Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Khe Sanh (9-7-1968 – 9-7-2013)

Một mốc son chói ngời về Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng

16:58, 26/07/2013

Cuộc chiến đấu trên mặt trận Khe Sanh nêu một tấm gương sáng ngời về Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng của đồng bào các dân tộc và các chiến sĩ Quân giải phóng. Chiến thắng Khe Sanh của quân và dân ta đã tạc vào lịch sử hiện đại, thể hiện sức mạnh và trí tuệ Việt Nam.

Khe Sanh là một thị trấn thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cách Đông Hà 63km về phía Tây, cách cửa khẩu Lao Bảo 20km về phía Đông. Khe Sanh từng được biết đến như là một Điện Biên Phủ thứ hai hay là chốn “Địa ngục trần gian” theo đánh giá của lính Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ từng bị tấn công trong trận Khe Sanh năm 1968 lịch sử.

Một  cứ điểm của khu quân sự  Khe Sanh trúng đạn pháo của Quân giải phóng, 1968.  Ảnh: T.L
Một cứ điểm của khu quân sự Khe Sanh trúng đạn pháo của Quân giải phóng, 1968.  Ảnh: T.L

Khe Sanh là vị trí chiến lược quân sự cực kỳ quan trọng, nằm trên cao nguyên mỗi bên gần 10km. Từ năm 1962, quân Mỹ và ngụy đã thiết lập ở đây một căn cứ không quân, lục quân có tầm quan trọng chiến lược. Đầu năm 1968, Tư lệnh của quân Mỹ ở Nam Việt Nam, tướng William Westmoreland, chủ trương “thả mồi ngon” đưa quân chủ lực của miền Bắc vào bẫy, buộc ta phải chiến đấu theo cung cách quy ước, vốn là sở trường của quân Mỹ. Vậy là hàng loạt vành đai sắt, hàng rào điện tử McNamara và hàng loạt căn cứ như: Cửa Việt, Cồn Tiên, Đông Hà, Cam Lộ… được dựng trên khu vực giáp giới với miền Bắc Việt Nam và nước Lào. Trong đó, cụm chiến lược Khe Sanh chủ yếu gồm 3 cứ điểm chính là Làng Vây, Khe Sanh và Tà Cơn được Mỹ kỳ vọng là “nam châm” hút quân ta, có vị trí mỏ neo then chốt, bất khả xâm phạm nhằm phong tỏa biên giới Việt - Lào, cô lập miền Nam với miền Bắc. Căn cứ Khe Sanh được xác định là trung tâm của hệ thống hàng rào điện tử trên. Do đó, Khe Sanh - Quảng Trị được Mỹ xây dựng một tập đoàn phòng ngự mạnh, liên hoàn, kiên cố nhất của Mỹ ở địa đầu miền Nam Việt Nam gồm các cứ điểm Làng Vây, Chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm phòng ngự sân bay Tà Cơn.

Cụm cứ điểm Tà Cơn là cái lõi của tập đoàn phòng ngự Khe Sanh của Mỹ, có chiều dài khoảng 5km, rộng khoảng 3km, có một đường băng dã chiến dài khoảng hơn 3.000m đảm bảo hoạt động của máy bay C-130 Hercules và một số trực thăng vũ trang. Hệ thống công sự, vật cản được xây dựng kiên cố và liên hoàn; công sự chiến đấu bằng bê tông đúc sẵn, hố chiến đấu cá nhân có nắp bằng bao cát, một số lô cốt bằng bê tông, hầm ngầm, hệ thống giao thông hào, chiến hào liên hoàn; xung quanh bao bọc từ 6 đến 10 hàng rào dây kẽm gai các loại, các bãi mìn dày đặc, xen kẽ dải “cây nhiệt đới” (thiết bị thu tin điện tử) khắp các nơi.

Bộ chỉ huy viễn chinh Mỹ ở Sài Gòn (MACV) lẫn Bộ chỉ huy tối cao Hoa Kỳ đều đã nhận thấy Khe Sanh có một thế mạnh căn bản so với không chỉ với Điện Biên Phủ, mà với mọi pháo đài từng có trong lịch sử. Đó là Khe Sanh được hỗ trợ bởi hệ thống hỏa lực cực mạnh, chế áp độc lập từ bên ngoài, gồm hàng chục lần chiếc pháo đài bay B-52 đánh phá mỗi ngày; lực lượng yểm trợ không lực cự ly gần bởi lực lượng khoảng 2.000 máy bay chiến đấu khác của không quân chiến thuật, không lực của Hải quân, không lực của Thủy quân lục chiến, với tần suất 500 lần/chiếc/ngày, hoạt động được cả trong điều kiện tầm nhìn bằng không.

Ngoài ra, Khe Sanh còn được yểm trợ hỏa lực bởi những vũ khí tối tân nhất thời đó. Các tổ hợp radar phản pháo mới như SKY SPOT; 16 pháo tự hành trên xe xích “Vua Chiến trường” M107 175mm bố trí tại Trại Carroll ở gần Cam Lộ, 18 lựu pháo 105mm, 8 pháo 155mm tại các căn cứ pháo binh ở Quảng Trị, pháo yểm trợ tầm trung từ trận địa bắc đèo Hải Vân… Bên cạnh đó, tại Khe Sanh quân đội Mỹ còn có khoảng 28.000 quân cùng 17.000 quân ngụy gồm 3 trung đoàn tăng cường thuộc Sư đoàn lính thủy đánh bộ 3 của Mỹ, một chiến đoàn dù, nhiều đơn vị biệt động quân và bảo an quân đội Sài Gòn. Quân đội Mỹ tin rằng sẽ dùng ưu thế hỏa lực để tiêu diệt quân chủ lực miền Bắc và sẽ là một thế trận Điện Biên Phủ đảo ngược.

Về phía ta, ngay từ giữa năm 1966, trên cơ sở đánh giá tầm quan trọng của khu vực Đường 9 - Khe Sanh, Bộ chỉ huy và Quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập Quân khu Trị Thiên, mở mặt trận Đường 9 - Khe Sanh với mật danh là mặt trận B5, có nhiệm vụ thu hút và giam chân địch càng lâu càng tốt, tạo điều kiện cho mặt trận miền Nam chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Lực lượng của ta tham gia chiến dịch gồm các Sư đoàn bộ binh 304, 320, 324B, 325, 308; 5 trung đoàn pháo binh; 3 trung đoàn pháo phòng không; các tiểu đoàn thông tin, hóa học, xe tăng, công binh cùng bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị. Tổng cộng lực lượng trên toàn tuyến có khoảng 40.000 cán bộ, chiến sĩ.

Mở màn vào ngày 21-1-1968, chiến thắng Khe Sanh của quân và dân ta đã tạc vào lịch sử hiện đại một mốc son chói ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Chiến công vẻ vang của quân và dân ta tại mặt trận Khe Sanh là kết quả của 4 đợt chiến đấu liên tục và quyết liệt.

Đợt 1 (21-1 đến 7-2): Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến công quận lỵ Hướng Hóa và cứ điểm Huội San, diệt cứ điểm Làng Vây, làm chủ đoạn Đường 9 từ Cà Lu đến biên giới Việt - Lào. Tập đoàn cứ điểm Khe Sanh của địch bị rung chuyển nghiêm trọng. Cụm cứ điểm Tà Cơn còn lại bị cô lập và bao vây bốn phía.

Đợt 2 (8-2 đến 31-3): Là thời kỳ vây lấn Tà Cơn, cụm cứ điểm lớn của quân Mỹ trên tuyến phòng thủ phía tây đường số 9 thuộc khu vực Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Trong 50 ngày đêm, quân ta đã xây dựng trận địa tiến công vào sát hàng rào căn cứ địch, thắt chặt vòng vây khống chế mạnh đường không, cắt đứt giao thông đường bộ triệt tiếp tế của địch, pháo kích, đánh lấn, bắn tỉa, chặn đánh các cuộc hành quân của địch.

Đợt 3 (1-4 đến 30-4): Địch huy động 17 tiểu đoàn quân Mỹ - ngụy mở cuộc hành quân lớn mang tên Chiến dịch Pegasus (Ngựa bay) nhằm giải tỏa Khe Sanh. Cuộc chiến đấu ở Mặt trận Khe Sanh diễn ra ác liệt. Do lực lượng không quân và pháo binh địch mạnh, hỏa lực phòng không của ta yếu, Sư đoàn 304 không thực hiện được những trận đánh lớn vào ban ngày. Ngày 16-4, địch rút lực lượng hành quân giải tỏa, bộ đội ta tiếp tục vây hãm Tà Cơn. Ở phía đông mặt trận, Sư đoàn 320 đánh nhiều trận nhỏ ở khu vực Đông Hà, Gio Linh, Cửa Việt, đánh giao thông trên đường số 9, thu hút và kìm chân 10 tiểu đoàn Mỹ - ngụy, tạo thế uy hiếp phòng thủ địch ở phía đông đường số 9.

Đợt 4 (8-5 đến 15-7), khôi phục thế vây lấn Tà Cơn, đánh quân Mỹ rút chạy khỏi Khe Sanh. Sau khi đánh bại cuộc hành quân giải tỏa Khe Sanh của địch, quân ta tiếp tục vây hãm bọn lính thủy đánh bộ Mỹ ở Khe Sanh. Bị thiệt hại nặng nề, bao vây cô lập ở mọi chiến trường, trước tình thế bị động và uy hiếp trên khắp chiến trường miền Nam, bắt đầu từ ngày 26-6-1968, quân Mỹ đã buộc phải rút khỏi Khe Sanh. Nắm vững thời cơ, quân ta lập tức bám sát quân địch, chặn đánh chúng bốn phía, đánh các đoàn xe rút chạy, tích cực bắn máy bay, liên tục tiến công các vị trí của địch. Ngày 9-7-1968, quân ta đã chiếm Tà Cơn - vị trí trung tâm của căn cứ Khe Sanh. Cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới tung bay trên cứ điểm và sân bay Tà Cơn. Ngày 15-7-1968, bộ đội ta làm chủ khu vực Khe Sanh, giải phóng một địa bàn chiến lược quan trọng ở phía tây đường số 9 (Quảng Trị), tạo điều kiện mở rộng tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam.

Sau 170 ngày đêm chiến đấu liên tục, vô cùng anh dũng và quyết liệt, hòa nhịp với những thắng lợi vang dội của quân và dân miền Nam trên khắp các chiến trường, chủ lực Quân giải phóng mặt trận Khe Sanh đã giành chiến thắng oanh liệt, đập tan một ý đồ chiến lược ngông cuồng và ngoan cố của giặc Mỹ tại chiến trường bắc Quảng Trị, buộc chúng phải chịu thất thủ Khe Sanh. Quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 tên địch trong đó có 13.000 lính Mỹ, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn Mỹ, 1 chiến đoàn dù và 1 tiểu đoàn thuộc lực lượng đặc biệt ngụy, 39 đại đội Mỹ - ngụy, phá hủy và bắn rơi 480 máy bay các loại, phá hủy hàng trăm xe quân sự trong đó có nhiều xe tăng và xe thiết giáp, hơn 60 khẩu pháo và súng cối cỡ lớn, phá hủy hơn 50 kho xăng, đạn…, giải phóng một địa bàn rộng lớn phía tây tỉnh Quảng Trị với 1 vạn dân, phá vỡ một mảng tuyến phòng ngự thép ngăn chặn ở địa đầu Nam Việt Nam.

Cuộc chiến đấu trên mặt trận Khe Sanh nêu một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của đồng bào các dân tộc và các chiến sĩ Quân giải phóng. Cả mặt trận Khe Sanh là một tập thể anh hùng, trải qua 170 ngày đêm dưới mưa bom bão đạn, gan không núng, chí không sờn, đã tỏ rõ khí phách hiên ngang, tinh thần dũng cảm phi thường, một lòng một dạ vì nhiệm vụ chung, thắng lợi chung. Cùng với những thắng lợi vẻ vang trên khắp chiến trường miền Nam, Khe Sanh đã ghi thêm một chiến công chói lọi, một thắng lợi rực rỡ trên trang sử vàng thời kỳ Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968.

Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh xuân hè 1968 có một ý nghĩa quan trọng, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đánh dấu sự bế tắc của Mỹ - ngụy trong thế phòng ngự chiến lược, đồng thời thể hiện rõ trình độ phát triển cao của Quân giải phóng về chỉ đạo chiến lược, chiến thuật, hợp đồng binh chủng…

Cho đến nay, 45 năm đã trôi qua, Khe Sanh vẫn là một cái tên còn nguyên tính thời sự trong đời sống quốc tế. Trong ký ức của nhiều người, Khe Sanh trước nhất là một trận đánh quân sự thể hiện sức mạnh và trí tuệ Việt Nam. Đồng thời, Khe Sanh là nơi thể hiện sức mạnh phi thường của những con người Việt Nam bình thường khi Tổ quốc thân yêu lên tiếng gọi.

Q.A (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.