NHÂN NĂM ĐOÀN KẾT, HỮU NGHỊ VIỆT NAM – LÀO 2012:
Cuộc giải cứu Hoàng thân Xuphanuvông
Cuộc đời ông gắn liền với những biến cố lịch sử trọng đại của hai quốc gia Việt Nam - Lào. Ông chính là Hoàng thân Xuphanuvông (Souphanouvong), nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Không chỉ là một kỹ sư tài ba để lại nhiều công trình xây dựng nổi tiếng trên đất nước Việt Nam, một nhà thông thái am tường 8 ngoại ngữ, đặc biệt hơn, ông còn là “người bạn lớn rất thân thiết, thủy chung, người đồng chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam,đã có nhiều cống hiến to lớn và quý báu cho quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào".
Từ kỹ sư cầu đường
Năm 1931, sau khi tốt nghiệp cùng lúc hai văn bằng Khoa học và Văn học nghệ thuật hạng ưu của Trường Albert Sarraut, Xuphanuvông tiếp tục du học sang Pháp, vào Trường Saint Louis học dự bị đại học. 3 năm sau, Xuphanuvông thi đỗ vào Trường Quốc gia cầu đường (Ecole National des Ponts et Chauseés), chuyên khoa xây dựng các công trình dân sự.
Ngoài việc học, đọc và say mê đi khắp mọi nơi để tìm hiểu về nền khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật, Xuphanuvông chú ý nhiều nhất đến công việc của những người kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng. Tiếp đó là nền văn hóa Pháp.
Gia đình Hoàng thân Xuphanuvông trong một lần gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: T.L |
Xuphanuvông có hàng chục cuốn sổ tay ghi chép đủ thứ trên đời. Những cuốn sổ tay không ghi chép đủ thứ lộn xộn mà ông tách ra từng cuốn, từng đề tài khác nhau. Ví dụ: Đề tài xây dựng các công trình dân sự thì riêng từng cuốn, có đánh dấu và ghi ngoài bìa rõ ràng. Riêng một cuốn rất dày ghi về cuộc Đại Cách mạng 1789 của Pháp.
Đầu tháng 6-1937, kỹ sư Xuphanuvông rời cảng Marseille nước Pháp, trở về xứ Đông Dương. Vừa về tới Sài Gòn, Xuphanuvông đã nhận được bổ nhiệm của quan Toàn quyền J. Brévié về công tác tại Sở Công chánh An Nam Trung kỳ, đóng tại Nha Trang. Tại đây, với chức vụ kiến trúc sư trưởng, Hoàng thân Xuphanuvông đã thiết kế và chỉ đạo thi công công trình xây dựng các cầu trên quốc lộ 14, cầu trên đường số 19 vượt qua sông Sêrêpôk, góp phần thiết kế công trình thủy điện Đa Nhim...
Vị kỹ sư hoàng thân tài ba và tận tâm này đã để lại nhiều công trình thủy lợi nổi tiếng, cho đến nay vẫn còn sử dụng như Tháp nước Phan Thiết -biểu tượng của TP Phan Thiết, Đập nước Bái Thượng - Thanh Hóa, hồ chứa nước sông Rộ, Đập nước Đô Lương - Nghệ An...
Trở thành nhà cách mạng
Tháng 9-1945, sau khi Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, Xuphanuvông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội họp bàn việc liên minh Việt - Lào chống thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương. Ông bà hoàng thân được đi cùng chuyến xe với Vĩnh Thụy - tức cựu hoàng Bảo Đại ra làm cố vấn. Tại Bắc Bộ phủ, Hoàng thân Xuphanuvông cùng ăn ở, làm việc với Hồ Chủ tịch và các nhà lãnh đạo như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...
Sau khi Hồ Chủ tịch nhất trí các nội dung hợp tác tương trợ liên minh Việt - Lào, ngày 3-10-1945, Xuphanuvông lên đường trở về Lào. Ngày 30-10-1945, ông về đến Thủ đô Viêng Chăn, tiếp kiến các hoàng thân và Chính phủ Lào Ítxala, nhận chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Lào, lập chính quyền cách mạng ở Thà Khẹc. Xuphanuvông chỉ huy một lực lượng liên quân Lào - Việt gồm 600 tay súng thiện chiến, chiến đấu anh dũng chống thực dân Pháp.
Ngày 21-3-1946, thực dân Pháp dồn hỏa lực tấn công Thà Khẹc, phòng tuyến bị vỡ, Xuphanuvông bị thương. Nhưng sau khi vết thương lành, ông lại tiếp tục bôn ba vận động sự giúp đỡ của các nước, củng cố liên quân Lào - Việt cùng Việt kiều giải phóng quân đánh địch ở khắp nơi với nhiều trận lớn như Húa Phăn, Xiêng Khoảng, Viêng Chăn...
Tháng 7-1948, đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam ở Trung bộ Phạm Văn Đồng đã ký quyết định thành lập Khu đặc biệt chuyên lo việc giúp Lào. Ngày 19-8-1948, đơn vị quân tình nguyện đầu tiên của Khu 5 đã lên đường đến Hạ Lào.
Tháng 11-1949, phong trào cách mạng ở Lào gặp khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phái đồng chí Nguyễn Tử Quý chỉ huy một đơn vị bộ đội đến biên giới Lào - Thái đón Hoàng thân Xuphanuvông về vùng tự do của Việt Nam. Sau mấy tháng ở chiến khu Việt Bắc với Bác Hồ, hoàng thân đã tìm ra con đường mới, phương pháp mới, chiến thuật mới, chủ trương mới để áp dụng cho cuộc kháng chiến của nhân dân Lào.
Bị địch bắt...
Ngày 13-8-1950, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Lào thành lập Chính phủ Lào kháng chiến và Mặt trận Lào tự do (Neo Lào Ítxala), Hoàng thân Xuphanuvông được bầu làm Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ tịch Mặt trận Lào. Phó vương Phetxarat làm Cố vấn tối cao, ông Phumi Vongvichit làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao, ông Cayxỏn Phomvihản làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.... Từ đây, cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Lào bước sang giai đoạn mới. Quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pathet Lào đã phối hợp chiến đấu mạnh mẽ khiến cho quân Pháp lúng túng, phải cầu viện Mỹ.
Sau hiệp định Giơnevơ, Mỹ thay Pháp can thiệp sâu vào Đông Dương. Tại Lào, Mỹ lập nên chính phủ phản động Phủi Xananicon, bao vây và tước vũ khí 2 tiểu đoàn vũ trang Pa Thét Lào hòng tiêu diệt các lực lượng kháng chiến Lào. Đêm 28-7-1959, các nghị sĩ và cán bộ lãnh đạo của Mặt trận yêu nước Lào bị bắt giam, trong đó có Hoàng thân Xuphanuvông, Nuhắc Phumxavẳn, Phumi Vôngvichit.. Họ bị buộc tội phiến loạn và phản bội Tổ quốc, bị giam trong một trại giam đặc biệt ngay tại doanh trại của Bộ tổng tư lệnh quân đội phái hữu đóng ở đồi Phôn Khiêng.
Giải cứu
Trước tình hình ấy, một kế hoạch giải thoát các đồng chí lãnh đạo được vạch ra do chính đồng chí Cayxỏn Phomvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào phê duyệt. Theo đó, một nhóm 9 chiến sĩ cả tình báo, cơ yếu báo vụ, trinh sát, phiên dịch và đặc công Việt Nam được phái sang Lào giúp bạn thực hiện kế hoạch. Đêm 23-5-1960, kế hoạch giải cứu đã thực hiện thành công mỹ mãn.
Sau 300 ngày bị giam cầm, Hoàng thân Xuphanuvông đã vượt ngục thắng lợi, trở về căn cứ địa an toàn, lực lượng vũ trang cách mạng Lào lại tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Vào tháng 5-1962, Lực lượng quân cách mạng Lào phối hợp với quân chủ lực Việt Nam đã tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Nậm Thà, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Giơnevơ về Lào ngày 23-7-1962 có 14 nước công nhận chủ quyền Lào và Chính phủ Liên hiệp lâm thời do Hoàng thân Xuvanan Phuma (phái trung lập) làm Thủ tướng, Hoàng thân Xuphanuvông (phái Mặt trận Lào yêu nước) làm phó Thủ tướng.
Đầu tháng 12-1975, hoàng thân Xuphanuvông được bầu làm chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tối cao, ông Cayxỏn Phomvihản làm Thủ tướng Chính phủ. Đất nước Lào chuyển sang một trang sử mới.
Nguồn kienthucnet.vn
Ý kiến bạn đọc