Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào”: Nhật ký về dấu ấn nghĩa tình Việt – Lào
Không đơn thuần là chuyện giải thưởng, cuộc thi Tìm hiểu lịch sử quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam còn là dịp để những kỷ niệm, ký ức của người trong cuộc được đánh thức; xúc cảm, sự trân trọng của mỗi người về nghĩa tình Việt – Lào được bày tỏ và ghi chép lại...
Năm 2012 đặc biệt có ý nghĩa: Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Kỷ niệm sự kiện trọng đại này, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Cuộc thi Tìm hiểu lịch sử quan hệ Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam trên phạm vi toàn quốc. Cuộc thi thu hút sự quan tâm cũng như hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Với nhiều người, tham gia cuộc thi, mục tiêu cao nhất chưa hẳn là giải thưởng mà có lẽ quan trọng và ý nghĩa hơn là được kể, được giãi bày những điều mình đã trải qua trong thực tế lịch sử; được biết và thể hiện tình cảm trân trọng của mình về nghĩa tình Việt Nam – Lào sâu nặng như Bác Hồ từng viết: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội/Mấy đèo cũng qua/Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”.
Ông Vũ Văn Tăng đang xem lại những bức hình kỷ niệm chụp ở chiến trường. |
Nghĩa tình Việt – Lào được tái hiện sinh động qua những bài dự thi được viết tay của các cựu chiến binh từng sống, chiến đấu tại chiến trường Lào. Họ là những nhân chứng sống của lịch sử, chứng kiến tình cảm, mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Lào. Ông Vũ Văn Tăng, một cựu chiến binh chiến đấu ở Lào những năm 1968-1969, hiện đang sống tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar kể: Nhắc đến thời điểm lịch sử ấy, ông lại nhớ đến một người phụ nữ Lào mà ông coi như người mẹ thứ hai của mình, người đã cứu sống và chăm sóc ông vượt qua cơn sốt rét rừng khi mới bắt đầu vào chiến trường. Đã hơn 40 năm trôi qua nhưng lời động viên của bà khi bón cho ông từng thìa cháo, ông còn nhớ mãi: “Mày cố gắng ăn đi, mày khỏe rồi theo đơn vị, giải phóng rồi được về với bố mẹ mày”. Kỷ niệm sâu sắc này ông đã kể lại trong bài dự thi dài 12 trang viết tay và chỉ làm trong hai đêm. Thật cảm động và trân trọng khi đọc những dòng ghi chép: “Tháng 8-1968, tôi cùng đơn vị sang làm nhiệm vụ bên nước bạn Lào. Hành quân đến Mường Noọng thuộc tỉnh Sanavan, tôi bị sốt rét nặng, đơn vị phải gửi lại cho một bà mẹ Lào. Bà đã lo lắng cho tôi, chăm sóc tôi như mẹ chăm con, lấy thóc giống giã gạo nấu cháo cho tôi ăn, vào rừng hái thuốc về sắc cho tôi uống, đốt lửa sưởi ấm cho tôi. Khi tôi sốt cao, bà đã ôm lấy tôi, truyền hơi ấm cho tôi. Hết sốt, tôi tìm về đơn vị. Khi chia tay, tôi biếu bà mảnh dù hoa, bà không nhận, với giọng nói pha Lào, pha Việt, bà bảo: Việt – Lào là anh em, Việt – Lào đoàn kết”.
Cũng là một cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Hạ Lào, cụ Nguyễn Phán năm nay đã 82 tuổi thì tâm sự qua những trang viết của mình: “Dân tộc Hạ Lào rất tốt bụng, xem người Việt như người Lào, thương yêu, đùm bọc, che giấu. Đặc biệt dân thường Hạ Lào, họ nói tiếng Pháp được, tuy không biết chữ Pháp nhưng những từ giao tiếp hằng ngày hỏi là họ trả lời ngay cho nên Pháp và lính chư hầu đều phải nể”.
Với những người không được trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Lào như ông Tăng, cụ Phán, qua cuộc thi họ cũng có dịp được tìm hiểu sâu sắc hơn cũng như thể hiện suy nghĩ, tình cảm trân trọng của mình về lịch sử quan hệ, nghĩa tình sâu nặng Việt Nam – Lào. Phạm Khánh Quyên, chuyên viên Ban Tuyên giáo Thành ủy Buôn Ma Thuột, người đã giành giải Nhì (không có giải Nhất) của cuộc thi cấp tỉnh với bài dự thi được chuẩn bị công phu: dày 163 trang, in màu, sử dụng nhiều tư liệu, hình ảnh minh họa phong phú và sinh động. Quyên tâm sự: “Trong quá trình tìm kiếm tư liệu lịch sử để tham gia cuộc thi, những thước phim, những hình ảnh, hồi ký, câu chuyện kể về những cống hiến, hy sinh của những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì tâm nguyện hòa hợp, thống nhất, đoàn kết Việt – Lào, bản thân tôi như được tận mắt chứng kiến những ngày tháng lịch sử, với chiến trường xưa, với những cuộc chiến khốc liệt, đẫm máu và nước mắt của nhân dân Việt Nam – Lào. Cảm xúc trong tôi càng dâng trào những bồi hồi, xúc động và càng thêm kính yêu, quý mến, trân trọng những trang sử vàng mà nghĩa tình Việt - Lào đã ghi dấu”. Còn cô giáo Vũ Thị Ngoại, Trường THPT Cư M’gar thì chân thành trên những trang viết tay: “Tôi là thế hệ đi sau, chưa một lần đến đất nước Lào tươi đẹp nhưng tôi đã được nghe các bác, các chú kể thật nhiều về đất nước Lào, đặc biệt là nghĩa tình gắn bó kéo sơn Việt – Lào trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tôi tự hào về các bác, các chú thế hệ đi trước, những người đã làm nên điều kỳ diệu cho hai dân tộc Việt – Lào. Không chỉ dừng lại ở cuộc thi mà tôi sẽ còn tìm hiểu thật nhiều về lịch sử hai nước và làm hết sức mình để gìn giữ phát huy truyền thống tốt đẹp mà thế hệ cha anh đã xây đắp nên để cho tình hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Mỗi người mỗi câu chuyện, mỗi dòng cảm xúc nhưng đều có một điểm chung giống nhau là trân trọng vô cùng nghĩa tình thiêng liêng giữa hai dân tộc, hai anh em: Việt Nam – Lào. Chính những câu chuyện và dòng cảm xúc ấy khiến những bài thi đã vượt ra ngoài giới hạn của một cuộc thi, trở thành những trang nhật ký ghi chép lại lịch sử, tình hữu nghị đời đời bền vững Việt Nam – Lào một cách sâu sắc, sinh động, chân thực, toàn diện, ấn tượng và độc đáo.
Hưởng ứng Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam”: về thi viết, toàn tỉnh có tổng số 30.960 bài dự thi, trong đó đơn vị có số lượng bài dự thi nhiều nhất là Huyện ủy Cư Kuin với 15.926 bài. Người dự thi cao tuổi nhất là bác Phạm Văn Lới, 83 tuổi tại tổ dân phố 8, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ. Người dự thi nhỏ tuổi có bài thi đạt chất lượng nhất là Bùi Long Hổ, học sinh lớp 7C, Trường THCS Ea Yông, Krông Pak.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc