Multimedia Đọc Báo in

Tình Việt – Lào ở làng đảo

07:49, 15/02/2013

Hai dòng máu Việt – Lào đã hòa chung trong nhiều thế hệ con cháu những cư dân ở Bản Đôn (huyện Buôn Đôn). Nghĩa tình hai dân tộc Việt – Lào đã được “chưng cất” và thu nhỏ trong tình cảm gia đình, xóm làng, buôn bản ở mảnh đất huyền sử này...

Bản Đôn theo tiếng Lào có nghĩa là “làng đảo”. Thuở sơ khai, nhiều cư dân Lào trong lúc ngược dòng sông Sêrêpôk buôn bán, bị quyến rũ bởi mảnh đất này đã ở lại cùng người Êđê bản địa xây dựng một ngôi làng trù phú. Làng đảo xưa hiện chủ yếu nằm tại buôn Trí A, buôn Trí B, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn. Những người Lào gốc, gạo cội ở đây chỉ còn lại đôi người như ông Kẹo Phá Lào và Lai Văn Lào ở buôn Trí A.

Về làng đảo hôm nay thật khó để phân biệt đâu là người dân tộc Êđê, M’nông, Lào bởi dòng máu đã hòa làm một từ bao thế hệ con cháu. Sự quần tụ và giao thoa đã tạo nên những giá trị văn hóa độc đáo ở đây. Một điều đặc biệt, hầu hết người dân hai buôn Trí A và Trí B đều nói được tiếng Lào, kể cả những đứa trẻ đang học vỡ lòng và đó cũng là ngôn ngữ giao tiếp chính của nhiều gia đình trong sinh hoạt hằng ngày. Toàn buôn Trí B có tổng số trên 150 hộ chủ yếu là người Êđê, M’nông nhưng có lẽ chính đặc điểm ngôn ngữ đã khiến cho nhiều du khách tưởng họ là người Lào gốc. Chị H’On Kẹo Lào cho chúng tôi hay, sau khi bố của chị qua đời hồi đầu năm 2012, buôn Trí B không còn người Lào gốc nữa. Nhưng không vì vậy mà những nét văn hóa Lào bị quên lãng. Ngày bố còn sống, mẹ chị vẫn thường nấu những món ăn Lào cho ông ăn, phần để ông vơi đi nỗi nhớ quê hương bản quán, phần để nhắc con cái luôn ghi lòng tạc dạ về một dòng máu Lào trong mình. Bố mất rồi, mẹ sốt sắng hơn với việc truyền dạy cho chị những bài hát, điệu múa, món ăn Lào như canh lá muồng, gỏi cá, mắm cá (pà đẹt) để mai này dù bà có về với tổ tiên thì vẫn còn người nuôi mãi tâm nguyện của bố. Ngoài những trang phục của người Êđê, chị cũng rất hãnh diện khi được diện trong những bộ váy đặc trưng của phụ nữ Lào được dệt bằng tơ tằm, nhất là dịp Tết cổ truyền Bunpimay diễn ra suốt tháng thứ 5 của Phật lịch (từ ngày 14 đến 16-4 hằng năm).

Dù thế hệ ông bà, những người Lào gốc chỉ còn lại đôi người nhưng anh em dòng tộc ở bên Lào mỗi khi có dịp vẫn sang Buôn Đôn chơi thăm em, thăm cháu mình và ngược lại. Và theo như chị H’On Kẹo Lào kể: bố mẹ, ông bà không còn thì càng phải giữ chặt mối liên hệ với các cô dì, chú bác mình ở Lào. Sống ở Việt Nam cũng như sống ở Lào. Với những người Lào ở Buôn Đôn, Việt Nam và Lào đều là quê hương của họ, khoảng cách địa lý tuy có cách xa nhưng sợi dây tình cảm vẫn luôn được kết nối bền chặt.

Đường vào buôn Trí A, một góc của làng đảo hôm nay
Đường vào buôn Trí A, một góc của làng đảo hôm nay

Một điều độc đáo là lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn hằng năm đã thể hiện những giá trị văn hóa Việt – Lào: nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng. Nhiều sản phẩm du lịch ở đây cũng đã có sự giao thoa để làm nên Bản Đôn nổi danh trong và ngoài nước. Người Lào đặc biệt thích ăn gạo nếp dù rằng gạo tẻ và bún gạo cũng rất phổ biến. Cơm lam (nướng ống tre) được họ ưa thích. Vị chính trong các món ăn Lào hầu hết đều có rất nhiều ớt. Chỉ riêng ớt có hàng chục món: từ ớt chiên giòn, ớt muối chua, ớt sa tế , ớt hầm, ớt luộc… Vị cay gây kích thích, tạo món ăn ngon, giúp ăn được nhiều, tăng sức lao động. Người ta bảo, trong danh sách đặc sản ẩm thực của Buôn Đôn, những món ăn Lào đã góp mặt không ít. Ngoài cá lăng sông Sêrêpôk, thuốc Amakông, rượu cần...,  gà nướng hoặc quay chấm muối ớt và những ống cơm lam thơm dẻo đã trở thành các món ăn mà thực khách không thể bỏ qua khi đến Buôn Đôn.

Bên cạnh những thắng cảnh đẹp như thác Bảy nhánh, Cầu treo, hồ Đức Minh, nhà sàn cổ, mộ vua voi, du lịch văn hóa với bản sắc dân tộc Việt – Lào ở làng đảo xưa, buôn Trí A, Trí B bây giờ đã góp phần làm nên sức hút, để sự khám phá như vòng xoang dài mãi và những đêm kể sử thi tưởng chừng không bao giờ dứt. 

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.