Bác Hồ dạy chúng tôi làm công tác cảnh vệ
(Theo chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ)
Để bảo vệ Bác theo Chỉ thị của Bộ Chính trị “Mọi hoạt động của Bác phải được bảo vệ tuyệt đối an toàn”, Cục Cảnh vệ thuộc Bộ Công an được giao đảm nhiệm công việc đặc biệt này.
Dù được tin cậy cao, được đào tạo có bài bản, trình độ nghiệp vụ tốt, nhưng trong thực tiễn công tác, nhiều anh em được phân công bảo vệ Bác tự nhận xét mình hãy còn non yếu, ấu trĩ lắm và chính Bác đã dạy anh em nhiều điều bổ ích, thiết thực để làm tốt công tác cảnh vệ ngày càng hiệu quả.
Bác Hồ đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ (Xuân Quý Mão 1963). Ảnh: T.L |
Theo đồng chí N.T.L một sĩ quan cảnh vệ đã bảo vệ Bác gần 10 năm kể lại, những năm thập niên 60, thế kỷ trước, hoạt động biệt kích của bọn Mỹ – Diệm đã lan ra một số vùng ở miền Bắc. Một lần đi công tác về địa phương, Bác quan sát 2 bên đường và nói: “Bác có thể đếm được, chú Kháng (Cục Trưởng Cục Cảnh vệ) bố trí bao nhiêu người trên một đoạn đường. Các chú không biết “hóa trang”, từ quần áo các chú mặc, đến con mắt “đảo liếc” là Bác có thể nhận ra ngay. Dân họ cũng cảnh giác ghê lắm đấy, không khéo họ nghi, là các chú sẽ bị bắt cho mà xem”.
Một lần Bác có chương trình đi gặt lúa tại một hợp tác xã ở ngoại thành Hà Nội. Anh em cảnh vệ cử xuống xã bàn trước là ngày mai “Cơ quan” sẽ đi gặt giúp dân, Ban quản trị hợp tác xã phấn khởi lắm. Khi ra thực địa thấy có 2 ruộng lúa đã chín, một đám ruộng khô gần đường, một đám ruộng nước bùn thì ở xa hơn. Anh em cảnh vệ chọn đám ruộng khô; gần đường để gặt cho tiện (cả xã, hợp tác xã không ai được biết Bác sẽ về gặt giúp).
Sáng hôm sau, anh em cảnh vệ đã hóa trang tốp thì gặt, tốp thì gánh. Chín giờ sáng xe đưa Bác đến đầu làng thì dừng lại, Bác đi bộ ra đám ruộng xa đường, còn lép nhép bùn, bà con vẫn không ai biết, anh em cảnh vệ đều mặc áo mầu gụ, mũ cọ, quần sắn cao như nhau. Khi đi qua Bác, để giữ bí mật, anh em chỉ liếc nhìn, khẽ chào Bác. Bác cười: “Quân chú Kháng đến đây rồi, gặt ở chỗ ruộng khô, mặc toàn quần áo màu gụ, còn đám ruộng bùn xa chỉ có dăm, bảy xã viên gặt”. Rồi Bác tụt dép, xắn quần, đi đến đó. Một cảnh vệ báo cáo Bác: “Chỗ kia (ý nói chỗ ruộng khô) xã viên gặt đông vui quá”. Bác tỏ vẻ không vui, nói luôn: “Đông vui cái gì, ở đó toàn quân chú Kháng chứ xã viên nào”, nói xong Bác lội ra đám ruộng đang có xã viên (chính hiệu) đang gặt, rồi người chuyện trò với bà con, bó lúa với họ. Buổi gặt xong, Bác chào bà con ra về, ai cũng chúc Bác mạnh khỏe.
Trên đường về, Bác phê bình anh em: “Các chú vừa lãng phí lực lượng, vừa hóa trang lộ liễu, có cơ quan nào (ở Hà Nội) đi gặt giúp dân lại may quần áo “đồng phục, các chú gánh lúa cũng vậy; dân mà nhìn thấy Bác không ai chỉ chào Bác rồi chạy biến đi như các chú đâu. Các chú phải sửa ngay đi”.
Cũng theo đồng chí N.T.L, khi được giao nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận Bác, một buổi sáng đến nhận nhiệm vụ thì Bác đi họp Bộ Chính trị, đến 4 giờ chiều thì xe đưa Bác về, đồng chí N.T.L cũng ra đón Bác, thấy Bác tay xách cặp, tay cầm chiếc gậy tre bước xuống xe liền vội vàng đỡ chiếc cặp cho Bác, nhưng Bác không đưa cặp, và hỏi: “Chú ở đâu đến”? Hiểu ý Bác, đồng chí bảo vệ tiếp cận vội báo cáo Bác: “đây là đồng chí L. sẽ thay nhiệm vụ của cháu mà anh Kháng (Cục trưởng) đã trình bày với Bác đấy ạ!”.
Nghe xong, Bác nhìn đồng chí L. như thấu hiểu và ân cần nói: “Lẽ ra chú Kháng phải đưa chú đến để Bác biết mặt trước đã chứ, các chú làm Công an mà “đơn giản quá”. Ngay hôm sau đồng chí L. được phục vụ Bác đi công tác, Người nhắc lại chuyện hôm qua và giảng giải về nguyên tắc bí mật, ý thức cảnh giác, những sơ hở mà địch thường lợi dụng để hại ta… Càng nghe đồng chí L. càng sáng ra, lớn lên cả trí tuệ và nghiệp vụ.
Sau đó ít lâu, đồng chí L. lại được phục vụ bảo vệ Bác trong chuyến công tác ở một tỉnh xa Hà Nội. Đồng chí đứng chờ Bác bên chiếc ô tô Bác thường ngồi, thật không ngờ Bác lại lên xe dùng cho bác sĩ và phục vụ. Đồng chí L. vội vàng lên xe này cùng Bác, xe đi được mấy cây số Bác lại nói đại ý: “Các chú vẫn còn đơn giản trong suy nghĩ về cảnh giác lắm, hôm nay đi công tác xa, lại phải qua vùng núi hẻo lánh, nên phải đề phòng. Hai xe giống nhau quá thì chú phải đổi chỗ Bác ngồi luôn, biển số xe cũng phải dự phòng, vài ngày hay vài tuần phải đổi biển số khác, chỗ ngồi trên xe cũng vậy. Có thể chú, Bác phải thay đổi chỗ ngồi mỗi lần đi, để kẻ địch không phát hiện ra quy luật đi lại của ta”.
Từ những lời ân cần dạy bảo của Bác không chỉ làm cho đồng chí L. ngày càng trưởng thành mà cả đơn vị cảnh vệ bảo vệ tiếp cận Bác học tập và làm theo một cách chủ động và sáng tạo, được Bác khen ngợi nhiều lần, không xảy ra thiếu sót dù nhỏ.
Thái Sơn (st,bs)
* N.T.L là đồng chí Nguyễn Tất Liêm, nguyên Trưởng phòng,
Cục Cảnh vệ Bộ Công an (1962-1969)
Ý kiến bạn đọc