Hiệp định Paris năm 1973 - thắng lợi từ những dự báo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đã trở thành biểu tượng của tinh thần không có gì quý hơn độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, là thắng lợi chung của các nước anh em, bè bạn của nhân dân Việt Nam, của phong trào giải phóng dân tộc, nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới.
Lễ ký kết thỏa thuận chấm dứt Chiến tranh Việt Nam tại Khách sạn Majestic, Paris, ngày 27-1-1973. Ảnh: T.L |
Nhìn lại toàn bộ quá trình phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và tiến trình đàm phán tại Paris, những ai quan tâm sâu sắc sẽ nhận thấy một yếu tố rất quan trọng, tạo tiền đề cho thắng lợi trong Hiệp định Paris đó là những dự báo chiến lược thiên tài của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, đặc biệt là dự báo về việc Mỹ đưa máy bay chiến lược B52 ra đánh phá Hà Nội.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (ngày 21-7-1954) được ký kết, với bản chất hiếu chiến, đế quốc Mỹ đã từng bước thay chân Pháp và tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trong cuộc chiến này, Mỹ đã thực hiện hàng loạt các chiến lược quân sự nhằm mục tiêu bình định miền Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Sau thất bại liên tiếp trong các chiến lược “chiến tranh một phía” (1954 – 1960), “chiến tranh đặc biệt” (1961 – 1964), Mỹ đã thực hiện việc mở rộng chiến tranh bằng việc phát động “chiến tranh cục bộ”, đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam, đồng thời tiến hành “chiến tranh phá hoại” bằng không quân và hải quân ra miền Bắc nhằm “răn đe”, ngăn chặn miền Bắc chi viện, tiếp sức cho miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ - Ngụy.
Việc Mỹ dùng máy bay ném bom miền Bắc trong đó có thủ đô Hà Nội không phải là quá bất ngờ đối với Bác và Trung ương Đảng. Bởi trước đó, trong bức thư động viên cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn pháo cao xạ 367 được thành lập (21-9-1954) để làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Hà Nội chưa có pháo cao xạ như nhà chưa có nóc”. Ta cần biết rằng, ở thời điểm này, Hiệp định đình chiến Giơnevơ bắt đầu có hiệu lực, miền Bắc bước vào thời kỳ hòa bình. Việc phải thành lập đơn vị pháo cao xạ để bảo vệ Thủ đô không chỉ là công việc bảo vệ Tổ quốc thông thường mà đó là một vấn đề mang tính chiến lược cấp thiết.
Năm 1962, khi giao nhiệm vụ Tư lệnh bộ đội Phòng không cho Phùng Thế Tài, Bác đã hỏi “…Chú có biết gì về B52 chưa?”. Đối với Phùng Thế Tài, đây không phải là một câu hỏi đơn thuần mà là một trọng trách lớn, trọng trách phải tìm hiểu về sức mạnh không quân của Mỹ, nhất là máy bay chiến lược B52 để có phương án đối phó phù hợp. (Bởi trước đó, ngày 16-4-1952 nước Mỹ đã cho bay thử chiếc B52 đầu tiên). Như vậy, Hồ Chủ tịch đã theo sát những diễn biến của tình hình thế giới, đặc biệt là nước Mỹ và những có dự cảm liên quan đến nước ta, từ đó đưa ra những dự báo và quyết định chiến lược đối với cách mạng Việt Nam.
Ngày 12-4-1966, lần đầu tiên, Mỹ đem B52 đánh phá đèo Mụ Giạ (Quảng Bình), sau đó đánh phá Vĩnh Linh. Ngay khi đó, lãnh đạo quân chủng Phòng không – Không quân báo cáo xin ý kiến Bác và Bộ Chính trị về việc đưa tên lửa vào Vĩnh Linh, Quảng Bình đánh B52, Bác đã nói rằng: “Muốn bắt cọp thì phải vào tận hang”. Đây chính là quyết định đầu tiên của quân ta về việc tiến hành đánh B52.
Ngày 29-6-1966, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá Thủ đô Hà Nội, trước vận mệnh dân tộc bị đe dọa, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt nhân dân Việt Nam bày tỏ quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Người khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn Độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!
Đến đầu năm 1968, trong buổi nói chuyện với lãnh đạo quân chủng Phòng không – Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức đưa ra dự báo chiến lược: “Sớm muộn đế quốc Mỹ sẽ đưa B52 đánh Hà Nội, có thua nó mới chịu thua”, từ đó Người chỉ đạo: “Phải dự kiến hết mọi tình huống, càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, mà chuẩn bị”.
Và Hồ Chủ tịch khẳng định: “Nhớ là trước khi thua ở chiến tranh Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Lịch sử đã diễn ra đúng như dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù chấp thuận đàm phán ở Paris và tiến trình đàm phán đang diễn ra, nhưng đế quốc Mỹ vẫn dùng không quân, mà máy bay B52 là chủ lực ném bom miền Bắc, trọng điểm là Hà Nội và Hải Phòng trong suốt 12 ngày đêm, từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972.
Trong trận chiến này, Mỹ đã huy động gần 200 máy bay B52, gần 1000 máy bay chiến thuật các loại đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, trút 10 vạn tấn bom xuống các trường học, bệnh viện và các khu dân cư.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc chiến đấu chống lại hành động quân sự điên cuồng của Mỹ, nhưng do có những dự báo và chuẩn bị từ trước, quân và dân miền Bắc, trong đó tiêu biểu là Thủ đô Hà Nội đã bình tĩnh, kiên cường, anh dũng chiến đấu và chiến thắng, làm nên một trận Điện Biên Phủ trên không lừng lẫy.
Sau thất bại này, Mỹ buộc phải quay trở lại đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với thắng lợi của Hiệp định Pari, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã hoàn thành được mục tiêu “...đánh cho Mỹ cút...”, đồng thời tạo tiền đề pháp lý vững chắc để tiến hành đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris; củng cố và tăng cường lực lượng thực hiện cuộc Tổng tiến công vào mùa Xuân năm 1975 để “đánh cho Ngụy nhào”, đúng như di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.
Điện Biên Phủ trên không và Hiệp định Paris đã có độ lùi lịch sử 40 năm, nhưng dấu son chói lọi đó luôn nhắc nhở các thế hệ người Việt Nam về một thời gian khổ nhưng huy hoàng trong lịch sử dân tộc ta, hun đúc thêm tình đoàn kết, tinh thần yêu nước và giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay.
Nguyễn Khắc Trinh
Ý kiến bạn đọc