Multimedia Đọc Báo in

Chuyện hai người Mẹ Việt Nam Anh hùng xứ Quảng

09:12, 28/07/2013

Những ngày cuối tháng 7 tri ân, chúng tôi tìm gặp và nghe những câu chuyện của 2 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng xứ Quảng trên quê hương mới Dak Lak và thêm cảm phục sự hy sinh lặng thầm, cao quý của những người phụ nữ đã dành cả cuộc đời cho tổ quốc.

“Mong khỏe để hương khói cho chồng con”

Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Bốn  kể chuyện về  con trai là liệt sĩ Phạm Hoang.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Bốn kể chuyện về con trai là liệt sĩ Phạm Hoang.

Qua cái ngõ nằm sâu trong tổ dân phố 4 thị trấn Phước An, huyện Krông Pak chúng tôi tìm vào nhà mẹ Võ Thị Bốn, nhưng mẹ không có nhà. Chờ gần 1 tiếng đồng hồ, mẹ mới đi chợ về cùng cái túi đựng mớ rau muống và mấy lạng thịt. Thì ra, mẹ sống một mình trong ngôi nhà tình nghĩa do ngành giáo dục đào tạo và UBND huyện Krông Pak xây tặng. Mẹ bây giờ đã ngoài 80, đôi mắt không còn tinh anh, cái tai đã lãng, nhưng khuôn mặt rạng rỡ hơn khi có khách tới thăm nhà. Biết chúng tôi muốn nghe chuyện về cuộc đời của mẹ, mẹ xua tay và nói đặc giọng Quảng: “Tụi bây ngồi chơi uống nước cho vui, chớ cuộc đời tau có chi mà kể”. Nhưng chúng tôi biết rằng cả cuộc đời mẹ là những hy sinh lặng thầm mà thiêng liêng. Mẹ Bốn sinh ra tại một ngôi làng nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng ở xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Theo lời kể của mẹ, năm 1948, khi còn là cô thiếu nữ 17 tuổi, mẹ bắt đầu tham gia lực lượng binh vận phục vụ kháng chiến chống Pháp. Thời kháng chiến chống Mỹ, mẹ vào Tây Nguyên và hoạt động cách mạng tại khu vực Ea Kuang, Hòa An, huyện Krông Pak; hàng ngày tham gia tải đạn, tối lại đi quyên góp gạo, thực phẩm nuôi bộ đội. Trong một lần bị địch tấn công khi đang ẩn nấp dưới hầm, mẹ bị mất nửa cánh tay phải. Trở về cuộc sống hòa bình với cơ thể không còn lành lặn, chồng mất, mẹ Bốn còn chịu thêm sự mất mát lớn hơn là người con trai duy nhất đã hy sinh năm 1970 là liệt sĩ Phạm Hoang. Điều làm những người trẻ như tôi càng thêm cảm phục mẹ là mặc dù sống một mình, cánh tay bị thương khiến cơ thể đau nhức những lúc trái gió trở trời, mẹ vẫn chăm lo hương khói chu đáo cho chồng con với ngày giỗ chung là 11-10 âm lịch. Những lúc khỏe, mẹ lại ra nghĩa trang liệt sĩ huyện thắp hương cho người con trai và các đồng đội đã gửi lại tuổi xuân cho Tổ quốc. Ngước lên nhìn tấm bằng Tổ quốc ghi công, mẹ Bốn chỉ mong “được khỏe mạnh để có sức hương khói cho thằng Hoang và cha nó được thêm ngày nào tốt ngày đó…”.

“Không biết mộ mấy đứa nó nằm ở đâu?”

Mong muốn cuối đời của mẹ Liềng là sớm tìm thấy nơi an nghỉ của 3 con là liệt sĩ.
Mong muốn cuối đời của mẹ Liềng là sớm tìm thấy nơi an nghỉ của 3 con là liệt sĩ.

Đã hơn 100 tuổi (sinh năm 1906), sức khỏe không cho phép Mẹ Việt Nam Anh hùng Vương Thị Liềng kể chuyện cho chúng tôi, nhưng dường như những ký ức đau thương, mất mát của chiến tranh như vẫn còn in hằn trên khuôn mặt của người mẹ đã 3 lần khóc tiễn con đi… Qua lời kể của con trai út của mẹ là ông Trần Viết Lợi (đường Giải Phóng, thị trấn Phước An, huyện Krông Pak), chúng tôi phần nào cảm nhận được những gì mẹ đã dành cho Tổ quốc và được Nhà nước ghi nhận với danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng treo trang trọng trên tường. Mẹ Liềng quê ở xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, một trong những vùng đất chịu nhiều bom đạn của chiến tranh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là mảnh đất đã sản sinh cho đất nước nhiều người con anh dũng. Gia đình mẹ là cơ sở cách mạng, từng nuôi giấu cán bộ, bộ đội, riêng mẹ Liềng có 10 người con, tất cả đều lần  lượt tham gia cách mạng, trong đó có những người con đã vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ. Năm 1966, người con trai thứ của mẹ là liệt sĩ Trần Minh Châu đã hy sinh trong một trận càn của Mỹ ngay trên quê hương Bình Giang. Khi chưa kịp nguôi nỗi đau, 1 năm sau người con khác của mẹ là chiến sĩ Trần Duy Thôi cũng anh dũng ngã xuống trong khi cùng đại đội chiến đấu tại chiến trường Kỳ Thịnh – Tam Kỳ. Chiến tranh như muốn đánh gục sự chịu đựng của người mẹ can trường khi năm 1972 đã cướp luôn người con gái là chiến sĩ Trần Thị Thiện của mẹ. Với người mẹ ấy, không có nỗi đau nào lớn hơn và mẹ cũng đã cạn khô nước mắt khóc thương con. Chiến tranh lùi xa, mẹ trở về với cuộc sống bình thường trong sự tri ân của gia đình và xã hội. Khi còn đi lại được, mẹ cùng gia đình lặn lội đi đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ và nơi các con mẹ đã từng chiến đấu và ngã xuống để tìm mộ 3 người con. Trên hành trình đi tìm mộ, chứng kiến những nấm mộ liệt sĩ chưa biết tên tuổi, quê quán, những mảnh đất còn hằn in dấu tích chiến tranh, nơi các anh an nghỉ mà người thân vẫn chưa biết, khiến mẹ Liềng chưa thể quên nỗi đau do chiến tranh gây ra. Những lúc khỏe mạnh, mẹ thường hay hỏi các con: “Không biết mộ mấy đứa nó nằm ở đâu?” giờ vẫn chưa có câu trả lời, mẹ vẫn chưa tìm được mộ của các con mình. Và giờ đây, hàng năm gia đình chỉ biết cúng giỗ cho 3 liệt sĩ theo ngày đơn vị báo tử. Ông Lợi cho biết, các anh em ông vẫn đang nỗ lực tìm kiếm mộ 3 liệt sĩ để thỏa lòng mong đợi của Mẹ và cả gia đình.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.