Multimedia Đọc Báo in

Vua Minh Mệnh với việc kiệm ước

06:00, 13/01/2013

Vua Minh Mệnh trong 21 năm trị vì đã thể hiện là một vị vua hết lòng vì con dân. Vua coi việc trọng nông là quốc sách hàng đầu, bên cạnh đó là việc không sử dụng tiền bạc hoang phí.

Vua Minh Mệnh trong 21 năm trị vì đã thể hiện là một vị vua hết lòng vì con dân. Vua coi việc trọng nông là quốc sách hàng đầu, bên cạnh đó là việc không sử dụng tiền bạc hoang phí.

Là người đứng đầu của một vương triều, vua Minh Mệnh hiểu rằng đất nước muốn yên ổn thì dân phải no đủ, phải xem dân là gốc. Do đó, việc chăm lo cho con dân của mình được vua rất mực chú ý đến. Cụ thể như việc quan tâm đến dân tình ở các địa phương, kiệm ước trong việc sử dụng ngân sách của đất nước. Từ việc chi dụng trong việc đi tuần ở Bắc Kỳ, đến việc trang hoàng tu sửa nhà tông miếu hay tận dụng các sản phẩm dư thừa để chuyển sang sử dụng cho mục đích khác… đều được vua cho người thực hiện hết sức tiết kiệm.

Khi vua Minh Mệnh đi tuần hành ở Bắc Kỳ, trước khi đi vua dụ rằng: “Đặt hành cung đủ làm nơi tạm nghỉ, chỉ làm bằng cỏ tranh, gỗ tạp, cốt sao được tinh giảm, tiết kiệm. Những cầu đường hư hỏng cần sửa chữa, nhưng bất tất phải làm cao rộng quá”. Khi vua đến Bắc thành, bầy tôi ở đó tấu xin được sơn son đỏ lại để trang trí cho hành cung được lộng lẫy, vua đã dụ rằng: “Nhà Tông miếu tốt đẹp thì phải, còn nơi vua ở nên sạch sẽ, mộc mạc để tỏ sự kiệm ước. Huống gì việc tuần hành chỉ là nhất thời sao phải dùng đến việc trau chuốt lòe loẹt”. Khi vua ra Bắc xa giá đến Nghệ An, gặp mưa gió nhà hành cung bị hư hại, quan tỉnh tâu lên, vua đã chỉ dụ rằng: “Hành cung là nơi tạm trú, phải theo cũ mà sửa chữa, bất tất phải phấn sức thêm, để phí tổn vô ích”.

Như vậy, việc vua Minh Mệnh không cho xây dựng trang hoàng hoang phí các hành cung dọc đường thiên lý ra Bắc cũng như việc đập bỏ cũ để dựng mới làm hoang phí tiền của dân đã thể hiện rõ Minh Mệnh kiệm ước như thế nào.

Ngay cả đến Điện Trung Hòa bị dột mà bề tôi ở Vũ Khố xin tu bổ vua Minh Mệnh cũng không cho mà chỉ yêu cầu sửa chữa lại chứ không được đập bỏ xây dựng lại mới.

Đó mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng một số công trình mà vua cho là không cần thiết, còn rất nhiều việc thể hiện vua là người kiệm ước khi nghĩ cho dân như đóng thuế, cống phẩm… bằng cách cho bãi miễn các nơi dâng cúng cống phẩm để tránh lãng phí.

Ngay cả việc vua chỉ dụ cho Bộ Công cần phải tiết kiệm trong việc dùng gỗ để xây dựng các công trình kiến trúc. “Từ ngày trẫm tức vị đến nay, dùng gỗ rất dè dặt. Như làm dãy nhà hành lang và nhà bếp, phần nhiều đều dùng cách nối tiếp gỗ, dù không lợi ích bao nhiêu nhưng cũng đủ dành được gỗ để dùng về sau, không nên coi thường. Phàm đoạn gỗ nào đã dùng rồi mà bỏ đi, phải chọn cái gì còn có thể dùng được thì giữ lại chứ không coi đó là vật bỏ”.

Khi Bộ Công xin đem gỗ mục trong kho chứa gỗ ra làm củi nấu, vua Minh Mệnh sai kiểm soát lại xem có cái nào còn dùng được, vua nói: “Không nên bỏ một tấc gỗ đầu tre, Bộ Công hãy kiểm soát cẩn thận, muốn đem tiêu hủy tất cả số gỗ ấy, thật không có ý tiếc của. Truyền chỉ phải nghiêm sức giữ lại trong kho những gỗ còn có thể dùng được, để tùy việc đem dùng. Giao những gỗ mục cho Thủy quân phủ Thừa Thiên dùng làm củi nung gạch ngói, để bớt uổng phí”.

Đến như việc xây dựng trong điện Thái Hòa vua cũng bảo với thợ rằng cần phải tiết kiệm gạch, dùng gạch nát xây tường móng cửa Ngọ Môn, nên giữ lại các viên gạch lành để xây thềm. Đó cũng là việc kiệm ước.

Được tin Bắc Kỳ gặp tai nạn nước lụt, Minh Mệnh đã tự nguyện ra lệnh cho thị thần rằng: “Trẫm là cha mẹ dân, sao nỡ vui nơi yến tiệc. Bắt đầu từ ngày hôm nay, dâng cơm ngự thiện phải giảm một nửa, bãi bỏ tất cả các việc ca nhạc, phải cất các đồ trang sức bằng châu ngọc để ở trong cung. Thả hết những giống cầm thú trong vườn Thượng uyển. Lại ban sắc cho các bà trong cung theo phẩm trật mà ăn mặc đúng phép không được xa hoa, các tỳ nữ không được lạm dụng gấm vóc, ăn uống phải có tiết độ, không được vượt quá mức thường ”.

Khi vua bước sang tuổi ngũ tuần các quan xin dựng rạp để làm nơi cầu chúc cho vua, Minh Mệnh đã dụ rằng: “Bầy tôi thờ vua cốt ở lòng thành kính chứ không ở việc xa hoa”. Ngay cả ngày vui của riêng mình vua Minh Mệnh cũng thể hiện rõ sự kiệm ước của mình khi không đồng ý cho các quan xây dựng rạp xa hoa lộng lẫy mà chỉ làm đơn giản, dùng các vật đã có sẵn nơi quan nha, tránh sự hao phí về tiền của.

Lúc vua tuần hành đến của biển Thuận An, dân hai bên đường đốt đuốc thắp hương quỳ lạy để đón, vua trông thấy bảo đốt đuốc ban ngày thật vô ích lại phí tổn nên ra lệnh từ nay về sau bỏ lệ ấy đi để tránh lãng phí cho dân.

Nguyễn Huy Khuyến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.