Rưng rưng Thành cổ
Tôi không nhớ mình đã bao nhiêu lần đến với Thành cổ Quảng Trị, thắp hương trước đài tưởng niệm liệt sĩ, thả hoa trên bến sông Thạch Hãn, đặt tay lên những viên gạch còn sót lại của Thành cổ rêu mốc thời gian... Thế nhưng, lần nào đến đây cũng có cảm giác rưng rưng xúc động đến lạ lùng. Có thể nói Thành cổ Quảng Trị là một di tích văn hóa lịch sử và tâm linh đặc biệt đối với mỗi người Việt Nam. Không ai đến đây mà không rơi nước mắt trước anh linh của hàng vạn người lính trẻ đã nằm lại trên mảnh đất chưa đầy 3 km2 của thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972.
Thả bè hoa tưởng niệm bên dòng Thạch Hãn. |
Thành cổ là trung tâm của thị xã Quảng Trị, nguyên là hành cung dự bị của kinh thành Huế được vua Gia Long cho xây dựng năm 1809 tại xã Thạch Hãn, phủ Triệu Phong (nay là phường 2, thị xã Quảng Trị). Ban đầu thành được đắp bằng đất, tới năm 1827 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch nung cỡ lớn; kết dính bằng vôi, mật mía và một số phụ gia khác trong dân gian. Thành được xây theo kiến trúc thành trì quân sự Việt Nam, có dạng hình vuông với chu vi tường thành là 2.160m, thành cao 3m, dưới chân dày 13,5m, đỉnh dày 7,2m. Bên ngoài thành có hệ thống hào rộng bao quanh. Bốn góc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài. Thành có 4 cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu ứng với các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc; xây vòm cuốn, rộng 3,4m, phía trên có vọng lâu, mái cong, lợp ngói, cả 4 cửa đều nằm chính giữa 4 mặt Thành. Sau khi đô hộ xong nước ta, thực dân Pháp đã biến thành cổ Quảng Trị thành một trong những cứ điểm quan trọng của hệ thống hành chính quân sự ở miền Trung như: cho xây dựng thêm hệ thống nhà tù, mở rộng và kiên cố hóa khu lao xá để giam giữ những người yêu nước và các chiến sĩ cách mạng. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Mỹ - ngụy tiếp quản củng cố và xây dựng thêm hàng loạt công trình quân sự, biến Thành cổ thành khu quân sự hiện đại, với hệ thống kho tàng quân đội và trung tâm chỉ huy hành quân để thực hiện các chiến dịch Bắc tiến qua giới tuyến 17.
Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị. |
Theo số liệu trưng bày ở Bảo tàng di tích chiến tranh ở thị xã Quảng Trị, chiến dịch giải phóng Quảng Trị mở màn ngày 30-3-1972 và đến ngày 2-5-1972 quân ta đã giải phóng được thị xã Quảng Trị. Để mất Quảng Trị, Mỹ - ngụy đã điên cuồng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị với mật danh “Lam Sơn 72”, trong đó mục tiêu số 1 là phải chiếm được Thành cổ Quảng Trị. Và trận quyết chiến sinh tử 81 ngày đêm máu lửa bắt đầu 28-6 đến 16-9. Thành cổ Quảng Trị như một túi bom, trung bình mỗi ngày địch huy động 150-170 lần chiếc máy bay phản lực, 70 – 90 lần chiếc B52 để ném bom hủy diệt thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 km2, trong 81 ngày đêm thị xã và Thành cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn; trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. Báo chí phương Tây thời đó bình luận sức công phá của bom đạn trong 81 ngày đêm ấy tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945. Kết thúc 81 ngày đêm máu lửa, toàn bộ thị xã và tòa thành cổ này bị san bằng; Thành cổ chỉ còn dấu vết của một số đoạn thành, lao xá sót lại. Hàng vạn người lính trẻ đã hóa thân vào đất đai và yên nghỉ vĩnh hằng dưới lòng sông Thạch Hãn không để lại hài cốt, tuổi tên. Có thể nói mỗi tấc đất Thành cổ đều thấm đẫm máu xương của những người lính. Đúng như cựu chiến binh Phạm Đình Lân từ Hà Nội khi về thăm lại chiến trường xưa đã thổn thức “...Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/ Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào...”. Hay như nhà nhiếp ảnh, cựu chiến binh Lê Bá Dương đến từ Khánh Hòa đã nhắc nhủ “...Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm...”. Trong tâm khảm của các cựu chiến binh và nhân dân cả nước, Thành cổ Quảng Trị đã trở thành vùng “đất thiêng” để ai đến đây cũng ngả mũ cúi đầu trước anh linh những người lính anh hùng. Chính vì vậy, sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 1975, Thành cổ được xếp hạng là Di tích quốc gia và đến năm 1994 được xếp vào danh mục Di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.
Ngày nay, Thành cổ Quảng Trị đã trở thành một công viên văn hóa tâm linh đặc sắc, với tượng Đài tưởng niệm, Tháp chuông, Nhà tưởng niệm, Bến hoa đăng hai bên bờ sông Thạch Hãn...Trong đó nổi bật lên giữa trung tâm Thành cổ là Đài tưởng niệm Thành cổ với hình tượng nấm mộ chung, đắp bằng đất, bốn phía gia cố xi măng tạo thành hình bốn cửa của Thành cổ, phía trên là nơi để mọi người thắp hương tưởng niệm. Lòng nấm mồ rỗng có 2 trục đường chính giao nhau. Ở chính giữa là nơi đặt hành trang người lính: Một chiếc mũ tai bèo, một đôi dép cao su, một bi đông nước, một khẩu súng AK và một chiếc ba lô... Đặc biệt Đài tưởng niệm có rất nhiều hạng mục xoay quanh con số 81 như: 81 bậc thang lên xuống, ngọn đèn cao 8,1m, 81 bức phù điêu, 81 tờ lịch ghi lại từng ngày của cuộc chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị từ theo chiều ngược kim đồng hồ...
Đến với Thành cổ Quảng Trị, ta không chỉ hoài niệm về một thời oanh liệt hào hùng của cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, mà còn là nơi để tri ân những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống cho Tổ quốc trường sinh.
Ngô Minh Thuyên
Ý kiến bạn đọc