Những ký ức không phai
Ngày giải phóng Buôn Ma Thuột 10-3-1975 đã lùi xa 38 năm nhưng với những người lính đã trực tiếp tham gia chiến đấu và nhiều người dân Buôn Ma Thuột từng chứng kiến sự kiện này, ký ức về những ngày tháng hào hùng ấy vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ…
Sống lại ký ức một thời hào hùng
Ông Phan Quốc Tuấn thắp hương tưởng nhớ đồng đội trong căn nhà của mình. Ảnh: L.H |
Ông Phan Quốc Tuấn ở thôn 4, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) đã không giấu niềm xúc động khi chia sẻ về những năm tháng làm biệt động thành trong những thời khắc lịch sử của Buôn Ma Thuột. Chính ông cùng đồng đội là những chiến sĩ biệt động thành năm xưa đã vào sinh ra tử góp phần vào chiến thắng lịch sử 10-3, mở màn cho tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975. Với nhiệm vụ của người lính biệt động, đội của ông có nhiệm vụ đánh bí mật làm tiêu hao lực lượng địch trong nội thị và các buôn, ấp, xã vùng ven cùng với nhiệm vụ tuyên truyền phát động quần chúng, hỗ trợ lực lượng chính trị tại chỗ xây dựng phong trào diệt ác – phá kềm, rải truyền đơn, treo cờ giải phóng trong thị xã và những nơi trọng điểm mà địch thường lui tới. Để hoàn thành các nhiệm vụ đặc biệt này, đòi hỏi những người lính biệt động thành như ông ngoài lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu cao còn phải là những người thuộc nằm lòng địa hình thị xã. Nhiệm vụ “cân não” nhất trong cuộc đời làm cách mạng của ông đó là việc bố trí người làm nhiệm vụ dẫn đường cho 2 cánh quân xe tăng đánh vào Buôn Ma Thuột vào ngày 10-3. Với sức mạnh áp đảo, các loại hỏa lực và xe tăng của ta đã nhanh chóng đè bẹp địch, chi viện cho bộ binh xung phong. Sau khi thấy cờ Tổ quốc phất cao trên nóc hầm chỉ huy sư đoàn 23 ngụy, ông biết mình và đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau ngày giải phóng, mặc dù thị xã Buôn Ma Thuột đã được giải phóng, nhưng ở các vùng ngoại vi thị xã, vẫn còn tàn quân địch, ông và đồng đội tiếp tục dẫn đường nhanh chóng tiêu diệt các ổ đề kháng còn lại của địch, phối hợp với lực lượng chính trị tìm diệt ác ôn, truy lùng tàn quân, giành chính quyền ở từng khu phố, đồng thời bảo vệ các trụ sở chính quyền mới thành lập. “Vào những ngày thế này, tôi thường hay nghĩ về những đồng chí đã ngã xuống, những người đã hy sinh mà chưa được hưởng niềm vui chiến thắng!” - ông Tuấn ngậm ngùi. Mang theo nỗi niềm canh cánh ấy, sau ngày giải phóng, ông cùng với quân đoàn 3 làm nhiệm vụ quy tập mộ liệt sĩ. Đến nay, đã có 480 hài cốt liệt sĩ được ông quy tập về tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ của mình tại thôn 4, xã Hòa Phú, ông dành góc trang trọng nhất để lập bàn thờ đồng đội H6 đã hy sinh.
Cùng đồng đội làm chủ bầu trời Buôn Ma Thuột
Ông Đỗ Văn Đỗ kể lại những trận đánh của đơn vị. Ảnh: G.N |
Vào tháng 3-1975, ông Đỗ Văn Đỗ (hiện đang sống tại khối 2, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) là trợ lý trinh sát Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 234, Quân đoàn 3. Ngay từ đầu năm 1975, đơn vị của ông đã bí mật ém quân tại Suối Nước đục (phía tây bắc thị xã), bố trí lực lượng, xây dựng trận địa bảo vệ “cửa mở”. Đến rạng sáng ngày 10-3-1975, cuộc tiến công của quân ta vào thị xã Buôn Ma Thuột bắt đầu với các trận đột kích sâu của trung đoàn 198 đặc công vào các mục tiêu: Sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế, khu hậu cứ của trung đoàn 53 với sự yểm hộ của hỏa tiễn tầm ngắn ĐKB và H-12. Lực lượng phòng không được trang bị tên lửa vác vai A72, súng cao xạ các cỡ 100 ly, 57 ly, 37 ly, súng máy phòng không các cỡ 14,5 ly và 12 ly 7 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đội hình thọc sâu của các quân binh chủng khác từ trên không. Thất thế trong đối đầu trực tiếp, địch buộc phải sử dụng không quân nhằm xoay chuyển tình hình và tiếp viện cho lực lượng bên trong thị xã tạo thế trận phản công. Nhiều tốp máy bay A-37 của không quân địch liên tục oanh tạc vào đội hình tiến công của quân ta, máy bay cường kích A-1, A-37, F-5 tăng cường hoạt động oanh kích dọn bãi để máy bay trực thăng thả quân tiếp viện. Tuy nhiên, với bản lĩnh của một đơn vị từng làm nên kỳ tích cùng quân và dân Thanh Hóa bắn rơi 47 máy bay địch trong hai ngày diễn ra chiến dịch bảo vệ cầu Hàm Rồng và là nỗi khiếp sợ của máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội, suốt chiến dịch Tây Nguyên, Lữ đoàn 234 cùng các lực lượng chiến đấu khác đã hoàn toàn làm chủ bầu trời Buôn Ma Thuột, bắn rơi 44 máy bay các loại, góp phần làm tiêu tan ý chí kháng cự của quân địch, tạo thế trận thuận lợi để các quan binh chủng khác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Như bản anh hùng ca của đời lính...
Ông Phùng Sỹ Hân. Ảnh: Đ.L |
Nhắc đến đời lính một thời cầm chắc tay súng, ông Phùng Sỹ Hân (buôn Đung, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) nhớ nhất là những tháng ngày chiến đấu tại đại đội 2, tiểu đoàn 301. Nhiều trận đánh đã đi qua, mỗi lần như thế không tránh khỏi những hy sinh, mất mát nhưng khí thế hào hùng vẫn theo ông mãi cho đến bây giờ là trận đánh để giải phóng quận Lạc Thiện (huyện Lak bây giờ). Theo chỉ thị cấp trên, đêm 9-3-1975, đơn vị của ông được lệnh khẩn phải lập tức thay đổi mục tiêu công kích như trước đó đã phân công mà bí mật hành quân ngay trong đêm, tấn công vào trụ sở, tiêu diệt địch để kịp rạng sáng 10-3 tiếp quản quận Lạc Thiện. Băng rừng lội suối hơn 4 giờ đồng hồ trong đêm, rạng sáng, đơn vị cũng đến để tiếp cận được mục tiêu. “Lúc đó, dù mệt nhưng anh em trong đơn vị ai cũng nêu cao quyết tâm chiến đấu đến cùng dù phải hy sinh, bằng mọi giá phải giải phóng bằng được Buôn Ma Thuột”- ông bồi hồi nhớ lại. Do đặc thù địa bàn bấy giờ ba bề sông nước, chỉ có con đường bộ là một hướng duy nhất để tiến sâu vào trung tâm, nên đơn vị được lệnh chia làm 3 mũi chính đánh từ ngoài vào trong, tiếp cận các buôn lân cận trước để tiêu hao sinh lực địch sau đó luồn sâu vào trung tâm quận lỵ. Mũi tấn công đầu tiên, các chiến sĩ của ta nhanh chóng quét nhiều loạt đạn tiêu diệt mấy tên lính mỹ gác ở vòng ngoài. Các mũi khác phá hàng rào kẽm gai, luồn sâu vào chiếm giữ các buôn làng lân cận, kìm chế và truy kích địch. Địch tháo chạy tán loạn, do được quán triệt trước phải bảo vệ dân nên trên đường tiến vào trung tâm quận lỵ, lúc nào gặp địch ngoan cố, cản trở mới dùng hỏa lực tiêu diệt để vượt qua. Quân địch sau phút hoảng hốt cũng đánh trả dữ dội, nhưng do được chuẩn bị trước nên ta thừa thắng xông lên chiếm giữ mục tiêu một cách dễ dàng. Chưa đầy 2 giờ đồng hồ, lực lượng của ta mau chóng tiếp quản được địa bàn, thu được nhiều súng đạn, quân trang. Đến sáng ngày 10-3, mọi việc gần như đã xong, toàn đội được phân thành từng nhóm để vào từng nhà dân, làm công tác vận động tuyên truyền để bà con giác ngộ cách mạng. Mỗi lần nhớ lại những tháng ngày ác liệt ấy, ông Hân lại tự hào xem đó như là bản anh hùng ca về đại đội 2 kiên cường trong đời lính của mình.
Ngoài 60 tuổi, mái tóc đã bạc màu, gương mặt hằn thêm nhiều vết chân chim, ông Hân vẫn hăng hái tham gia các hoạt động của địa phương, dù vết thương do mảnh đạn xuyên qua trán năm xưa thỉnh thoảng vẫn làm ông đau nhức mỗi khi trái gió trở trời nhưng nhớ lại một thời đã sống, ông thấy ngày tháng trôi qua rất nhẹ…
Những ngày tháng tuổi trẻ sôi nổi và hào hứng
Chị Nguyễn Thị Thu Nga Ảnh: H.T |
Khi thị xã Buôn Ma Thuột được giải phóng, chị Nguyễn Thị Thu Nga còn là cô nữ sinh lớp 12 của trường trung – tiểu học Bồ Đề. Đang ở tuổi tràn đầy hoa mộng, chị Nga chưa hề có chút nhận thức gì về thời cuộc mặc dù mẹ và các anh chị trong nhà là một cơ sở kín của cách mạng. Vì thế, đối với chị, ký ức về ngày 10-3-1975 không thật rõ rệt, chỉ nhớ rằng mọi sự thay đổi diễn ra thật nhanh, khung cảnh hỗn loạn và tiếng súng đạn khiến chị có đôi chút hoảng sợ nhưng vẫn cảm giác rằng hình như một điều gì mới mẻ lắm sẽ xảy đến. Và sự thay đổi đó đã thực sự để lại cho chị Nga ấn tượng thật sâu đậm vào những ngày sau đó bởi chị đã trực tiếp tham gia, hòa mình vào không khí kiến thiết, xây dựng sau giải phóng. Nhờ sự giới thiệu của người thân, chị Thu Nga trở thành phát thanh viên đầu tiên sau giải phóng của Đài Phát thanh Buôn Ma Thuột từ ngày 15-4-1975. Chị còn nhớ vẹn nguyên cảm giác đầy tự hào khi cất lên giọng đọc “Đây là Đài Phát thanh Buôn Ma Thuột, tiếng nói của nhân dân các dân tộc tỉnh Dak Lak”. Bắt đầu từ ban sơ nên mọi thứ đều thiếu thốn, đài phải thu âm giọng đọc của phát thanh viên vào băng catset rồi mới đem phát. Những buổi phát thanh đầu tiên của Đài chủ yếu cập nhật tình hình giải phóng, phổ biến các chỉ thị của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người dân hiểu thêm về chính sách của Nhà nước cách mạng. Chị Nga nhớ lại: “Đúng là tuổi trẻ. Chúng tôi hòa nhập vào không khí mới rất nhanh và hào hứng. Ngoài việc làm phát thanh viên, chúng tôi cũng đi khắp nơi trong thị xã để nắm bắt tin tức, viết tin bài. Hằng ngày tôi đạp xe từ nhà ở đường Hoàng Diệu đến Đài Phát thành thị xã tại Chi Lăng (phường Khánh Xuân bây giờ) để làm việc, cứ sáng đi, tối về lại đi sinh hoạt đoàn thể, mittinh mà không biết mệt, lúc nào cũng hăng hái phấn đấu”. Sự đổi thay vào ngày 10-3 năm ấy đã đưa cô nữ sinh ngây thơ ngày nào gắn bó với công tác văn hóa 15 năm và đó cũng là những tháng ngày gian khổ nhưng rất đẹp trong thời tuổi trẻ của chị Thu Nga.
Đỗ Lan – Hồng Thủy – Lê Hương – Giang Nam
Ý kiến bạn đọc