Tổ quốc mãi nhớ tên các Anh…
Lung linh những ngọn nến tri ân. Ảnh: Giang Nam |
Cha mẹ sinh ra, các Anh có tên có tuổi. Ngày khoác ba lô ra chiến trường, các Anh tạm biệt người thân và quê hương với niềm tin phơi phới và lời nhắn gửi: Anh sẽ về! Nhưng đất nước đã hòa bình, thống nhất được 38 năm rồi, những nếp nhà đã phủ màu rêu phong, những người mẹ, người vợ mỏi mòn, ngóng trông, tóc hóa sương, làn da nâu nhuộm màu năm tháng chờ đợi nhưng các Anh vẫn… chưa về. Và họ biết chồng, cha, con của mình sẽ chẳng bao giờ về nữa. Họ gửi nhớ thương vào mỗi linh bài tử sĩ và cả lời nguyện cầu cho linh hồn các Anh được siêu thoát qua mỗi nén nhang lòng. Dẫu có người chỉ trở về là nắm tro tàn nhưng ấy cũng là niềm hạnh phúc thiêng liêng khi còn rất nhiều liệt sĩ vẫn ăn sương nằm đất mà chưa tìm được hài cốt. Trong nỗi đau nhưng lại cũng có những niềm vui khi nhiều liệt sĩ trở về còn có tên có tuổi – những thông tin quý giá và cả sự kết nối duy nhất để họ tìm được về với người thân yêu của mình. Còn những liệt sĩ chưa xác định tên tuổi, quê quán, dẫu biết mình vẫn may mắn được quy tập về bên đồng chí đồng đội nhưng vẫn bùi ngùi khi nằm đó, khoảng cách để tìm đến mẹ cha, chồng vợ vừa gần mà vừa xa, vừa hư mà vừa thực.
Những ngày tháng Bảy mưa ngâu, nước mắt của trời và người hòa quyện. Những nghĩa trang liệt sĩ dịp tháng Bảy tri ân này lại thêm trang nghiêm, trầm mặc. Bàn chân ai cũng nhẹ nhàng như sợ làm thức giấc các Anh. Những lời thì thầm, khấn cầu của người còn sống với người đã khuất. Những ánh mắt đục mờ của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng, đôi tay run run, dò tìm tên chồng con trên bia mộ. Khói nhang vấn vít như sợi dây kết nối âm dương. Những nấm mộ hàng nối hàng, bình thản và trang nghiêm như chính tư chất người lính một thời họ sống và chiến đấu. Còn những người đang sống, tiếng lòng thổn thức. Chẳng biết, trong hàng trăm nghìn ngôi mộ liệt sĩ, có bao nhiêu linh hồn các Anh đã được gặp người thân. Hàng ngày, hàng giờ vẫn âm thầm biết bao cuộc kiếm tìm. Họ cứ mãi đi tìm nhau theo dọc dài đất nước. Con tìm cha, vợ tìm chồng, đồng đội tìm đồng đội. Có những cuộc kiếm tìm đã dằng dặc hơn 30 năm sau ngày giải phóng. Và cũng đã có những cuộc hội ngộ âm dương đong đầy buồn đau đằng đẵng bao năm xa cách. Thật ngậm ngùi, xót xa khi có những người gần 40 năm nằm lại chiến trường, ngày quy tập hài cốt mới được nghe tiếng gọi cha. Những người vợ chỉ làm vợ một ngày nhưng ân nghĩa cả đời, ngày tiễn đưa Anh khoác ba lô lên đường với lời hẹn ước; hôm nay đón Anh về sống đời chồng vợ là lệnh bài tử sĩ trên bàn thờ và nắm xương tàn chôn sâu nơi lòng đất. Nghĩa trang liệt sĩ nhạt nhòa. Dường như những đau thương, mất mát của chiến tranh không thể nói hết thành lời cứ chất chứa, đong đầy trong đôi mắt rưng rưng ngấn lệ ấy của người còn sống.
“Các anh có tên tuổi, quê hương đầy đủ, chỉ có điều chúng ta chưa tìm ra thôi!”, đứng trước những ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên, chúng tôi vẫn được nghe, vẫn tự động viên nhau như thế. Một điều quá hiển nhiên nhưng sao vẫn thấy sống mũi cay cay và lòng mình xót xa thế. Các Anh ở lại bên đồng đội để nỗi đau cứ xanh lên cùng năm tháng. Dẫu không về với mẹ với cha, với vợ với con bằng xương bằng thịt nhưng các Anh sống mãi trong tâm tưởng mỗi người.
"Người ngã xuống cho Tổ quốc, vì nghĩa/ Nén hương lòng xin dâng trọn, vì ân”. Xin gửi lời nguyện cầu, xin được thắp lên nén hương trầm để vỗ về, an ủi, tri ân anh linh người đã khuất, để người đang sống trải lòng, thanh tịnh, xoa dịu nỗi đau mất mát như chưa bao giờ vơi cạn…
Tổ quốc nhớ tên Anh. Dù đã biết hay còn chưa biết tên Anh nhưng chiến công của các Anh là bất diệt.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc