Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn một thời chưa xa...

08:06, 27/11/2012

Nước Nga xa xôi. Ừ nhỉ! Nhưng đó chỉ là khoảng cách về địa lý. Còn những người đã từng sống, làm việc và học tập ở đây, nước Nga vẫn luôn hiện hữu trong trái tim họ với một vùng ký ức chất chứa tình cảm trân trọng, thương mến...

Xin dành tặng hai từ “đặc biệt”

Giai đoạn 1986-1992, dù chỉ đi lao động hợp tác với mục đích mưu sinh, phát triển kinh tế gia đình là chính nhưng khi nhắc đến nước Nga (Liên Xô ngày ấy), ông Nguyễn Huy Bài, hiện là Chủ tịch UBND xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp. Nước Nga trong ông không đơn thuần chỉ là một thị trường lao động mà thực sự đã cho ông những dấu ấn đẹp của cuộc đời.

Thầy giáo Võ Văn Thanh trầm tư khi nhớ lại những năm tháng học tập tại Nga (Liên Xô cũ).
Thầy giáo Võ Văn Thanh trầm tư khi nhớ lại những năm tháng học tập tại Nga (Liên Xô cũ).

Ngày đầu đặt chân đến nước Nga, ông ngỡ mình lạc vào thiên đường trước những tòa nhà nguy nga, tráng lệ, những con phố sầm uất, nườm nượp xe cộ. 3 tháng học tiếng, 3 tháng học nghề, những bỡ ngỡ qua đi nhanh chóng  không chỉ bởi nỗ lực của bản thân ông mà còn bởi những tình cảm chân thành, gần gũi của các bạn Nga. Dù chỉ học nghề lao động phổ thông, nhưng sự nghiêm túc, tự giác từ thầy cô giáo đến những công nhân trên nước bạn đã giúp ông ý thức rõ hơn về tinh thần, thái độ làm việc. Thầy cô giáo Nga tận tình chỉ bảo cho ông từ một người “mù tịt” về ô tô trở thành một công nhân lành nghề trong sản xuất và lắp ráp các chi tiết của ô tô. Không có ranh giới giữa ông chủ và những người đi lao động xuất khẩu, làm thuê, những bữa cơm gia đình, những bữa tiệc liên hoan với các món ăn có cả hương vị Việt và phong cách Nga đã làm cho những công nhân đi làm ăn xa quê hương như ông thêm ấm lòng. Trong xưởng cơ khí của ông ngày ấy, ngoài người Việt còn có nhiều người từ các quốc gia khác nhưng đến tận bây giờ ông cũng không thể lý giải và cắt nghĩa trọn vẹn tại sao người Nga lại có tình cảm đặc biệt với Việt Nam như vậy. Ông tự tìm câu trả lời cho mình qua tâm sự của các bạn Nga: Từng phải trải qua cuộc chiến tranh phát xít khốc liệt trong thế chiến thứ hai nên người Nga hiểu rõ những mất mát, hy sinh. Và càng cảm phục vô cùng những người bạn Việt Nam bé nhỏ, thông minh dù vũ khí thô sơ, cuộc sống còn khó khăn nhưng đã chiến thắng được đế quốc Mỹ với vũ khí tối tân, hiện đại.

Gần 10 năm làm việc ở xứ sở đẹp mê hồn với những bông tuyết rơi, ấn tượng sâu sắc của ông về nước Nga là những con người thân thiện, đôn hậu, chân thành, tác phong làm việc khoa học, kỷ luật và tính tự giác cao. Còn nữa, đó là nét văn hóa, thể hiện sự lịch thiệp, nhã nhặn trong giao tiếp khi đến thăm nhau nhất là với phụ nữ, người Nga thường có thói quen tặng hoa, rất giản dị chỉ là một bông hoa màu trắng hoặc hồng. Dấu ấn nước Nga càng sâu đậm hơn riêng đối với bản thân ông khi đây là nơi kết thành tình yêu đôi lứa. Trong đám cưới của ông được tổ chức năm 1992 tại Nga, ngoài những người bạn Việt Nam còn có cả các bạn Nga. Điều đặc biệt ở Nga, trong nghi thức của các đám cưới, không thể bỏ qua một phần trang trọng là đi đặt hoa ở tượng đài Lênin và tượng đài liệt sĩ. Ngày diễn ra đám cưới, tất cả mọi người cùng cô dâu chú rể đi đến nhiều địa điểm du lịch để vui chơi, bởi đây là ngày vui nhất của cuộc đời.

Chẳng thể diễn tả và nói hết những dấu ấn của mình, ông xin dành tặng Nga hai từ “đặc biệt”, đặc biệt trong tình cảm, lối sống và văn hóa.

 

“Một thời chúng ta đã có”

Thầy giáo chuyên ngành lâm sinh Võ Văn Thanh, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa chuyên môn nghiệp vụ - Đại học Tây Nguyên luôn cho mình là người may mắn được 3 lần đặt chân đến nước Nga xa xôi. Lần thứ nhất là giai đoạn 1971-1977 học đại học tại Học viện kỹ thuật lâm nghiệp Lêningrát; lần thứ hai và thứ ba, giai đoạn những năm 1983-1984, 1989-1990 đi nghiên cứu, thực tập sinh sau đại học. Mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, ông và những người từng làm việc, học tập ở Nga lại hẹn nhau tụ hội. Trong buổi gặp mặt, câu chuyện về tình cảm, sự chia sẻ, giúp đỡ của các bạn Nga kể mãi không hết, những bản tình ca Nga vang lên như làm sống lại một thời chưa xa ấy. Để rồi trong cảm xúc bồi hồi, xao xuyến, họ lại ước nguyện được một lần quay lại thăm nước Nga, gặp những người bạn, đến những nơi mình đã từng làm việc và học tập. Ông cùng những người bạn thường nói với nhau rất tự hào rằng: “Một thời chúng ta đã có...”.

Bức ảnh cưới của vợ chồng ông Bài chụp khi đến dâng hoa tại tượng đài Lênin.
Bức ảnh cưới của vợ chồng ông Bài chụp khi đến dâng hoa tại tượng đài Lênin.

Dấu ấn về những năm tháng không thể nào quên khi học tập trên nước Nga đã khiến ông thốt lên: “Tình cảm với các bạn Nga vô cùng đặc biệt và nồng hậu!”. Như để minh chứng, ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về người thầy của mình - một giáo sư người Nga. Vị giáo sư ấy cũng đã từng có thời gian công tác, dày công tìm hiểu, nghiên cứu về rừng ở Việt Nam suốt từ vĩ tuyến 17 trở ra.  Ông còn nhớ mãi khi đoàn học sinh Việt Nam sang học, giáo sư ra đón, hăm hở xách hành lý rồi ân cần hỏi han như đón người em, người con trở về. Giáo sư còn xin gia nhập hội đồng hương Việt Nam. Sau những giờ lên lớp nghiêm túc với những bài giảng nhiệt tình, cặn kẽ, dễ hiểu bằng các dẫn chứng gần gũi về rừng Việt Nam, trở về với cuộc sống sinh hoạt đời thường, giáo sư dành sự quan tâm chu đáo từ việc nhỏ như hỏi thăm chuyện hàng ngày ai giặt quần áo cho các em, rồi có thời gian rảnh lại mời những học trò người Việt về nhà ăn cơm. Ngày vị giáo sư mất, điếu văn do những học sinh người Việt Nam đọc đã gọi giáo sư là cha, là anh và là bạn. Kể đến đây ông khóc rấm rức. Khi được hỏi, nếu để nói một điều gì đó về nước Nga, người Nga, ông sẽ nói gì? Không chần chừ, ông cho biết: Cảm ơn những con người ấy đã cho kiến thức, cảm ơn họ đã cho ông thêm hiểu và thấm thía thế nào là tình cảm nồng ấm yêu thương giữa con người với nhau.

Đến hôm nay, trên bục giảng mỗi giờ lên lớp, khi có dịp ông vẫn kể cho sinh viên của mình nghe những câu chuyện mà ông tự hào và lưu giữ trong một vùng ký ức đẹp về dấu ấn một thời chưa xa ấy...

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.