Để giá trị các di tích lịch sử sống mãi…
Buôn Ma Thuột - Dak Lak lưu giữ trong mình biết bao huyền thoại từ thuở khai hoang, mở đất đến đấu tranh giành độc lập, góp phần dệt thêu những trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hành trình du lịch trên quê hương 10-3 anh hùng, điểm dừng chân không thể thiếu là những di tích đã đi vào lịch sử…
Nhà đày Buôn Ma Thuột, một địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh: Hoàng Gia |
Trong số 14 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia, thì gần 50% trong số đó là các di tích lịch sử. Cụ thể gồm: Nhà đày Buôn Ma Thuột, Biệt điện Bảo Đại, Đồn điền CADA, Hang đá Dak Tuôr, Đình Lạc Giao và Miếu thờ Cada. Mỗi địa danh, chứng tích lịch sử đều mang ý nghĩa của từng thời kỳ cách mạng. Trong đó, được nhiều du khách biết đến nhất khi đặt chân đến Buôn Ma Thuột là Nhà đày Buôn Ma Thuột. Năm 1930, chính quyền thực dân Pháp đã dựng lên Nhà đày Buôn Ma Thuột ngay tại thị xã Buôn Ma Thuột để đày ải, giam cầm và thủ tiêu các chiến sĩ hoạt động cách mạng với một chế độ hết sức khắc nghiệt và tàn bạo. Nhưng vượt lên trên tất cả là tinh thần và ý chí đấu tranh kiên cường của tù nhân ở đây, họ đã biến nơi bị đày ải thành mặt trận đấu tranh mới, thành trường đào tạo về văn hóa, chính trị, lý luận, quân sự. Năm 1980, Nhà đày được công nhận là di tích lịch sử quốc gia và đã qua hai lần trùng tu vào các năm 1992 và 2006. Công trình đang được Trung tâm Quản lý Di tích tỉnh quản lý và phát huy tác dụng với tổng diện tích 16.403 m2. Hiện nay, phòng trưng bày của di tích này đang được tu sửa và cổng chính của Nhà đày cũng đã được giải tỏa, xây dựng để mở cửa đón khách tham quan.
Nằm giữa trung tâm thành phố, Biệt điện Bảo Đại được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994. Trước năm 1945, đây là nơi làm việc của Sabatier, công sứ Pháp tại Dak Lak, đến năm 1945 là trụ sở của Hội đồng cố vấn cách mạng tỉnh Dak Lak. Khi Pháp trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai (1945 - 1954), vua Bảo Đại đã đến làm việc và nghỉ ngơi tại đây, nên ngôi nhà được gọi với cái tên “Biệt điện Bảo Đại”. Hiện nay Trung tâm Quản lý di tích tỉnh quản lý khuôn viên của di tích này với tổng diện tích 55.770 m2, trong đó có 2.300 m2 nhà ở của Bảo Đại đã được tu sửa một phần vào tháng 5-2011. Ngoài ra, trong khuôn viên hiện còn có 2 di tích gốc khác là: Nhà hai tầng được xây dựng sau năm 1975 (đã được tu sửa trong năm 2011) và nhà Nài voi (đây là nơi ở của những người giúp việc, quản gia của Bảo Đại).
Hang đá Dak Tuôr, nằm tại sườn núi Chư Yang Sin, thuộc buôn Dak Tuôr, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) cũng là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, nằm trong cụm di tích khu căn cứ kháng chiến Tỉnh ủy Dak Lak. Nơi đây đã diễn ra Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ III, V. Ngoài ra, khu căn cứ còn là hành lang để đưa đón cán bộ tăng cường cho chiến trường Tây Nguyên trong những năm 1968 – 1973. Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra quyết định công nhận di tích này là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991 và đến năm 1996, đã đầu tư một số kinh phí để mở đường từ xã vào di tích với tổng chiều dài 5 km. Di tích này hiện đang nằm trong Dự án tu bổ, trùng tu, tôn tạo để phục vụ việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tỉnh Dak Lak và phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Di tích được UBND xã Cư Pui quản lý với tổng diện tích của dự án trùng tu là 15 ha.
Có một địa danh đã gắn liền với tên tuổi ông Phan Hộ - người lập làng người Việt đầu tiên tại Dak Lak, đó là Đình Lạc Giao. Đây cũng là nơi ra mắt Ủy ban quân quản tỉnh Dak Lak ngày 10-3-1975. Đình Lạc Giao được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990. Ngoài sự quản lý của Trung tâm Quản lý Di tích tỉnh, Đình còn có Ban Tế lễ gồm các bô lão của làng Lạc Giao. Ban Tế lễ có nhiệm vụ tế Xuân, tế Thu và tổ chức giỗ các chiến sĩ Nam Tiến hy sinh năm 1945 tại Buôn Ma Thuột.
Là nơi hình thành và ra đời giai cấp công nhân đầu tiên ở Dak Lak, Đồn điền CADA kéo dài từ km 18 đến km 47 Quốc lộ 26 thuộc xã Ea Yông (huyện Krông Pak), do người Pháp xây dựng vào năm 1922, để trồng chè và cà phê. Đây cũng là nơi chính quyền cách mạng đầu tiên của tỉnh ra đời ở cấp cơ sở. Đồn điền CADA được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích quốc gia ngày 25-1-1999. Năm 2010, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã trùng tu hoàn chỉnh di tích này.
Tất cả những địa danh lịch sử này đều có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Buôn Ma Thuột – Dak Lak nói riêng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung. Theo đó việc bảo tồn là cần thiết. Tuy nhiên, dưới con mắt của các nhà bảo tồn, bảo tàng, bảo tồn không có nghĩa là để nó “già”, giữ gìn một cách nguyên trạng thuần túy. Bảo tồn phải gắn với phát huy để giáo dục truyền thống cách mạng, để các di tích cũng tham gia một cách phù hợp, có ý nghĩa trong phát triển du lịch, phát triển kinh tế. Đề cập điều này là bởi, rất nhiều người dân Buôn Ma Thuột và du khách còn mong sự đầu tư “đậm đặc” hơn nữa cho các di tích lịch sử này trong công tác trùng tu, tôn tạo, sưu tầm các hiện vật để đây thực sự là những điểm đến du lịch lịch sử hấp dẫn, mang tính giáo dục cao. Theo ông Y Ben Byă, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích tỉnh, trong số 6 điểm di tích lịch sử nêu trên, gần như chỉ có hai điểm di tích là Nhà đày Buôn Ma Thuột và Đình Lạc Giao được phát huy giá trị. Thống kê lượng khách đến tham quan các điểm di tích của Trung tâm cũng thể hiện chủ yếu là ở hai điểm di tích này. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2013, Nhà đày Buôn Ma Thuột và Đình Lạc Giao mở cửa phục vụ được 127 đoàn với 6.544 lượt khách, trong đó có 4 lượt khách quốc tế. Ngay cả Biệt điện Bảo Đại nằm giữa trung tâm thành phố, có không gian thoáng mát, đường đi thuận tiện nhưng hiện cũng chưa mở cửa để đón khách do còn gặp khó khăn trong kinh phí sưu tầm hiện vật.
Cũng theo ông Y Ben Byă, để phát huy giá trị của các di tích lịch sử, trong điều kiện kinh phí khó khăn, trước mắt nên đầu tư theo trọng điểm. Nếu để chọn trọng điểm thì ông sẽ chọn: Nhà đày Buôn Ma Thuột, Biệt điện Bảo Đại và Đình Lạc Giao để tập trung đầu tư trùng tu, tôn tạo, mở cửa, thu hút khách đến tham quan, du lịch. Tuy nhiên để các di tích được bảo quản tốt hơn, các địa phương cần có ban quản lý, có thể do trưởng ban nhân dân các tổ dân phố, thôn, buôn tham gia đảm trách; vận động, tuyên truyền cho người dân sống xung quanh khu vực di tích có ý thức tham gia bảo vệ. Thường xuyên phát động trong toàn xã hội ủng hộ việc sưu tầm các hiện vật liên quan đến các di tích lịch sử cách mạng để trưng bày giới thiệu nhằm góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương cho thế hệ mai sau.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc