Buôn Ma Thuột - Dấu ấn trên đường phát triển
Buôn Ma Thuột đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Những chuyển biến ấy đã ghi thêm dấu ấn về mảnh đất 10-3 Anh hùng.
Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giải phóng đất nước, Buôn Ma Thuột đã trở thành địa bàn tranh chấp chiến lược, nơi diễn ra những trận chiến đấu lịch sử, mà oanh liệt nhất là Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-1975) - mở màn Đại thắng mùa Xuân 1975. Ngày giải phóng, Buôn Ma Thuột là một thị xã nghèo, cơ sở hạ tầng đơn sơ, kinh tế manh mún, lạc hậu, đời sống của gần 13 vạn dân vô cùng thiếu thốn, dịch bệnh hoành hành, tỷ lệ người mù chữ cao.
Ngã sáu Ban Mê. Ảnh: H.G |
Duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững
Sau 38 năm kể từ ngày hoàn toàn giải phóng, Buôn Ma Thuột đã phát triển toàn diện, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tạo ra những đổi thay nhanh chóng. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch tỉnh giao. Giá trị sản xuất của các ngành kinh tế trên địa bàn năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng bình quân hằng năm trên 17%. Hiện nay, thành phố đang phát triển một nền kinh tế đa dạng theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt, trong những năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố không ngừng tăng nhanh, đạt mức tăng trưởng bình quân 30%/năm.
Chỉnh trang diện mạo từ xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị
Chỉ tính giai đoạn 2006-2010, Buôn Ma Thuột huy động khoảng 12.000 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trên địa bàn đã hình thành một số khu, cụm công nghiệp và các công trình quan trọng như: Khu công nghiệp Hòa Phú rộng 181 ha, Cụm công nghiệp Tân An rộng 105 ha... Mạng lưới giao thông, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc phát triển nhanh và từng bước hiện đại hóa. Hầu hết các tuyến đường nội thành, đường liên xã, liên thôn đã được nhựa hóa. 100% khu dân cư đã có điện chiếu sáng. Vỉa hè các trục đường chính khu vực nội thành được thi công bằng vật liệu có chất lượng và thẩm mỹ cao.
Được công nhận phổ cập THCS đầu tiên của tỉnh
Những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, thị xã Buôn Ma Thuột (bao gồm cả huyện Krông Ana, Cư Jut và một phần của các huyện Buôn Đôn, Krông Pak) chỉ có 30 trường học, với 154 phòng học, chủ yếu là phòng tạm bợ và bán kiên cố. Đến năm học 2009-2010, Buôn Ma Thuột đã có 113 trường, 1.928 lớp học từ bậc mầm non đến THCS với gần 68.000 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số 12.312 em. Hiện mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông phát triển rộng khắp, 100% số phường, xã có trường tiểu học. Thành phố thực hiện xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Đặc biệt, năm 2010, Dak Lak được công nhận đạt chuẩn phổ cập THCS thì Buôn Ma Thuột là địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận.
Đô thị loại I trực thuộc tỉnh và mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên
Dịp kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-1975 – 10-3-2010) cũng là dấu mốc ghi lại thời điểm Buôn Ma Thuột được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Buôn Ma Thuột vươn tới mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Nỗ lực thực hiện mục tiêu này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã xác định rõ 3 quan điểm cơ bản phát triển Buôn Ma Thuột thời kỳ 2011-2020. Đó là: Tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, nhanh chóng xây dựng, phát triển Buôn Ma Thuột thực sự trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Dak Lak và của vùng Tây Nguyên về công nghiệp và dịch vụ, có tác động lan tỏa nổi trội của vùng trong quá trình CNH, HĐH và đô thị hóa của đất nước. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành nghề và kết cấu hạ tầng, sớm đưa thành phố thành hạt nhân phát triển mạnh về kinh tế, xã hội không chỉ của tỉnh Dak Lak mà của vùng Tây Nguyên trong quá trình CNH, HĐH và hội nhập kinh tế đất nước. Phát triển kinh tế là khâu đột phá; phát triển xã hội, đoàn kết dân tộc, thực hiện công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái đa dạng là mục tiêu; ổn định chính trị an ninh – quốc phòng là nền tảng phát triển bền vững của thành phố Buôn Ma Thuột.
Dự tính nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Buôn Ma Thuột giai đoạn 2010-2015 là 21.000 tỷ đồng và giai đoạn 2015-2020 là 42.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố giai đoạn 2010-2015 đạt từ 15 đến 17%/năm, tỷ trọng cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng- dịch vụ chiếm 95%, nông-lâm nghiệp còn 5%; đến 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm; Buôn Ma Thuột cơ bản trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc