Multimedia Đọc Báo in

Cao Lỗ - Danh tướng đầu tiên trong lịch sử dựng nước của dân tộc Việt Nam

15:23, 02/08/2013

Các nhà khoa học đã khẳng định, Cao Lỗ là vị danh tướng đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với bối cảnh dựng nước thời Hùng Vương - An Dương Vương thuở xa xưa.

Đền thờ danh tướng Cao Lỗ tại Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: T.L
Đền thờ danh tướng Cao Lỗ tại Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: T.L

Tại hội thảo khoa học “Cao Lỗ - Danh tướng thời dựng nước” do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức, các nhà khoa học đã khẳng định: “Cao Lỗ là nhân vật có thật trong lịch sử. Ông là vị danh tướng đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta”. Các tham luận trình bày tại hội thảo khoa học “Cao Lỗ - Danh tướng thời dựng nước” đã tập trung làm rõ những cứ liệu khoa học sau nhiều năm nghiên cứu và khẳng định rằng, Cao Lỗ là danh tướng có thật chứ không phải như nhiều người nghĩ ông là nhân vật chỉ có trong truyền thuyết.

Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với bối cảnh dựng nước thời Hùng Vương - An Dương Vương. Chuyện Rùa vàng giúp vua xây thành Cổ Loa và cho lẫy nỏ để bảo vệ thành là chuyện hư cấu. Nhưng câu chuyện về chiếc nỏ của Cao Lỗ, người xưa từng gọi là nỏ Liên Châu là câu chuyện có thật.

Vũ khí bí mật quốc gia ấy có sức mạnh to lớn, nếu mất nỏ thần sẽ mất cả thiên hạ. Năm 1959, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng vạn mũi tên đồng Cổ Loa. Chủ nhân của mũi tên ba cạnh được xác định là của người Việt sống vào thời An Dương Vương. Cuộc khai quật của các nhà khoa học diễn ra trong thành nội của thành Cổ Loa còn tìm được lò đúc, khuôn đúc mũi tên đồng. Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ học Việt Nam) nhận định: “Đây là bằng chứng thuyết phục nhất. Đó là khuôn đúc mũi tên ba cạnh, được đúc bằng khuôn ba mang và đã cải tiến. Trình độ đúc của người Việt lúc đó khá cao. Đây là những khuôn bằng đá, có thể đúc liên tục, khác hẳn với khuôn đúc bằng gốm”.

Câu chuyện về chiếc nỏ thần của Cao Lỗ cũng trở thành mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Gần đây, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử quân sự và Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á cùng với các nghệ nhân ở Hòa Bình đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, phục dựng thành công bước đầu chiếc nỏ do tướng Cao Lỗ sáng chế.

Điều quan trọng nhất để tạo nên sức mạnh của nỏ Liên Châu chính là kỹ thuật chế ra những chiếc lẫy nỏ có “chốt giữ liên hoàn” để có thể một lần bóp cò bắn ra nhiều mũi tên. Tác dụng của kỹ thuật này không những giết được nhiều giặc mà còn làm cho chúng khiếp sợ, hoang mang tinh thần. Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Sỹ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: “Nỏ Liên Châu bắn 1 phát trúng 10 mũi tên một lúc. Điều đó chứng tỏ sự hiện đại của nỏ Cao Lỗ. Khi xuất hiện nỏ thần của Cao Lỗ, lực lượng quân sự của An Dương Vương mạnh hẳn lên. Người ta gọi là đội quân cung nỏ của An Dương Vương do Cao Lỗ đứng ra huấn luyện. Trong lịch sử có nói ông đã tập hợp được 1 vạn người để dạy cách bắn cung tên”.

Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, Cao Lỗ là người có đóng góp lớn trong việc góp phần xây dựng nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa, sáng chế ra một vũ khí đầy uy lực thời bấy giờ mà nhân dân thần tượng hóa gọi là nỏ thần. Ông cũng là con người tiêu biểu cho trí tuệ, tài năng và những phẩm chất cao quý của người Việt.

Ghi nhớ công ơn của tướng Cao Lỗ, người dân Đại Than (nay là xã Cao Đức), huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã lấy ngày sinh và ngày mất của ông là ngày 10-3 và ngày 4-4 âm lịch hàng năm làm ngày khai mạc lễ hội tại đền Cao Lỗ vương. Dòng họ Cao ở thôn Đại Than chính là con cháu của ông.

(Theo VOV)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.