Multimedia Đọc Báo in

Chuyện nước sinh hoạt ở Trường Sơn thời chống Mỹ

07:39, 25/04/2013

Chúng tôi vượt Trường Sơn từ khe Hó, Quảng Bình – khúc ruột miền Trung. Phải đi hơn 3 tháng mới tới điểm tập kết B2 miền Đông Nam bộ. Một quãng đường dài rừng núi trùng điệp như thế gặp biết bao sông suối. Những con sông không rõ nguồn gốc chảy ngang qua Trường Sơn như sông Bến Hải, sông Ba, sông Sêrêpôk. Có những con suối chảy ào ào hung dữ như thác đổ suốt ngày đêm, nhưng cũng có những dòng suối trong xanh hiền hòa, thơ mộng. Với hệ thống sông suối như thế, Trường Sơn có nhiều nước. Nhưng những nơi có nước, có sông suối lớn thì bộ đội không ở được bởi địch nhằm những nơi thế để ném bom đánh phá vì nghi bộ đội ta ém quân. Vì thế, sống giữa Trường Sơn trùng điệp, sông suối nhiều nhưng bộ đội vẫn cứ thiếu nước sinh hoạt!

Càng đi sâu vào miền Đông Nam bộ, nếu đúng vào mùa khô thì nhiều suối cạn kiệt nước, kể cả những con suối rộng dài. Chỉ khi hành quân có giao liên chỉ dẫn mới đến được nơi có nước, dù có những nơi chỉ có lạch nước nhỏ phải be bờ mới gom được nước. Khi đi công tác đơn lẻ, kinh nghiệm của bộ đội là dù chưa hết ngày mà gặp suối vẫn phải dừng lại nấu ăn bởi nếu cứ tiếp tục đi, có khi phải nhịn đói vì gặp suối khô cạn. Ai mang gạo rang ăn thay cơm thì càng khát nước. Có lần chúng tôi gặp một con suối dài rộng, trên bờ cao có một cây cổ thụ mọc giữa một tảng đá lớn, 5 người giang tay ôm cũng chưa khép kín vòng cây; thế mà lòng suối cạn khô trơ đất đá! Tìm mãi mới phát hiện một vũng tù nước rêu xanh nhưng nước không uống được vì toàn mùi xà phòng, chắc vũng nước này được chiến sĩ ta dùng giặt giũ nhiều lần. Thế mà vẫn phải dùng nước này để nấu cơm. Cơm nấu nước có mùi xà phòng, ăn với canh rau rừng nấu muối và bột ngọt làm át mùi nên vẫn thấy ngon miệng. Cũng có khi may mắn tìm được vũng nước nhiều cá, tát được đầy xoong để cải thiện.

Nhiều nơi đóng quân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Có khi cả đơn vị thay nhau đi tìm nước, mà đi cả buổi sáng chỉ gạn được một bọc nước rêu. Nước ăn đã thiếu, nước đâu để tắm gội giặt giũ. Quần áo có khi cả tháng chẳng thay, còn nghĩ gì đến tắm gội. Thế nhưng mọi người đều cảm thấy bình thường vì đã quen hơi nhau rồi!

Vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, bộ đội hành quân trong đêm, lội bì bõm dưới kênh rạch. Ban ngày vẫn phải gạn những nước ở kênh rạch ấy nấu ăn. Nước kênh nhiễm phèn, chỗ thì tù đọng, chỗ thì sình lầy ngâm cỏ, màu nước vàng nổi bọt từng mảng, mùi tanh hôi thoảng theo gió. Thế mà cùng một chỗ, người thì lội ra rửa ráy, giặt giũ, người lại kín nước nấu ăn! Chẳng có cách nào khác. Vẫn phải nấu cơm ăn và phải có bi đông nước mang theo để hành quân. Nếu có trà vẫn pha bằng thứ nước nhiễm phèn ấy. Những lần ém quân ở đồi cây rậm rạp, nước sình lầy, đào hầm không được, đào đến đâu nước mạch chảy ra đến đó nên chỉ khắc phục đào được 70cm để trú tạm. Hai giờ chiều, đài của ta bắt được tin 5 giờ chiều bọn giặc nã pháo vào khu vực này. Chỉ còn cách khi pháo điểm thì cúi mình ngụp kín đầu, pháo nổ rồi lại ngoi lên, rồi lại ngụp xuống suốt 15 phút pháo cấp tập. Nơi thì thiếu nước, muốn tìm chẳng có; nơi thì lại tràn trề nước!

Những năm tháng ở Trường Sơn chưa bao giờ có được gàu nước giếng khơi trong sạch. Nước ở đây có khi là nước ngâm xác người, xác súc vật hoặc có thể là nước chảy từ rừng có nhiều cây chết khô do giặc Mỹ rải chất độc da cam. Khó khăn ác liệt là vậy nhưng người lính vẫn lạc quan yêu đời, vẫn trọn niềm tin theo Đảng. Dù phải gánh chịu thiệt thòi bản thân, chỉ mong mau chóng đánh cho “Mỹ cút, ngụy nhào”, mang lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân. Bản lĩnh “Bộ đội cụ Hồ” đã giúp người lính vượt qua mọi cực kỳ gian truân, sống rất đẹp trên dải Trường Sơn hùng vĩ.

Đinh Đăng Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.