Người mở cõi đất phương Nam
Rời vùng cát trắng Quảng Bình, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh "mang gươm đi mở cõi" đất phương Nam. Đến khi mất ông lại được đưa về quê mẹ, song do chiến tranh, loạn lạc, mộ phần của ông bị mất, sau đó hơn 50 năm, hậu duệ của Lễ Thành Hầu mới tìm thấy.
Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: T.L |
Theo gia phả của dòng họ, Nguyễn Hữu Cảnh là con thứ của Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, em của Hào Lương hầu Nguyễn Hữu Hào, sinh tại Phước Long, Chương Tín, Phong Lộc, Quảng Bình. Là dòng dõi danh tướng, lớn lên trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, lại thông minh, lập được nhiều chiến công nên Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Tần phong chức Cai cơ khi mới tuổi đôi mươi. Người làng thường gọi Nguyễn Hữu Cảnh là "Hắc Hổ".
Năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu phái Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh đem quân bình định biên cương, thành lập trấn Thuận Thành (Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay). Sau đó ông được cử làm Trấn thủ dinh Bình Khương (Khánh Hòa, Bình Thuận bây giờ).
Tháng 2 năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn phong Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất kinh lược xứ Đồng Nai. Nguyễn Hữu Cảnh đi ngược dòng Đồng Nai, đến đóng đại bản doanh ở Cù lao Phố. Thuở ấy xứ Đồng Nai toàn là rừng núi âm u, sông rạch thì chằng chịt, mãnh thú, ác ngư đầy rẫy...
Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã đưa ra nhiều kế sách: Khai hoang mở cõi, dàn xếp biên cương, thiết lập cơ quan hành chính địa phương, lập phủ Gia Định và chính thức cho sáp nhập vùng đất cực Nam này vào bản đồ Đại Việt... Chỉ trong một thời gian ngắn, vùng Đồng Nai - Bến Nghé đã nhanh chóng trở nên trù phú, rộng lớn.
Tháng 4 năm Canh Thìn (1700), Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về đóng ở cồn Cây Sao (nay là Chợ Mới, An Giang) và báo tin thắng trận về kinh. Sau đó, ông lâm bệnh trọng và mất vào ngày 9-5 năm Canh Thìn (1700) tại Rạch Gầm, Mỹ Tho. Đến ngày 16-5, linh cữu ông được đưa về an táng tại Hiệp Hòa (Biên Hòa - Đồng Nai). Năm 1802, di hài ông được đưa về an táng tại Phước Long, Chương Tín, Phong Lộc, Quảng Bình.
Theo sử liệu ghi lại, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là bậc công thần đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), quê gốc ở Gia Viễn, Ninh Bình, sinh ra ở xã Chương Tín, huyện Phong Lộc (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Nguyễn Hữu Cảnh là hậu duệ 19 đời của khởi tổ Nguyễn Bặc; hậu duệ 9 đời của hậu tổ Nguyễn Trãi. Ngoài trí tuệ trác việt, ông còn là người rất dũng cảm, thiện chiến. Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh còn là người nhân hậu, luôn nhớ về cội nguồn. Ngày nay, các địa danh hành chính quận, huyện, xã, tỉnh ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như: Tân Bình, Bình Dương, Bình Đông, Bình Tây, Bình Tiên, Bình Quới… đó đều là những tên gọi mà khi xưa Lễ Thành Hầu đặt để tưởng nhớ nơi sinh quán của mình là Quảng Bình.
(Theo Quehuong Online)
Ý kiến bạn đọc