Multimedia Đọc Báo in

Nơi ghi dấu ký ức một thời máu lửa

08:20, 26/04/2013

Tận mắt chứng kiến những hình ảnh, hiện vật chân thực sống động của 2 cuộc kháng chiến thần thánh, chúng tôi - thế hệ những người sinh ra trong hòa bình không khỏi ngỡ ngàng và bị ám ảnh. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh như một chấm lặng của thời gian, lưu giữ mãi những dấu tích oai hùng của dân tộc, hiện hữu nỗi đau thương mất mát vì tội ác chiến tranh…của  một giai đoạn lịch sử khiến những người đang sống trong thời bình biết trân trọng hơn những gì đang có, và phấn đấu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Một du khách Hàn Quốc đang thuyết minh cho con trai mình về những bức ảnh và hiện vật tàn khốc của chiến tranh.
Một du khách Hàn Quốc đang thuyết minh cho con trai mình về những bức ảnh và hiện vật tàn khốc của chiến tranh.

Bảo tàng nằm giữa không gian náo nhiệt của một quận trung tâm TP. Hồ Chí Minh, nhưng khi bước chân vào ta lại cảm thấy như đang lạc sang một thế giới khác, một thế giới với đầy tội ác, nỗi đau nhưng cuối cùng đọng lại là niềm tự hào, kính phục. Xe tăng, máy bay, đại bác, bom và súng đạn… bao hiện vật là những vũ khí tối tân mà quân xâm lược Mỹ đưa vào nước ta hòng uy hiếp những con người nhỏ bé với vũ khí lớn nhất là tình yêu đất nước ấy sừng sững ngay trước lối vào bảo tàng như một khúc nhạc dạo đầu cho bản hùng ca của dân tộc. Tiếp theo là công trình mô phỏng cảnh nhà tù Côn Đảo. Đó là những “chuồng cọp”- một kiểu xà lim đặc biệt mà kẻ thù giam giữ những chiến sĩ cách mạng. Rồi máy chém, những dụng cụ để tra tấn, hành quyết… Một sinh viên, sau khi tham quan đã thốt lên: “Chuồng cọp chỉ được phác họa lại ở bảo tàng nhưng tôi cảm thấy như mình đang ở Côn Đảo và cảm nhận được sự tàn khốc thực sự ở đây. Những cảnh tra tấn rùng rợn dã man càng toát lên sự bất khuất, kiên định của những người cộng sản yêu nước”.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thu hút nhiều du khách nước ngoài tham quan.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thu hút nhiều du khách nước ngoài tham quan.

Lần lượt tham quan các gian phòng trưng bày của Bảo tàng, người xem không khỏi bàng hoàng trước những bức ảnh, chứng tích ghi lại sự tàn khốc của chiến tranh, dù rằng đã từng được đọc, học khá nhiều trên sách báo… Đó là những cuộc thảm sát hàng trăm đồng bào vô tội ở Sơn Mỹ; đó là những mất mát không gì có thể bù đắp khi hàng nghìn gia đình, mảnh ruộng, vườn cây tiêu điều dưới làn mưa bom bão đạn. Và hơn hết là nỗi đau tinh thần sâu thẳm khi chiến tranh đã qua đi gần 40 năm mà nhiều thế hệ vẫn phải gánh chịu những di chứng, hệ lụy “Chất độc màu da cam”, “Bom mìn sót lại”. Hầu hết du khách hôm đó đều dừng lại thật lâu tại gian phòng trưng bày “Tội ác của chiến tranh”, và lặng đi trong xúc động. Không ai bước vội qua những tấm ảnh đã ngả màu theo năm tháng: cảnh người dân vô tội bị giết hại, cảnh máy bay rải chất độc màu da cam, cảnh lính Mỹ tra tấn tù nhân… Gây ấn tượng mạnh nhất là bức ảnh lính Mỹ thuộc Sư đoàn Bộ binh số 25 xách trên tay một mảnh xác một chiến sĩ giải phóng vừa bị trúng đạn súng phóng lựu ở Tây Ninh (1967). Trời ơi, vì sao cùng là đồng loại mà con người ta lại vô cảm, nhẫn tâm đến thế?! Rồi đến bức ảnh chụp một bà mẹ dìu các con mình vượt sông để tránh bom đạn của Mỹ, nỗi sợ hãi, kinh hoàng, lo lắng lẫn căm phẫn lộ rõ. Chiến tranh làm cho con người ta thật sự khủng hoảng về mặt tinh thần, đau khổ về thể xác… Cũng tại khu vực này, 2 cô gái Mỹ vịn vào vai nhau khóc khi xem những hình ảnh thảm sát ở Mỹ Lai. Nhiều người xuýt xoa, chết lặng, làm dấu thánh, cúi đầu…Quả thật không ai có thể bàng quan trước những cảnh tượng như thế. Cô gái người Mỹ có tên Christina chia sẻ: “Thoạt nhìn, bảo tàng này cũng tương tự như những bảo tàng khác ở Việt Nam song chúng tôi cảm thấy nhức nhối khi bước chân vào căn phòng có dòng chữ “Tội ác của chiến tranh”. Tôi thực sự “sốc” với con số: Mỹ đã thả 7.850.000 tấn bom, rải 75.000.000 lít chất độc màu da cam rải xuống làng mạc, rừng cây, đồng ruộng…Việt Nam”.

Nhiều  du khách đứng  lặng trước những  tấm ảnh ghi lại  tội ác  của  chiến tranh.
Nhiều du khách đứng lặng trước những tấm ảnh ghi lại tội ác của chiến tranh.

Chàng trai Mỹ có tên Jean Hey lại đứng lặng rất lâu trước những hiện vật, bức hình chụp ở Sơn Mỹ và rùng mình trước thông tin trên tấm biển: Chỉ riêng trong ngày 16-3-1968, quân Mỹ đã sát hại 504 người dân thường vô tội ở Mỹ Lai, Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), đa số họ đều là phụ nữ và trẻ em… 

Cô sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Hạnh vẫn chưa thôi xúc động khi chứng kiến những hình ảnh tàn khốc của chiến tranh đã tâm sự: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với lịch sử không phải bằng những con số khô khan trong sách giáo khoa, lần đầu tiên tôi thấy được chiến tranh tàn khốc và mình ở gần cuộc chiến đến vậy, tôi đã biết cảm giác phẫn uất, căm ghét chiến tranh – điều mà tôi chưa tìm được ở những quyển sách... Từng bức ảnh, từng hiện vật nơi đây đã nói lên chiến tranh ác liệt thế nào và người dân Việt Nam kiên cường, bất khuất, yêu chuộng hòa bình đến dường nào.”

Một người đàn ông nước ngoài châu Á dắt theo đứa con nhỏ chừng 7 tuổi, bế bé lên chỉ vào từng bức tranh, hiện vật và không ngừng thuyết minh, cậu bé chừng như rất hiểu và biểu cảm thay đổi liên tục trên khuôn mặt. Qua người phiên dịch và thuyết minh của Bảo tàng được biết, anh tên là Kim Houng, người Mỹ gốc Hàn Quốc, theo đoàn du lịch đến Việt Nam. Anh muốn con trai của mình hiểu rõ hơn về sự tàn bạo của chiến tranh để tránh xa cái ác, hướng đến điều thiện, con người phải biết sống và yêu thương nhau, mang lại cho nhau hạnh phúc để dựng xây cuộc sống tốt đẹp hơn… Anh còn không quên nói thêm một câu thật ý nghĩa: “Càng tìm hiểu, tôi càng mến phục con người và đất nước các bạn”.

Dù chiến tranh đã qua đi rất lâu nhưng vẫn để lại di chứng nặng nề: những đứa trẻ dị dạng ngay từ trong bụng mẹ vì nhiễm chất độc màu da cam, những người lính năm xưa giờ đây vết thương vẫn nhức nhối khi trái gió trở trời… Có cô gái Mỹ quay mặt đi không dám nhìn những bình thủy tinh chứa thai nhi dị dạng do ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Cô nghĩ gì khi biết rằng hàng triệu người Việt Nam đang gánh chịu nỗi đau ấy?!

Tận mắt chứng kiến những hình ảnh, hiện vật chân thực sống động của 2 cuộc kháng chiến thần thánh, chúng tôi, thế hệ những người sinh ra trong hòa bình không khỏi ngỡ ngàng và bị ám ảnh. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh như một chấm lặng của thời gian, lưu giữ mãi những vết tích chiến tranh, hiện hữu nỗi đau của một giai đoạn lịch sử khiến những người đang sống trong thời bình biết trân trọng hơn những gì đang có, và phấn đấu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh  ở số 28 đường Võ Văn Tần, Quận 3, TP Hồ Chí Minh, là bảo tàng duy nhất của Việt Nam nằm trong hệ thống các bảo tàng vì hòa bình thế giới và là thành viên của Hội đồng các bảo tàng thế giới (ICOM). Bảo tàng lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trong đó hơn 1.500 tài liệu, hiện vật, phim ảnh đã được đưa vào giới thiệu ở 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên. Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là một trong những địa chỉ văn hóa du lịch có sức thu hút cao du khách, với khoảng gần 1 triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Từ năm 2002, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được đầu tư xây dựng mới nhằm hiện đại hóa toàn diện hoạt động và vào dịp 30-4-2010 đã hoàn thành. Hiện nay bảo tàng đã có thêm các nội dung trưng bày mở rộng ra cả thời kỳ xâm lược của Pháp – Nhật và thời kỳ sau chiến tranh.

Minh Quân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.