Đại tướng vì Hòa bình
Trong một cuộc phỏng vấn về cuốn sách “Võ Nguyên Giáp: Người chiến thắng ở Việt Nam”, tác giả Peter Mac Donald, một nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự và cũng là một vị tướng người Anh, đánh giá:“Ông ấy là người biết cơ bản về quân sự nhưng không được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, qua năm tháng, ông đã xây dựng một đội quân còn sơ khai lên các nhóm du kích rồi trở thành lực lượng lớn mạnh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp lịch lãm trước báo giới quốc tế (Ảnh AFP). |
Ông chưa bao giờ nhận được hỗ trợ máy bay chiến đấu như lực lượng hiện đại cho đến gần cuối cuộc chiến họ mới có xe tăng nhưng ông có những yếu tố quan trọng hơn để giành được chiến thắng. Quân đội của ông ngày càng lớn mạnh và được huấn luyện bài bản”.
Vị Đại tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam làm bao kẻ thù khiếp sợ ấy chỉ luôn tâm niệm về hòa bình và độc lập dân tộc. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters năm 2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc lại kỷ niệm về chuyến thăm cơ quan của Liên hiệp quốc ở Geneva, Thụy Sỹ, khi được đề nghị ký tặng một cuốn sách, ông đã viết và ký tên “Đại tướng vì Hòa bình”.
Trong bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hãng tin AP cũng miêu tả ông như một vị “Đại tướng vì Hòa bình” khi lên tiếng phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và vào những năm cuối đời Đại tướng cũng luôn khích lệ việc bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ với Mỹ.
Hãng tin AP nhận định: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất sắc sảo và am tường các vấn đề chính trị thời sự cho tới khi ông lâm bệnh và phải nhập viện. Ở tuổi ngoài 90, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thường xuyên tiếp các lãnh đạo thế giới đến thăm ông tại nhà riêng ở Hà Nội”.
Tờ New York Times cũng nêu bật vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong việc thúc đẩy hòa bình và phát triển đất nước sau chiến tranh, đặc biệt, chính ông là người đã lên tiếng ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Tờ báo miêu tả, “trong những năm về già, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên tiếp các vị khách quốc tế tại nhà riêng ở Hà Nội, đọc nhiều văn học phương Tây, thưởng thức nhạc của Beethoven và Liszt”.
Những cuộc tiếp xúc của các ký giả phương Tây với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại trong họ những ấn tượng sâu đậm cho thấy ông không phải là một chiến thuật gia khô khan như người ta vẫn tưởng. Ông cũng có chút lãng mạn như bao con người khác, cũng thích thơ phú, văn chương; thích các tác giả Mỹ và nhất là các nhà văn Pháp như La Fontaine, Anatole France, Voltaire, Romain Rolland, theo như nhận xét của tác giả Daniel Roussel, cựu phóng viên thường trực của Báo L’Humanité tại Việt Nam, trong bài viết “Giáp, người không khuất phục, yêu thích từ Voltaire đến Romain Rolland”.
Lúc sinh thời, có lần một chính trị gia phương Tây đã hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến lược của ngài là gì?”. Đại tướng trả lời: “Chiến lược của tôi là hòa bình. Tôi là một vị tướng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Với tấm lòng kính trọng, nhiều học giả nước ngoài đã cho ra đời những trang viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp chân thực, giàu tính nhân văn. Đối với họ, có người dù chỉ được gặp Đại tướng trong một cuộc hẹn ngắn ngủi, cũng có người có thời gian trò chuyện nhiều hơn nhưng tác phẩm của họ về “vị tướng của lòng dân” đều vẹn nguyên những cảm xúc khó tả. May mắn hơn nhiều học giả, nhà nghiên cứu khác, Nhà sử học người Pháp Alain Ruscio được nhiều lần gặp Đại tướng. Kết quả của những lần trò chuyện thân mật ấy là cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - một cuộc đời” (Vo Nguyen Giap – Une vie) nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng. Nhà sử học Alain Ruscio kể lại: hồi đó ông là phóng viên thường trú của Báo Nhân đạo và lại là người xuất thân nghiên cứu sử, nên Đại tướng đã dành cho ông cả những câu chuyện về gia đình mình. Có thể nói rằng chính những điều bất ngờ trong câu chuyện làm nên tính độc đáo của cuốn sách.
Với tấm lòng trân trọng, họa sĩ David Thomas- một người Mỹ yêu Việt Nam đã dày công cho ra đời 106 bản in tác phẩm “Võ Nguyên Giáp - Người yêu nước - Người thầy - Người lính” (2012) bằng giấy dó, với sự giúp đỡ của hai tác giả Tạ Đức và Susan Maguire. Cuốn sách ghi lại những chặng đường, bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Đại tướng cho đến năm 1965- năm đế quốc Mỹ bắt đầu thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam. Lời bạt sách ghi rõ: “Quyển sách nghệ thuật này không chỉ nói về Võ Nguyên Giáp, vị tướng vĩ đại mà còn về đất nước yêu dấu của ông, về nền văn hoá đã sản sinh ra ông”. Cuốn sách không quá dày, chỉ với 83 trang nhưng tác giả David Thomas đã thể hiện sự am hiểu văn hóa dân gian và tình cảm yêu quý dành cho Đại tướng dù chỉ 2 lần gặp gỡ ngắn ngủi.
Có thể nói, những tác phẩm viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ dừng lại ở sự thiện cảm dành cho Đại tướng. Cũng không chỉ khẳng định công lao to lớn của người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, mà quan trọng hơn cả là sự ngưỡng mộ, yêu quý của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới dành cho vị tướng của lòng dân, vị tướng của hòa bình.
Huy Hùng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc