Multimedia Đọc Báo in

Tạ Quang Bửu - niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam

07:37, 25/04/2013

Tạ Quang Bửu (1910-1986) là nhà hoạt động khoa học và giáo dục nổi tiếng. Thời trẻ, ông du học ở nước ngoài, từng học ở Đại học Oxford của Anh, có bằng toán học cao cấp của Pháp. Ông là một nhà khoa học lớn, nhà trí thức yêu nước nhiệt thành tiêu biểu cho cả một thế hệ các nhà trí thức Việt Nam đi theo cách mạng, niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam.

Cuộc đời và sự nghiệp

Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh ngày 23-7-1910 tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Ông mất ngày 21-8-1986. Ông là một nhà khoa học lớn, nhà trí thức yêu nước nhiệt thành tiêu biểu cho cả một thế hệ các nhà trí thức Việt Nam đi theo cách mạng, niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam.

Nổi danh học giỏi từ nhỏ, đến năm 1929, ông đỗ đầu tú tài bản xứ và tú tài Tây môn toán và đỗ hạng cao tú tài triết. Thành tích tuyệt vời này đã giúp ông nhận được học bổng của Hội Như tây du học Trung kỳ để sang Pháp học.

Giáo sư Tạ Quang Bửu.  (Nguồn: Internet)
Giáo sư Tạ Quang Bửu. (Nguồn: Internet)

Năm 1934, ông về nước sau 5 năm học ở nhiều trường Pháp và Anh. Liền 7 năm sau đó, ông dạy học tại trường trung học “Thiên hựu học đường” ở Huế. Đây là trường học tư, tuy không lớn bằng trường Khải Định nhưng được rất nhiều phụ huynh tín nhiệm vì có chất lượng giảng dạy cao. Ông dạy toán, tiếng Anh cùng nhiều môn phụ, được học trò quý mến vì kiến thức rộng và cách giảng dạy hết sức sinh động.

Lòng yêu nước, căm ghét thực dân đô hộ Pháp của người thanh niên Tạ Quang Bửu đã được nhen nhóm từ thuở thiếu thời dưới ảnh hưởng sâu sắc của những nhà nho yêu nước, trong đó có cụ Phan Bội Châu.

Sau Cách mạng Tháng Tám, tháng 1-1946, Tạ Quang Bửu được bầu làm đại biểu Quốc hội ở tỉnh Hà Tĩnh. Ông được cử giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu vào tháng 3-1946.

Trong những ngày nước sôi lửa bỏng ấy, Tạ Quang Bửu là một trong những thành viên trong phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam với Pháp tại Đà Lạt. Ông cùng với các ông Hoàng Xuân Hãn, Phan Phác, Kiều Quang Cung được phân công vào Tiểu ban quân sự do ông Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch. Mặc dù công việc bề bộn nhưng Tạ Quang Bửu vẫn dành thời gian tự học thêm về cơ học thống kê và cơ học lượng tử nhằm tích lũy kiến thức trước khi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Cũng với ý thức như vậy, trong thời gian tham dự Hội nghị Fontainebleau tại Pháp, ông còn tìm mua và đưa về nước rất nhiều sách khoa học kỹ thuật quý giá đối với ngành quân giới trong kháng chiến chống Pháp.

Ngoài ra, ông chính là người tiến cử với Bác Hồ những trí thức Việt Nam đang sinh sống tại Pháp như Phạm Quang Lễ (sau được Bác đổi tên thành Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân..., những người sau đó đã từ bỏ tất cả để theo Hồ Chủ tịch trở về phụng sự đất nước và dân tộc.

Giáo sư Tạ Quang Bửu tham gia Tổng Quân ủy, làm ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao và trở thành Bộ trưởng Quốc phòng từ năm 1947 đến tháng 7-1948. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngành quân giới non trẻ đã khiến giặc Pháp kinh hoàng vì những loại vũ khí tự tạo, trong đó phải kể đến công lao của ông.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đặt dấu chấm hết cho sự cai trị của Pháp tại Đông Dương. Giáo sư Tạ Quang Bửu có mặt trong Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tới Thụy Sỹ dự Hội nghị Geneva về Đông Dương. Trong Hội nghị này, với tư cách đại diện của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông đã ký Hiệp định đình chỉ chiến sự với tướng Delteil của Pháp.

Hòa bình lập lại, sau khi giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông đã được Đảng và Nhà nước cử làm Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước, rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Nhà khoa học – “cây cầu nối khoa học thế giới với Việt Nam”

Không phải ngẫu nhiên mà mọi người gọi Giáo sư Tạ Quang Bửu là “cây cầu nối khoa học thế giới với Việt Nam”. Những cuốn sách do ông viết đã giúp nhiều nhà khoa học của Việt Nam tiếp cận được tương đối luận, lý thuyết mật mã di truyền, toán học lý thuyết cũng như khoa học vũ trụ.

Không những thế, Giáo sư Tạ Quang Bửu còn sử dụng thành thạo tiếng Anh, Pháp, Đức, có thể đọc hiểu tiếng Nga, Hán, Hy Lạp cổ, Latinh. Nhà ngôn ngữ học xuất chúng người Mỹ N Chômxki sang Việt Nam giảng về ngôn ngữ toán học, đề tài khó đến nỗi cả mấy phiên dịch đành chịu thua. Giáo sư Tạ Quang Bửu đã lên dịch ngay lập tức khiến mọi người đều kinh ngạc.

Giáo sư Tạ Quang Bửu được đánh giá là một nhà thông thái, nhà tri thức uyên bác. Ông có nhiều công trình nghiên cứu khoa học như nguyên tử hạt nhân, vũ trụ tuyến, sóng, vật lý cương yếu, hạt cơ bản.

Nhà giáo dục và nhà quản lý có tầm nhìn chiến lược

Giáo sư Tạ Quang Bửu rất coi trọng việc gắn kết giữa quá trình đào tạo với thực tiễn lao động sản xuất. Ngay trong kháng chiến chống Mỹ, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã cử hàng nghìn lượt cán bộ giảng dạy đi thực tế phục vụ sản xuất và chiến đấu theo ngành nghề. Dưới sự chỉ đạo của ông, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã gửi hàng nghìn nghiên cứu sinh, lưu học sinh, thực tập sinh du học ở các nước xã hội chủ nghĩa. Việc hoạch định chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước đã được chuẩn bị chu đáo.

Do vậy khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam đã có một lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý đủ sức đảm đương nhiệm vụ xây dựng đất nước. Nhiều cán bộ được đào tạo trong thời gian đó hiện đang giữ vai trò nòng cốt trên các mặt giáo dục, khoa học và quản lý kinh tế-xã hội.

Năm 1971, theo yêu cầu của Hội đồng Chính phủ và Ban Khoa giáo Trung ương, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã tổ chức việc thi tuyển nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài. Rất nhiều nhà khoa học ưu tú và cán bộ lãnh đạo cao cấp của các cơ quan của Đảng và Nhà nước đã mở đầu con đường khoa học và cống hiến từ những kỳ thi tuyển nhân tài hết sức đặc biệt này.

Với việc đặt ra chế độ thi tuyển công bằng, hợp lý, đề cao thực lực, nhiều con em những gia đình cán bộ viên chức bình thường và những gia đình nghèo vẫn có cơ hội đi học nước ngoài. Cũng trong thời kỳ Giáo sư Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức kỳ thi tuyển vào đại học, và đã đạt được những thành công to lớn.

Là người liêm khiết trong cuộc sống, trong sáng trong suy nghĩ và hành động, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã không màng tới những đặc quyền đặc lợi cho mình và gia đình mình. Suốt đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, Giáo sư luôn luôn giữ một nếp sống giản dị, thanh bạch, gần gũi với mọi người.

Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, các Huân chương Kháng chiến hạng Nhất... và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về khoa học và công nghệ với “Tập hợp các công trình giới thiệu khoa học, kỹ thuật hiện đại, chỉ đạo các nhiệm vụ kỹ thuật quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Thành phố Hà Nội đã đặt tên con đường từ Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo xuyên qua khuôn viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội đến tận phố Bạch Mai là đường Tạ Quang Bửu.

            (Theo VietnamPlus)


Ý kiến bạn đọc