Multimedia Đọc Báo in

Về nơi lưu giữ truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng Khu ủy Khu V

07:41, 25/04/2013

Cuối năm 2012, Khu lưu niệm Ban Tổ chức Khu ủy Khu V thuộc  quần thể khu di tích Khu ủy Khu V tại Nước Oa, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) được khánh thành và đưa vào sử dụng. Những tư liệu, hiện vật, hình ảnh của một thời tranh chống Mỹ của Khu ủy và Ban Tổ chức Khu ủy Khu V được tái hiện, giúp cho khách tham quan về lại chiến trường xưa phần nào hiểu được truyền thống hào hùng của Khu ủy và Ban Tổ chức Khu ủy Khu V.

Công trình khu lưu niệm tọa lạc trên một sườn đồi cao ráo và thoáng đãng, tường rào cổng ngõ khang trang, đường nội bộ, khu vệ sinh, vườn cây cảnh đẹp đẽ, nhà bia uy nghiêm, nhà lưu niệm bề thế. Tại nhà lưu niệm, khách tham quan về nguồn sẽ được nhìn lại những hình ảnh của các vị lãnh đạo, những cán bộ của Khu ủy và Ban Tổ chức Khu ủy Khu V, những người đã từng đồng cam cộng khổ qua những tháng ngày chiến đấu gian khổ nhưng rất đỗi tự hào;  thấy lại những hiện vật, những tài liệu liên quan đến những chặng đường đấu tranh cách mạng hào hùng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu V anh hùng.

Từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Khu ủy Khu V, nhân dân miền Trung đã không ngừng đấu tranh cách mạng, từng bước đánh bại kẻ thù xâm lược quyết tâm gìn giữ quê hương. Tinh thần "dám đánh Mỹ và thắng Mỹ” đã làm nên bao kỳ tích anh hùng: một Trà Bồng, một Vạn Tường, một Núi Thành, một Quảng Trị, một chiến dịch Buôn Ma Thuột.. góp phần to lớn vào chiến dịch Hồ Chí Minh với đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam. Để làm nên chiến thắng đó, điều kiện tiên quyết là sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ nói chung, Khu ủy và Quân Khu ủy Khu V nói riêng. Đối với sức mạnh của Đảng ở Khu V, theo đồng chí Võ Chí Công, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Đảng, nguyên Phó Bí thư T.Ư Cục miền Nam, nguyên Bí thư Khu ủy Khu V: "Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ cơ sở Đảng, trong suốt thời kỳ tổ chức Đảng được xây dựng rộng khắp từ miền núi, đồng bằng và đô thị. Nhiều cơ sở Chi bộ Đảng được xây dựng vững chắc, tồn tại lâu dài như một pháo đài chiến đấu. Đảng bộ cơ sở là dinh lũy vững vàng lãnh đạo các địa phương đương đầu trước những khó khăn thử thách"(1).

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, cũng như trong quá trình đấu tranh chống thực dân và đế quốc, suốt 30 năm đấu tranh sống mái với kẻ thù, nhất là trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Khu ủy Khu V đã chỉ đạo kịp thời cho Ban Tổ chức Khu ủy thực hiện tốt vai trò tham mưu của mình về công tác tổ chức xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, nhất là công tác cán bộ. Từ lúc hình thành khu ủy khu V đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có 298.000 đảng viên, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ còn 46.000 đảng viên; xây dựng các loại hình chi bộ và đảng viên: hợp pháp, bất hợp pháp và đơn tuyến. Song song với công tác xây dựng và phát triên tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ban Tổ chức Khu ủy Khu V đã có kế hoạch đào tạo cán bộ, thường xuyên tiến hành mở các trường tại các căn cứ địa trên toàn khu, như: mở trường bổ túc văn hóa Lê Khiết tại Quảng Ngãi cho cán bộ khu, tỉnh gồm 200 cán bộ; trường Bổ túc văn hóa cấp II tại Trà Giang, huyện Trà My; trường Tổ chức-Kiểm tra các tỉnh (3 khóa) gồm 600 người tại xã Mai và xã Trà Giang, huyện Trà My; trường đào tạo cán bộ chủ chốt xã, phường trên toàn khu vào năm 1974 với 1.000 học viên, cán bộ của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; cùng với trường Đảng Nguyễn Ái Quốc khu vực III (nay là Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia III) mở lớp nâng cao trình độ cho cán bộ trung, cao cấp với số học viên là 567 người; cùng với trường Đảng khu, trường 11 tại Dak Lak đào tạo hàng nghìn cán bộ từ huyện, tỉnh và trưởng, phó ban, ngành của khu để nâng cao trình độ lý luận chính trị. Khi cách mạng thành công, Ban Tổ chức đã tham mưu kịp thời mở các lớp đào tạo cấp tốc cho cán bộ để làm tốt phong trào trong vùng mới giải phóng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Ban Tổ chức Khu ủy đã tham mưu cho Khu ủy Khu V điều động tăng cường cán bộ cho các tỉnh và phân bổ cán bộ cho các tỉnh trên toàn khu tại các vùng địch hậu, Tây Nguyên và làm nghĩa vụ Quốc tế tại Hạ Lào và đông Campuchia. Ngoài ra, Ban Tổ chức Khu ủy Khu  V còn nghiên cứu, thẩm tra và tham mưu cho Khu ủy bố trí công tác lại cho hàng nghìn cán bộ cách mạng bị địch bắt tù đày được trao trả theo Hiệp định Paris năm 1973 hoặc trở về sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975. Cùng với việc đào tạo cán bộ phục vụ cho công tác xây dựng cở sở Đảng và phát triển đảng viên, Ban Tổ chức Khu ủy Khu V còn làm tốt công tác bố trí cán bộ, kịp thời đáp ứng yêu cầu của Khu ủy trong công tác phong trào và sự nghiệp giải phóng quê hương. Công tác đào tạo cán bộ, tạo nguồn cho cách mạng được Ban Tổ chức tham mưu cho Khu ủy ngay từ những ngày đầu đất nước tạm thời chia cắt. Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 vừa ký kết, Ban Tổ chức đã tham mưu cho Khu ủy Khu V gửi con em cán bộ cốt cán ra miền Bắc để học tập và đào tạo nhiều lớp cán bộ cho tương lai, trong đó khu Trị Thiên có 10.728 người, Khu V có 18.060 người; nhiều người trong số đó đã trưởng thành và sau ngày giải phóng đã là những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Nhìn chung, sau 30 năm ra đời và lớn mạnh, kể từ khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đến mùa Xuân năm 1975 đại thắng, cùng với toàn Khu ủy, quân và dân Khu V, Ban Tổ chức Khu ủy Khu V đã làm tốt chức năng tham mưu của mình về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thường xuyên cùng với các ban tiến hành mở các lớp giáo dục, chỉnh huấn để trang bị cho cán bộ về chính trị, tư tưởng, vững vàng trước mọi khó khăn ác liệt, một lòng một dạ theo Đảng, vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Đồng chí Võ Chí Công, người đã từng gắn bó máu thịt với phong trào cách mạng, với quân và dân Khu V đã đánh giá về sự cống hiến Ban Tổ chức Khu ủy Khu V: "... Ban Tổ chức Liên Khu ủy V gồm những cán bộ, đảng viên tuyệt đối trung thành với Đảng, có phẩm chất cách mạng trong sáng, mẫu mực, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, là cơ quan tham mưu tích cực cho Thường vụ Liên Khu ủy V về công tác xây dựng Đảng và tổ chức cán bộ qua các thời kỳ cách mạng đầy khó khăn thử thách, kể cả lúc Đảng bị quân thù gây tổn thất hết sức nặng nề..."(2).

(1) và (2): Trích thư của đồng chí Võ Chí Công, nguyên Bí thư Liên Khu ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCNVN, Cố vấn BCH Trung ương Đảng CSVN thân ngởi các đồng chí lãnh đạo, cán bộ và nhân viên Ban Tổ chức xây dựng Đảng Khu V nhân dịp biên soạn sách: "Quá trình xây dựng và truyền thống của Ban Tổ chức Liên Khu ủy V (1945-1975).

(*) Số liệu sử dụng trong bài viết do Ban Liên lạc Ban Tổ chức Khu ủy Khu V cung cấp.

Phạm Văn Bính (Bảo tàng Quảng Nam)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.