Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội tịch điền và tư tưởng trọng nông của các vua chúa xưa

15:36, 23/02/2013

Lễ hội tịch điền xưa theo Đại Việt sử ký toàn thư được diễn ra lần đầu tiên vào năm Đinh Hợi thời vua Lê Đại Hành năm 987. Sử cũ ghi rằng: “Mùa xuân, vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân”.

Đến đời vua Lý Thái Tông việc tịch điền cũng được vua hết sức quan tâm, Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Mùa hạ, tháng 4, ngày mùng 1, vua ngự đến Tín Hương ở Đỗ Động giang cày ruộng tịch điền, có nhà nông dâng một cây lúa chiêm có 9 bông thóc. Xuống chiếu đổi gọi ruộng ấy là ruộng Ứng Thiên”. Đến năm Mậu Dần, vua Lý Thái Tông lại đích thân cầm cày, dù cho các quan can ngăn. Vua giảng giải cho các quan rằng, nếu vua không cày lấy gì để làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo. Đại Việt sử ký toàn thư  viết: “Năm Mậu dần [Thông Thụy] năm thứ 5 [1038] (Tống Bảo Nguyên năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sau Hữu ty dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: "Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?" Vua nói: "Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?" Nói xong đẩy cày ba lần rồi thôi”. Sự việc này được sử thần Ngô Sĩ Liên bàn rằng: “Thái Tông khôi phục lễ cổ, tự mình cày ruộng tịch điền để nêu gương cho thiên hạ trên để cúng tông miếu, dưới để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến dân đông, của giàu, nên thay!”

Tái hiện hình ảnh 1026 năm trước, Vua Lê Đại Hành cày ruộng khuyến nông
Tái hiện hình ảnh 1026 năm trước, Vua Lê Đại Hành cày ruộng khuyến nông. (Ảnh: T.L)

Đến thời nhà Nguyễn, đời vua Gia Long do đất nước chiến tranh nên thời kỳ đầu không tiến hành nghi lễ tịch điền, đến đời vua Minh Mệnh việc này mới được khôi phục. Vua Minh Mệnh tự mình cày tịch điền vì: "Ta trước hết coi trọng sự ăn của dân, hằng năm chính ta đi cày [ruộng tịch điền] để khuyến khích thiên hạ. Điều đó, các ngươi đều biết cả đấy. Há nên hao phí càn bậy được ru? Phàm các điều răn dạy này, phải nên cẩn thận nhớ lấy. Sách Đại học có nói : "Nhà sửa rồi sau nước mới trị, nước trị rồi sau thiên hạ mới bình". Lời đó, há nên coi thường ?". Đại Nam thực lục cho biết: “Bắt đầu đặt ruộng tịch điền. Vua bảo bầy tôi rằng: “Đời xưa vua cày ruộng tịch điền để lấy gạo làm xôi tế Giao Miếu, nhân thể để xét thời tiết làm ruộng khuyên giúp nông dân, thực là việc lớn trong vương chính. Cái điển ba đường cày, sách vở còn chứng. Nước ta đời Trần, đời Lê gián hoặc có làm nghi điển ấy, nhưng phần nhiều giản lược. Trẫm từ thân chính đến nay, chăm nghĩ đến dân, thường lấy việc dạy dân chăm nghề gốc làm gấp. Hiện nay triều đình nhàn rỗi, giảng tìm phép xưa, thực là việc nên làm trước. Nên chọn đất ở trong kinh thành làm chỗ tịch điền”. Bèn sai đặt ở hai phường Hậu Sinh, An Trạch, bên tả dựng đài Quan Canh, đằng trước làm ruộng đế tịch, đằng sau làm điện thay áo, bên hữu đặt đàn Tiên Nông và đình Thần thương thu thóc. Sai Trung quân Tống Phước Lương coi làm. Thưởng tiền cho thợ và biền binh làm việc 5.000 quan. Lại đặt sở Diễn canh (tập cày) ở phía bắc cung Khánh Ninh, gọi là vườn Vĩnh Trạch. Sai bộ Lễ bàn định điển lệ. Hằng năm cứ tháng trọng hạ (tháng 5) chọn ngày tốt làm lễ”. Không chỉ đích thân vua cày tịch điền mà việc làm lễ tịch điền tại các địa phương cũng được quy định và chuẩn bị rất kỹ càng. Từ việc chọn ruộng đất đến việc chọn người dắt trâu, người vãi hạt... đều được quy định và ghi trong chính sử. Theo đó, các địa phương chọn đất ở phía ngoài thành của tỉnh hay trấn, đặt làm 3 mẫu tịch điền, chung quanh đắp tường đất, phía trước và hai bên tả hữu đều mở 1 cửa. Chính giữa chỗ đầu ruộng, đặt một chỗ vọng khuyết hướng về phía nam. Phía tây ruộng, chọn 3 sào đất, chung quanh trồng tre, đằng trước và hai bên tả hữu cũng đều mở một cửa. Chính giữa xây đàn Tiên Nông, hướng về phía nam, về phía đông bắc đàn, đặt kho Thần thương, trước kho xây đình thu thóc, lấy dân sở tại 15 người sung làm nông phu tịch điền và giữ đàn sở được trừ miễn giao dịch. Mỗi năm khi trên bộ báo cho biết ngày cày tịch điền, các viên tổng đốc, tuần phủ hay trấn quan đem các văn võ thuộc hạt, mặc triều phục, tới đàn Tiên nông làm lễ. Khi lễ xong thì thay triều phục, đội mũ văn công, mặc áo bào hàng màu, hẹp tay, thắt dây lưng, vận quần ngắn đi giày và bí tất đến chỗ tịch điền thân hành cầm cày. 2 người kỳ lão dắt trâu, 2 người nông phu đỡ cày; thông phán, kinh lịch bưng hòm, một người gieo thóc và cày 9 luống. Khi xong lại đổi mặc triều phục làm lễ ở vọng khuyết. Lễ xong, nông phu cày trọn khu ruộng ấy. Đến khi gặt thì lựa thóc giống cất riêng, số còn lại chứa vào kho Thần thương, phái lính coi kho trông giữ để làm xôi cúng tế...

Lễ tịch điền thời phong kiến ở nước ta diễn ra khá thường xuyên và được xem là một trong những nghi lễ quan trọng của đất nước. Việc tiến hành lễ tịch điền nhằm cổ súy, ca ngợi nền nông nghiệp nước nhà và việc các hoàng đế tự mình đi cày là một hình ảnh đẹp đối với nhân dân. Những năm gần đây nước ta đã tái hiện lễ tịch điền vào những ngày xuân (thường vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch) cũng nhằm để khuyến khích phát triển nền nông nghiệp nước nhà.

Nguyễn Huy Khuyến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.