Multimedia Đọc Báo in

Bác Hồ và những quyết định lịch sử trọng đại

10:54, 30/08/2013

Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Với tầm nhìn của một lãnh tụ thiên tài, Bác Hồ tiên đoán: Chiến tranh sẽ đe dọa hàng triệu tính mạng con người, nhưng nó cũng là cơ hội để các nước nhược tiểu đấu tranh giành độc lập.

Ngày 20-6-1940, sau khi nghe tin Pa-ri bị quân Đức chiếm, Bác Hồ phân tích: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận tiện cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng” (1)

Ngày 22-9-1940, Người đưa ra nhận định: “Đồng Minh sẽ thắng. Nhật, Pháp ở Đông Dương chóng chày sẽ bắn nhau. Việt Nam sẽ giành được độc lập”(2)

Ngày 28-1-1941, Người lên đường về nước để trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam.

Từ ngày 10 đến 19-5-1941, Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác Hồ chủ trì với tư cách đại diện Quốc tế Cộng sản, đã khẳng định: “Nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc…” (3)

 Ngày 2-9-1945, tại  Quảng trường  Ba Đình, Hà Nội,  Chủ tịch Hồ  Chí Minh đọc  Tuyên ngôn  độc lập,  khai sinh nước  Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,  mở ra  kỷ nguyên mới  cho  lịch sử dân tộc Việt Nam.  Ảnh: Tư liệu
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Theo sáng kiến của Bác Hồ, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) “nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”. Hội nghị đã chủ trương: Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp - Nhật “sẽ thành lập một Chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc”.

Người còn sáng lập báo Việt Nam độc lập làm vũ khí tuyên truyền cách mạng đối với mọi tầng lớp dân chúng, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Báo ra số 1 vào ngày 1-8-1941. Và Người đã trực tiếp viết nhiều bài cho báo.

Khi còn ở Pác Bó, Bác Hồ chăm lo tổ chức các lớp huấn luyện quân sự, xây dựng các đội vũ trang. Người viết nhiều tài liệu về quân sự như: Chiến thuật cơ bản của du kích; Cách đánh du kích; Phép dùng binh của Tôn Tử…Người còn viết nhiều thơ ca, hò vè để giáo dục, cổ vũ phong trào cách mạng, đặc biệt tác phẩm “Lịch sử nước ta” (2-1942) gồm 236 câu, được kết thúc bằng một dự báo thiên tài: “1945, Việt Nam độc lập”.

Ngày 13-8-1942, Người đi Trung Quốc để liên lạc với các nhà cách mạng Việt Nam và lực lượng Đồng Minh. Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ trong gần 30 nhà tù ở tỉnh Quảng Tây hơn một năm ròng.

Cuối tháng 9-1944, Người trở về Pác Bó (Cao Bằng) để trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Người đã chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương của Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng để tránh những tổn thất khi việc chuẩn bị ở các nơi chưa đầy đủ.

Tháng 10-1944, Người đã viết Thư gửi đồng bào toàn quốc, trong đó, Người chỉ rõ: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh” (5)

Ngày 22-12-1944, Người chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Ngày 13-8-1945, theo đề nghị của Người, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang). Hội nghị nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”. Hội nghị quyết định tổng khởi nghĩa trong cả nước, thông qua đường lối đối nội, đối ngoại của cách mạng nước ta trong tình hình mới. Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập gồm các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Lê Thanh Nghị và Chu Văn Tấn.

23 giờ cùng ngày, Ủy ban Khởi nghĩa đã ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa trong cả nước.

Từ 16 đến 17-8-1945, Người dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào.  Đại hội đã tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh; bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng do Bác Hồ làm Chủ tịch. Ban Thường trực của Ủy ban Dân tộc giải phóng gồm có 5 người: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng và Dương Đức Hiền.

Ngay sau khi Quốc dân Đại hội bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân dân tổng khởi nghĩa: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta…”(6)

Dưới ngọn cờ của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, từ miền ngược đến miền xuôi đã nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa. Và chỉ trong vòng 15 ngày, cuộc tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Chính quyền đã về tay nhân dân.

Ngày 25-8-1945, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng đã về đến Hà Nội.

Ngày 27-8-1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội ở Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo chỉ thị của Người, Ủy ban Dân tộc giải phóng đã mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ lâm thời để cùng nhau gánh vác việc nước. Chính phủ lâm thời không phải là Chính phủ riêng của Việt Minh, cũng không phải là một Chính phủ chỉ bao gồm các đại biểu của các đảng phái, mà là một Chính phủ quốc gia thống nhất tiêu biểu cho Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi.

Ngày 30-8-1945, tại Huế, các đồng chí Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên bố chấp nhận sự thoái vị của Bảo Đại và nhận ấn, kiếm của nhà vua giao nộp cho Chính phủ cách mạng trước sự chứng kiến của hàng vạn đồng bào Thừa Thiên-Huế.

Ngày 2-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhà nước cách mạng của nhân dân ta ra đời ở giữa vòng vây của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động. Bác Hồ và Trung ương Đảng, một mặt củng cố lực lượng, giải quyết những vấn đề cấp bách là nạn đói năm 1945, ngăn chặn cuộc tiến công xâm lược của Pháp ở miền Nam; mặt khác, thực hành sách lược linh hoạt tránh một cuộc đối đầu cùng một lúc với các thế lực thù địch, vừa tranh thủ khả năng phát triển hòa bình, vừa tích cực chuẩn bị đối phó với một cuộc chiến tranh quy mô lớn.

(1)(2) Danh nhân Hồ Chí Minh-NXB Lao động-H-2000-T I - tr 186-187.

(3) Văn kiện Đảng 1930-1945- T 3 - tr 195-196.

(4)(5)(6) Hồ Chí Minh Toàn tập-NXB CTQG-H-1995-T 3-tr 214-244-506-554.

Nguyễn Xuyến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.