh Ba Khiêm, mỗi khi có tù vượt ngục, chúa đảo cho lính lên ca-nô đuổi theo. Nếu bọn lính recherche (rờ - sẹt) tinh ý sẽ thấy không lần nào chúng bắt được tù vượt đảo nếu ca-nô do người tù số 5289 lái. Nhiều lần chúng bỏ ống nhòm thấy bè của tù nhấp nhô trước mắt. Bọn chúng hí hửng sắp có tiền thưởng và sẽ được lên hương với chiến công bắt được tù vượt ngục của biển khơi. Nhưng chúng đã mừng quá sớm, ca-nô đang chạy ngon bỗng khẹt khẹt rồi bốc khói đen kịt. Chúng quay lại hỏi người tù 5289 đang hì hục tháo máy, dũa bougie hay mở bộ phận lọc dầu hút cặn. Loay hoay sửa đến đổ mồ hôi hột. Chừng máy nổ tốt thì than ôi đêm đã xuống tối đen. Không còn thấy bóng dáng chiếc bè kia đâu! Vậy là đành dậm chân chặc lưỡi quay về tay không. Có đứa sinh nghi, nhưng làm sao dám chê tài lái ca-nô của người thợ máy nổi tiếng từ quân cảng Toulon tới Sài Gòn! Chưa có ai hỏi trong mười sáu năm ở Côn Đảo và trong mấy năm làm ở Sở Lưới, Bác Tôn đã cứu bao nhiêu đồng chí đồng đội vượt biển Đông.

      Nguyễn Văn Thanh (st-bs)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.