Multimedia Đọc Báo in

Tiếng vọng Thành cổ

10:54, 30/08/2013

Cách đây 40 năm, ông là một trong những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị  góp phần tiếp lửa cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Những ký ức về một thời bi thương, hào hùng vẫn nguyên vẹn như mới ngày hôm qua.

Ông Phạm Quang Việt luôn tự hào về những ngày tháng tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Ông Phạm Quang Việt luôn tự hào về những ngày tháng tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Ông là Phạm Quang Việt (sinh năm 1955 tại xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) hiện ở khối 2B (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar). Năm 17 tuổi, ông tình nguyện nộp đơn xin gia nhập Trung đoàn 51, Tỉnh đội Thái Bình. “Thời đó cả xã tôi có 40 người độ tuổi 17, hai mươi cùng nộp đơn tình nguyện, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần. Sau thời gian huấn luyện, Trung đoàn hành quân vào miền Trung. Lúc ấy, hành trang mỗi người lính mang theo ngoài súng còn có cả gạo, lương khô, đôi dép, chiếc ăng-gô, bình tông và bát ăn cơm. Trong 3 tháng hành quân băng rừng, lội suối, đã có nhiều chiến sĩ bị bệnh phải ở lại trạm giao liên, khi điều trị khỏi thì tiếp tục lên đường”, ông Việt nhớ lại. Đến Quảng Trị, ông Việt được bổ sung vào Tiểu đội 8, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thành cổ. “Cuộc sống và chiến đấu của thế hệ những người lính như chúng tôi, không thể kể hết những hiểm nguy, gian khổ, có những lúc ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Nhưng bằng niềm tin và nghị lực, với nghĩa tình đồng chí, đồng đội, chúng tôi quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ông Việt thổ lộ. Dành gần trọn một buổi chiều trò chuyện, ông đã kể biết bao câu chuyện cảm động về tình đồng đội, tình quân dân cũng như tinh thần, ý chí của người lính trong những ngày tháng cả đất nước cùng ra trận, mỗi làng quê là một pháo đài. Ông vẫn còn nhớ như in những ngày chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972), Tiểu đội 8 là đơn vị vào vị trí chiến đấu đầu tiên và cũng là đơn vị rút lui cuối cùng. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt và không cân sức, địch tập trung hỏa lực gây cho ta không ít thương vong. Mọi sinh hoạt, đi lại của người lính lúc ấy đều diễn ra dưới địa đạo với sự hỗ trợ, dẫn đường của du kích địa phương. Sau 1 tháng chiến đấu ở cửa số 4, ông cùng một số chiến sĩ nhận lệnh tham gia bảo vệ nhà thờ Trì Bưu (xã Trì Bưu, huyện Hải Lăng, Quảng Trị). Địch điên cuồng bắn phá, chi viện quân liên tục nhằm chiếm Thành cổ trước ngày 10-7 để gây sức ép với ta tại Hội nghị Paris dự định họp lại vào giữa tháng 7-1972. Chúng huy động, tăng cường không quân, pháo binh, hải quân, kể cả máy bay B.52 đánh phá với cường độ lớn ở khắp các địa điểm. “Nhà thờ Trì Bưu bị bắn không còn viên gạch nào nguyên vẹn, bộ đội ta bị thương rất nhiều, chúng tôi vừa chiến đấu vừa làm nhiệm vụ chuyển thương binh ra Đội điều trị Quân y 48. Trên đường đi, chúng tôi nhìn thấy một người mẹ bế một con gái chừng 2 tuổi, chạy phía sau là cô con gái khoảng 12-13 tuổi đang bốc cháy. Bà mẹ nói trong nước mắt “Các chú ơi cả nhà tôi chết hết rồi”. Hình ảnh đó không chỉ thể hiện sự khốc liệt của cuộc chiến mà còn thôi thúc những người lính như chúng tôi tiếp tục chiến đấu, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc”, ông nghẹn ngào. Từ nhà thờ Trì Bưu, ông và đồng đội rút về tiếp tục chiến đấu bảo vệ Thành cổ. Sau khi bị thương, ông được đưa về tuyến sau điều trị, sau đó được đào tạo y tá cấp tốc và ở lại phục vụ tại Trạm điều trị Quân y 48. Năm 1976, ông Việt phục viên về địa phương sinh sống, 2 năm sau tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và tại đây đã gặp được người bạn đời của mình. Năm 1982, gia đình ông chuyển vào Dak Lak sinh sống, lập nghiệp. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, vợ chồng ông luôn tích cực tham gia lao động sản xuất, chăm lo cho con cái học hành đầy đủ, góp phần xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh. Hôm nay, được sống trong hòa bình nhưng ông không bao giờ quên những hy sinh, mất mát lớn lao trong chiến tranh, chỉ mong có ngày được về thăm lại chiến trường xưa và thắp một nén tâm nhang cho những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Trong câu chuyện của mình, ông luôn nâng niu tấm Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, Kỷ niệm chương chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, điều khiến ông tự hào nhất là đã được góp sức trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Và cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ vẫn như một dấu son lấp lánh, một tiếng vọng trong cuộc đời binh nghiệp mà ông tự hào luôn muốn kể lại cho con cháu.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.