Multimedia Đọc Báo in

Cho những cuộc trở về hôm nay...

21:30, 25/09/2013

Cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc có sự đóng góp của nhiều lực lượng. Trong số đó, các chiến sĩ giao bưu với những công việc âm thầm, lặng lẽ nhưng đã góp trí, góp lực để làm nên nhiều chiến công, dệt thêu thêm cho bản anh hùng ca bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu...

Sự hy sinh và những cuộc kiếm tìm thầm lặng

Trong biết bao cuộc kiếm tìm sau những năm tháng chiến tranh ác liệt trên dải đất hình chữ S này, có những cuộc kiếm tìm của con tìm cha, vợ tìm chồng, đồng đội tìm đồng đội... Rất nhiều cuộc kiếm tìm vẫn trong mỏi mòn đợi trông, day dứt và nước mắt. Sự hy sinh của những người đã mãi mãi nằm lại chiến trường là nốt nhạc bi hùng, để những người trở về, những người đang sống và hậu thế mai sau tạc dạ tri ân. Những cuộc kiếm tìm nặng lòng suốt chiều dài đất nước, bồi đắp thêm truyền thống thủy chung, ân nghĩa của người dân đất Việt vốn chất phác, hồn hậu như lúa khoai, tấm lòng thơm tựa cơm gạo tám buổi đầu mùa. Trong vô vàn cuộc kiếm tìm, có nước mắt của niềm hạnh phúc, hội ngộ, cho dù sự hội ngộ ấy có xót xa, chua chát chỉ là người còn sống gặp lại, chào đón người thân yêu trở về là nắm xương tàn.

Phòng Truyền thống của  Bưu điện tỉnh  là nơi tưởng niệm,  tri ân  các  anh hùng liệt sĩ ngành giao bưu tỉnh.
Phòng Truyền thống của Bưu điện tỉnh là nơi tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ ngành giao bưu tỉnh.

Những ngày cuối tháng 8-2013 là những ngày không ngủ của người thân liệt sĩ Nguyễn Ngọc Châu, quê gốc ở Quảng Ngãi. Liệt sĩ Châu nguyên là đảng ủy viên, chánh văn phòng Ban Quân bưu tỉnh Dak Lak. Mộ của ông được tìm kiếm và quy tập sau 40 năm đằng đẵng ông nằm lại với rừng. Theo lời kể của đồng đội, đó là vào một ngày cuối tháng 5-1973, trong một lần đi làm nhiệm vụ, qua trạm T45, ông bị sốt rét, xuất huyết dạ dày. Các chiến sĩ của Trạm T45 đã dùng võng cáng ông về bệnh xá T44 gần đó để điều trị. Nhưng băng rừng vượt suốt suốt từ 19 giờ tối, đến 21 giờ thì ông trút hơi thở cuối cùng. Không có bất kỳ một vật dụng nào trong tay, các đồng đội phải lội rừng đến một đơn vị sản xuất để mượn cuốc đào huyệt, khi quay lại thì trời cũng đã gần sáng. Sau khi chôn cất, đồng đội cố ghi nhớ lấy vị trí nơi ông nằm là suối cây xoài, trên đường giữa trạm T44 và  T45 nay thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar). Đó cũng là những thông tin, dấu hiệu, manh mối quý giá để đồng đội tìm lại được ông sau này. Chiến tranh, thời gian, sự đổi thay của thiên nhiên, cảnh vật  là một thử thách quá lớn cho công tác kiếm tìm. Ông Nguyễn Hoài Nhân, nguyên cán bộ Trạm 45, Chủ tịch Công đoàn Bưu điện tỉnh là một trong số các đồng đội trực tiếp chôn cất liệt sĩ Châu đã dành nhiều tâm sức đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ này. Nhưng hai lần đầu băng rừng vượt suối, tìm đi tìm lại xung quanh vị trí an táng theo trí nhớ vẫn chưa thành công. Ăn ngủ, lạc cả tuần trong rừng, ông Nhân bị một trận sốt rét hành hạ. Những tưởng đã hết hy vọng và chẳng có hy vọng tìm được đồng đội thì một ngày ông nhận được điện thoại của Giám đốc Bưu điện tỉnh Nguyễn Như Vân. Nghe Giám đốc Vân nói, trong lúc làm đường ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, một đơn vị thi công đã phát hiện có hài cốt, ông xúc động và mừng lắm. Ông tự nhủ: Nếu không phải mộ liệt sĩ Châu thì liệt sĩ nào cũng là anh em, đồng đội, đến thắp cho nhau nén nhang thêm ấm lòng. Nhưng khi trực tiếp chứng kiến công tác cất bốc thì ông không cầm được nước mắt. Từng hiện vật được lật giở từ chiếc võng, tấm dù bọc thi hài, rồi cả sợi dây dù buộc trên tay, chân  liệt sĩ Châu...; con suối vẫn nằm gần đó, tất cả vẫn còn, duy cây xoài năm xưa giờ chỉ còn lại gốc. Ký ức 40 năm trước như một lần nữa được tái hiện. Không thể nói gì hơn, ông thốt lên: "Đúng là mộ liệt sĩ Châu rồi...!".

Sự hy sinh, mất mát nào chẳng đau thương. Cũng trong câu chuyện tìm kiếm, quy tập liệt sĩ của ngành giao bưu tỉnh, rất nhiều liệt sĩ khi được cất bốc không còn nguyên vẹn thi hài. Có nhiều nấm mộ mà đồng đội, người thân tìm được chỉ còn mấy cái răng, vài chiếc cúc áo, chiếc dép cao su như liệt sĩ Nguyễn Hồng Việt. Ông quê gốc ở Hải Phòng, hy sinh năm 1972, khu vực km52, quốc lộ 26. Lại có nấm mộ chỉ còn là những nắm đất đen như liệt sĩ Phan Minh Phán, ở xã Ea Kuang, huyện Krông Pak. Liệt sĩ Phán hy sinh năm 1972, lúc tuổi đời còn rất trẻ và theo lời đồng đội kể lại: khi tìm được xác thì đồng đội phát hiện trong miệng anh vẫn còn một miếng giấy là tài liệu công văn mật, anh nhai quyết không để lộ nhưng chưa kịp nuốt.

Đã mấy mươi năm sau ngày đất nước giải phóng, các Anh mới trở về. Dẫu ngày trở về không phơi phới tuổi thanh xuân, chỉ là nắm xương tàn, đôi ba hiện vật, nhưng ấy là sự trở về thiêng liêng. Biết bao đồng đội và người thân vẫn đau đáu đi tìm để có được những cuộc trở về thiêng liêng ấy...

Mãi mãi tri ân

Trong những năm tháng chiến tranh, quân số của ngành giao bưu tỉnh được đánh giá không đông nhưng tỷ lệ thương vong nhiều. Ban Giao bưu của tỉnh ngày ấy có 30 trạm, mỗi trạm biên chế khoảng 10 người. Có những tháng việc bổ sung quân số không kịp do hy sinh quá nhiều. Các chiến sĩ giao bưu có nhiệm vụ chuyển công văn, giấy tờ từ tỉnh xuống huyện, về các địa bàn dẫn đường cho cán bộ chủ chốt; mở đường đưa lực lượng quân đội ra các mặt trận; vận chuyển vũ khí. Để bảo đảm an toàn cho cán bộ, tài liệu, rất nhiều chiến sĩ đã sẵn sàng hy sinh thân mình. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo thống kê sơ bộ của ngành giao bưu tỉnh, số chiến sĩ giao bưu hy sinh khoảng 200 người. Những người hy sinh khi tuổi đời mới 18, đôi mươi, nhiều tuổi nhất  cũng chỉ mới 25 tuổi. Để xoa dịu nỗi đau mất mát cho các gia đình cũng như tưởng nhớ, tri ân đồng đội, bắt đầu từ năm 1993, Bưu điện tỉnh Dak Lak đã bắt đầu quan tâm và đầu tư nhiều thời gian, tâm sức cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giao bưu. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trong ngành bưu điện của cả nước khởi xướng và thực hiện công tác này. Tham gia tìm kiếm là những người đã từng một thời chiến đấu, nắm được nhiều thông tin, manh mối về các liệt sĩ. Ông Nguyễn Hoài Nhân, hiện trú tại đường Phạm Ngũ Lão nối dài (TP. Buôn Ma Thuột) từng là cán bộ Trạm giao bưu T45, Chủ tịch Công đoàn Bưu điện tỉnh chính là một trong những người đã gắn bó và tham gia nhiều đợt tìm kiếm hài cốt liệt sĩ suốt từ năm 1993 đến nay. Sau nhiều khó khăn, nỗ lực tìm kiếm, hiện Bưu điện tỉnh đã cất bốc và quy tập được 23 hài cốt liệt sĩ quân bưu, trong số đó người được gia đình đưa về quê án táng, người được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

Cùng với công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, một phòng truyền thống đặt tại Bưu điện tỉnh đã được thiết kế và xây dựng. Ngày 8-8-2011, nhân kỷ niệm 66 năm Ngày thành lập ngành Bưu điện Việt Nam, công trình được hoàn thành. Cũng nhân dịp này, các cựu chiến sĩ giao bưu thông tin, lãnh đạo giao bưu thông tin các thế hệ, cán bộ, công nhân viên của Bưu điện tỉnh với sự giúp đỡ của nhà sư trụ trì chùa Phổ Minh đã tổ chức lễ cầu siêu và rước anh linh các liệt sĩ giao bưu thông tin Dak Lak từ Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ giao bưu thông tin Tây Nguyên về thờ phụng tại đây. Đây thực sự là một không gian lịch sử truyền thống của ngành bưu điện tỉnh với nhiều hình tượng, hiện vật được tái hiện, trưng bày, giữ gìn, đặc biệt trong đó có một khu vực trang trọng để tưởng niệm các liệt sĩ của ngành. Còn với Giám đốc Bưu điện tỉnh Nguyễn Như Vân, trong bộn bề công việc, nhất là trước những thách thức mới của ngành trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, ông vẫn đặc biệt quan tâm, đầu tư và nếu có điều kiện vẫn trực tiếp tham gia các đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ông day dứt, trăn trở lắm vì còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập và rồi công tác này càng ngày sẽ càng khó khăn, vất vả hơn bởi theo thời gian số người đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu sẽ thưa dần, thông tin, manh mối theo đó mà cũng ít đi. Bởi vậy, biết được gì là ông hết sức làm để tri ân đồng chí, đồng đội và các bậc cha chú đi trước.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.