Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 40 NĂM CHIẾN THẮNG “HÀ NỘI – ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG” (12-1972 – 12-2012)

KÝ ỨC KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

00:19, 10/02/2013

Năm 1972, chúng tôi đang là những học sinh lớp 10. Đã mười bảy tuổi nhưng chúng tôi vẫn chỉ là những chàng trai thôn quê lộc ngộc, thật thà và chất phác. Tuy nhiên, có một điều mà lớp trẻ ngày ấy vô cùng tự hào: ấy là được sống trong những năm tháng hào hùng của đất nước thời kháng chiến chống Mỹ cùng những thời khắc của trận quyết chiến quyết thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”…

Khi đế quốc Mỹ dùng không quân thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, chúng tôi đi học bằng mũ rơm đội đầu, trong cặp sách bao giờ cũng có hộp bông băng kèm theo lọ thuốc đỏ, phòng khi bị thương thì có thể tự băng bó. Dọc đường làng, ngõ xóm cứ cách khoảng chục mét lại có một hố trú ẩn hình tròn, vừa một người ngồi (gọi là hố Tăng xê) để khi có máy bay thì nhảy xuống tránh bom, rồi đội nùn rơm lên đầu, phòng mảnh đạn từ pháo cao xạ của các chú bộ đội bắn máy bay rơi xuống thì đã có nùn rơm che chắn. Nói thêm về chiếc mũ rơm: Ban đầu nó là chiếc nùn bện bằng rơm thành từng nùn rồi cuộn lại, tuy có nặng một chút nhưng chắc chắn, chặn được mảnh bom mảnh đạn văng vào. Tuy nhiên sau này nó được cải tiến thành chiếc mũ tròn, xinh có  vành rộng (hệt như mũ bảo hiểm bây giờ được cải tiến lại cho gọn cho nhẹ, lại mang dáng thẩm mỹ); tuy có đẹp, có gọn, nhưng công năng bảo vệ thì không bằng chiếc nùn rơm ban đầu. Về lớp học, lớp nào cũng có hào giao thông chằng chịt nối từ cửa lớp ra các hầm trú ẩn hình chữ A. Bao quanh lớp học là những bờ chắn cao như con đê, đến tận mái lớp, gọi là Lũy (có lẽ do từ thành lũy mà ra).

Tuổi thơ của chúng tôi gắn với những tháng ngày đến lớp dưới tiếng gầm rú của máy bay Mỹ và tiếng đạn pháo phòng không của các chú bộ đội giòn tan trên bầu trời và tiếng bom Mỹ thả nổ rung mặt đất. Từ ngày 5-8-1964 Mỹ chính thức ném bom miền Bắc, đến đầu năm 1968 thì dừng để thực hiện thả thủy lôi để ngăn cản đường thủy của ta. Năm 1971 trở đi thì toàn miền Bắc bị đánh phá dữ dội; và cũng chính miền Bắc đã anh dũng đánh trả máy bay Mỹ, bắn rơi trên bốn nghìn chiếc - đủ loại Thần Sấm, Con Ma, Cánh cụp cánh xòe nhưng chưa có chiếc B.52 nào bị hạ. Đến tháng Chạp năm 1972, để cứu vãn tình thế thất bại thảm hại, Mỹ đã chính thức phát động cuộc chiến dùng B.52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Được coi là con bài chiến lược, là con Ngoáo ộp về ném bom rải thảm, ném bom hủy diệt, B.52 chính thức là con bài cuối cùng đế quốc Mỹ dùng để uy hiếp ta, với ý đồ buộc ta phải nhân nhượng trên bàn đàm phán ở Hội nghị Pa Ri.

Ninh Bình - quê hương chúng tôi cách Hà Nội chưa đầy 100 cây số đường bộ, và do vậy khoảng cách về đường không rất ngắn. Từ làng tôi  nhìn về ngọn núi Cánh Diều - người quê tôi gọi là “Ngọc Mỹ Nhân”- vì rất giống hình một cô gái đẹp đang nằm ngủ - đấy cũng chính là hướng nhìn về Hà Nội, Thủ đô yêu dấu. Một tối đang xem chiếu phim ở đình làng, chúng tôi bỗng nghe tiếng máy bay phản lực bay như xé gió về phía Hà Nội; rồi một hồi sau có những tiếng ầm ì như cối xay lúa, cứ âm i mãi trên trời cao tít. Đã từng quen với tiếng máy bay, tiếng bom rơi đạn nổ, nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghe âm thanh lạ như thế. Rồi khoảng 20 phút sau có tiếng bom rền từng hồi. “B.52 ném bom Hà Nội rồi, bà con ơi!”- có tiếng ai đó kêu to. Cả làng tôi chợt như bừng tỉnh, ai nấy đều hiểu rằng: đế quốc Mỹ đang đánh vào Thủ đô yêu dấu - trái tim của cả nước. Không ai bảo ai, tất cả cùng chạy ào ra dãy hào chạy dọc đường thôn, chạy dọc đồng lúa, cùng hướng về Hà Nội, sẻ chia cùng Hà nội. Pháo phòng không của các chú bộ đội, đạn súng trường của các cô dân quân tự vệ nổ ran bầu trời. Trong muôn vàn những chớp lửa ấy bỗng xuất hiện lằn lửa khổng lồ như những con rồng lửa lao lên. Và kìa, một khối lửa bùng lên sáng chói một khoảng trời - “B.52 cháy rồi, bà con ơi!”- một tiếng reo, hàng ngàn tiếng reo vỡ òa, âm vang khắp làng trên xóm dưới, khắp đồng trong ngõ ngoài. Lũ trẻ chúng tôi nhảy lên khỏi hào giao thông, ôm lấy nhau mà hò mà hét tưởng vỡ cuống họng. Nhiều máy bay phản lực hoảng hốt trút bom tháo chạy, bay qua bầu trời quê tôi, lập tức bị pháo phòng không truy đuổi, và tiếp tục nhiều chiếc bốc cháy. Cả quê tôi vui như hội, bởi đang cùng chia lửa với Hà Nội, cùng Hà Nội quyết đánh và quyết thắng.

Sáng hôm sau, làng tôi lại tập trung dưới chân cột chiếc loa sắt để nghe bản tin thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo về việc Đế quốc Mỹ dùng máy bay B. 52 đánh phá Hà Nội, rồi tin lực lượng phòng không của ta anh dũng chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay địch, trong đó có 3 chiếc B. 52. Đó là đêm 18 tháng 12 năm 1972 – đêm mở đầu cho trận đánh 12 ngày đêm “Điện Biên phủ trên không” quyết chiến quyết thắng của quân và dân thủ đô Hà Nội anh hùng.

Trong 12 ngày đêm ấy, ta đã bắn rơi 81 máy bay giặc Mỹ, trong đó có 34 máy bay chiến lược B.52, bắt sống nhiều giặc lái. Trong chiến công chung ấy, có chiến công của lực lượng phòng không quê tôi đã chia lửa cùng Hà Nội, chặn đường về của lũ thần sấm, con ma (tên các loại máy bay ném bom phản lực F.4, F.111 tối tân của đế quốc Mỹ thời bấy giờ). Trong 12 ngày đêm đầy máu lửa ấy, Phố Khâm Thiên đã bị bom B.52 rải thảm, hàng nghìn đồng bào ta đã hy sinh. Tôi còn nhớ mãi trên trang 3 của Báo Nhân dân ngày ấy có đăng trường hợp một cô gái tên là Hà (tôi không nhớ họ) bị bom Mỹ giết hại khi đang ở tuổi 16 trăng tròn, đầy hoài bão và ước mơ. Báo cũng đăng một chùm 5 bài thơ của cô viết trong sổ tay, trong đó có một bài tôi còn nhớ được mấy câu:

Ta mến yêu người - cuộc sống ơi

Không chỉ giản đơn đất với trời

Mà là tất cả niềm tin ấy

Vào cuộc sống tin yêu ta sẽ thấy

Cuộc đời ta và cả trái tim ta

Những vần thơ cháy bỏng niềm tin yêu, ước mơ cuộc sống, một trái tim thiếu nữ đầy mộng mơ... nhưng đã bị bom Mỹ sát hại. Hành động tàn bạo của Đế quốc Mỹ đã bị cả thế giới phẫn nộ, lên án; hàng trăm, hàng nghìn cuộc mít tinh, biểu tình ủng hộ Việt Nam, ca ngợi Việt Nam là “ Lương tâm thời đại”, là “ Trái tim nhân loại” v.v… Có nhiều công dân châu Âu ước mơ “Ngủ một đêm tỉnh dậy trở thành người Việt Nam”. Trong một bài thơ ca ngợi 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, nhà thơ Tố Hữu đã viết như sau:

Ngọc Hà em lộng lẫy hoa tươi

Xin thơm cả miền Nam miền Bắc

Chắc Bác Hồ vui, xin kính dâng Người

Và tặng cả anh em đang cùng ta đánh giặc.

Một năm sau cái đêm chúng tôi hét vang trời về cái bụm lửa B.52 bốc cháy trên bầu trời Hà Nội, tôi nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Vậy mà đã 40 năm rồi, từ những cậu trai làng, nhiều người trong chúng tôi đã thành ông nội, ông ngoại. Nhưng, chiến thắng 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” ngày nào vẫn còn mãi trong ký ức; mãi mãi không thể nào quên!

Buôn Ma Thuột 26 tháng Chạp năm 2012

Đinh Hữu Trường

 

                                                                 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.