Multimedia Đọc Báo in

"Từ thụ yếu quy" - cuốn sách chống tham nhũng đầu tiên ở nước ta

09:28, 25/11/2013

Nạn hối lộ, tham nhũng ở nước ta từ xưa đến nay hầu như thời nào cũng có. Tham nhũng, hối lộ là “quốc nạn” làm mục ruỗng rường cột quốc gia, làm suy vong đất nước. Ngăn ngừa phòng chống “quốc nạn” này, ông cha ta đã để lại rất nhiều bài học quý giá. Trong đó, tác phẩm “Từ thụ yếu quy” của danh nhân Đặng Huy Trứ (1825 – 1874) viết năm 1867 được coi là tác phẩm kinh điển đầu tiên trên mặt trận phòng chống tham nhũng, mặc dù đã trải qua gần 150 năm lịch sử nhưng vẫn nóng hổi tính thời sự đối với chúng ta hiện nay.

Tác phẩm “Từ thụ yếu quy” - Nhà XB Pháp Lý 1992.
Tác phẩm “Từ thụ yếu quy” - Nhà XB Pháp Lý 1992.

 Đặng Huy Trứ, tự Hoàng Trung, quê ở làng Thanh Lương, Hương Trà, Thừa Thiên - Huế. Ông đỗ tiến sĩ năm 22 tuổi (1847) và đi dạy học, 8 năm sau ra làm quan dưới triều Tự Đức với những chức vụ Thông ty Bố chánh, tri phủ nhiều tỉnh, Biên lý Bộ Hộ, Hàn lâm viện Ngự sử,  Bình Chuẩn ở Hà Nội chuyên lo kinh tế cho triều đình. Ông được chí sĩ Phan Bội Châu đánh giá là người trồng mầm khai hóa ở nước ta… Trong cuộc đời làm quan ngắn ngủi của mình, ông đã tấu dâng nhiều  biện pháp cách tân kinh tế lên  triều đình và kiên quyết chống lại những hành vi tham nhũng với tâm niệm “Mình thiệt, lợi dân, dân gắn bó/Đẽo dân, mình béo, dân căm hờn/ Hờn căm, gắn bó tùy ta cả/ Duy chữ Thanh, Thanh đối thế nhân”. Bản thân Đặng Huy Trứ có cuộc sống “cơm chỉ rau dưa, nhà khoe mái dột”. Gắn bó với đời sống cùng khổ của nhân dân, ông sớm nhận ra cái họa tày đình  của nạn tham nhũng, hối lộ đang từng ngày đẩy đất nước vào con đường suy vong. Tác  phẩm “Từ thụ yếu quy” bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan, với hơn 2000 trang chữ Hán,  đúc kết 104 kiểu hối lộ, tham nhũng điển hình phổ biến trong xã hội với 2017 điển tích dẫn chứng và 5 kiểu hối lộ có thể nhận, là những lời gan ruột của một trí thức luôn day dứt với vận mệnh của đất nước. Sách được Đặng Huy Trứ bỏ tiền ra in lần đầu tiên năm 1768 và lần tái bản gần đây nhất là năm 1992 do Hội Khoa học lịch sử và Nhà xuất bản Pháp lý ấn hành, qua bản dịch của nhóm tác giả Nguyễn Văn Huyền và Phạm Tuấn Khánh.

Chân dung Đặng Huy Trứ.
Chân dung Đặng Huy Trứ.

Có thể nói, “Từ thụ yếu quy” là bức tranh toàn cảnh đầy đủ nhất của nạn hối lộ, tham nhũng trong xã hội Việt Nam từ xưa đến nay, cũng là cuốn sách đầu tiên trong lịch sử tổng kết đầy đủ mọi mưu ma, chước quỷ của nạn hối lộ tham nhũng. 104 kiểu hối lộ là 104 kiểu mua bán lương trong xã hội phong kiến nước ta xưa, nay đọc lại cũng không khác thời chúng ta đang sống hiện nay là bao. Như: Quan lại xảo quyệt hối lộ cầu được tiến cử;  Quan bị cách chức hối lộ được phục hồi chức; Địa phương hối lộ các quan đến thanh tra; Hối lộ các quan đi tra xét án kiện tụng; Đồng sự làm việc bất công, phi pháp hối lộ để cầu được che giấu; Kẻ thâu thuế cửa quan, bến đò hối lộ để lạm thu; Con buôn người nước ngoài hối lộ để cầu thân; Hối lộ để chứng nhận ruộng bị thiên tai; Nhận hối lộ của dân xin miễn cung cấp vật liệu; Thương nhân hối lộ để tiêu thụ được hàng hóa; Kẻ đi kiện hối lộ để cầu được kiện; Người bị tội hối lộ xin giảm, miễn tội; Người có tội hối lộ để giấu diếm tài sản; Kẻ phạm điều cấm, hối lộ để cầu được miễn truy tội; Nhà giàu vượt ra nước ngoài danh phận hối lộ cần được che giấu; Quan lại tham nhũng hối lộ để lấy lòng quan trên… Điều thú vị là sau khi bàn đến các kiểu hối lộ, nêu ra nguyên nhân, tác hại và những điển tích minh chứng, Đặng Huy Trứ đều khẳng định “Thứ hối lộ ấy không thể nhận” như là lời nhắc nhở kiên quyết cho những người làm quan.

Xin tóm tắt một vài kiểu hối lộ điển hình được nêu trong “Từ thụ yếu quy”.

Sĩ tử đi thi hối lộ cầu được đỗ: Phép thi quý là chọn được thực tài. Thế mà có kẻ hèn kém, ngày thường chẳng chịu học hành, đến kỳ thi liền đem tiền bạc đến hối lộ quan chấm thi để cầu được đỗ. Những kẻ ấy hạnh kiểm đã chẳng ngay thẳng... Nếu được đỗ thì cả đời họ chỉ tiến thân bằng con đường mờ ám, di hại cho dân chúng không nhỏ. Trừ được một kẻ như thế, dân chúng thoát được tai ương sau này... Thứ hối lộ ấy không thể nhận!

Quan lại xảo quyệt hối lộ cầu được tiến cử: Người làm quan phần đông nóng lòng mưu cầu giàu sang, hoặc muốn bổ vào chỗ dễ kiếm chác, hoặc mong thăng chức, hoặc tìm cách lẩn tránh nơi khó khăn… Lúc đầu thì biếu ta sơn hào, hải vị, trà ngon, the tốt, tiếp đến là tùy trên thích gì lớn nhỏ đều sẵn sàng dâng vàng bạc từ một lạng đến ba bốn trăm lạng... Đến khi mua được chức quan thì lãi mẹ đẻ lãi con. Họ dùng quyền uy để mà lấy lại, dùng mưu mẹo để mà lấy lại, dùng ngày giỗ cha mẹ để mà lấy lại, dùng việc cưới xin con cái để mà lấy... Tất cả do ta đã nhận hối lộ rồi tiến cử họ mà gây nên như vậy... Thứ hối lộ ấy không thể nhận

Quản cơ, suất đội hối lộ để được ra coi cửa quan, cửa biển. Các viên quản suất ấy sốt sắng việc công thì ít mà hám lợi thì nhiều. Ở cửa biển, thuyền đánh cá sớm đi chiều về, thì đòi biếu cá tôm, cua bể. Thuyền buôn trong nước thì đòi biếu tiền, gạo, thổ sản... Thuyền buôn của Tàu (Trung Quốc) ra vào thì đòi biếu hàng Tàu, đôi dăm ba lạng bạc. Ngoài ra còn khoản hối lộ về hàng cấm. Như thế hàng năm họ thu đưọc rất nhiều. Nghe tin cửa biển nào thiếu người thì họ chạy chọt, vay tiền bạc để hối lộ ta. Được chức rồi thì họ sách nhiễu con buôn. Không có vật gì dù nhỏ mọn mà họ không lấy. Còn ta thì cứ dày mặt với người, thật là xấu xa. Thứ hối lộ ấy không thể nhận !

Địa phương hối lộ các quan thanh tra: Quan thanh tra đi đâu đều được ban cấp tiền bạc, được huấn thị “giữ lòng công, gác tình riêng”. Dầu thế, địa phương vẫn chuẩn bị tiền nong, vàng bạc, chờ xem thế nào sẽ biện lễ. Quà cáp nhiều, nói năng khéo, rồi bao nhiêu khiếm khuyết đều che đậy cho họ, rồi trên tờ trình đầy rẫy những lời tán dương, khen ngợi. Vâng mệnh lệnh vua, cầm tờ tiết đi kinh lược việc lớn, mà cứ thế thì khác nào từ trên cao đổ xuống, sẽ hại đến dân chúng trong thiên hạ. Triều đình còn trông cậy vào đâu? Thứ hối lộ ấy không thể nhận!

Thương nhân... hối lộ để xin giấu bớt thuế: Thuyền buôn sau khi đóng (hàng) xong rồi báo khám. Căn cứ chiều dọc ngang, rộng hẹp mà định ngạch thuế. Khi thuyền chở hàng ra cảng, theo hai hạng quý và thường, rồi căn cứ vào số cân mà đánh thuế. Song phép công cố định mà lòng người ham muốn không cùng. Con buôn thì lần đo khám nào cũng đem tiền bạc hối lộ cho quan để ẩn lậu cho đi. Nếu thấy họ lễ hậu mà giảm cho, để túi riêng ta căng đầy, còn thuế khóa của triều đình thì bị thất thoát, thứ gian tham ấy khác chi bọn thủ kho trực tiếp moi móc kho hàng. Thứ hối lộ ấy không thể nhận !

 Con buôn nước ngoài hối lộ để cầu thân. Con buôn mang lễ vật  biếu quan nào trà Ô Long, quạt lông trắng, bút rau chuột, lộc nhung, quế chi, the lụa Tô Châu, đồ sứ Giang Tây... Nhờ thế họ buôn bán hàng cấm, tung tiền ra để mua chuộc, xin thầu việc này việc khác, nhờ đòi nợ... mà trở nên giàu có. Họ mưu dùng ta làm bức tường chắn cho họ làm giàu... Thứ hối lộ ấy không thể nhận !

Mặc dù đã gần 150 năm đi qua, nhưng đến nay đọc lại  “Từ thụ yếu quy”, ta vẫn thấy tính thời sự nóng hổi của nó, trước nạn hối lộ tham nhũng đang trở thành “quốc nạn” hiện nay. Giá trị vượt thời gian của “Từ thụ yếu quy” không chỉ là tâm huyết của một trí thức đồng hành cùng vận mệnh đất nước mà còn là tấm gương soi cho các thế hệ sau bước vào chốn quan trường nhìn vào đó mà tu thân, tránh xa những cám dỗ của ma lực của đồng tiền hối lộ. Giá như đội ngũ cán bộ công chức của chúng ta hiện nay, những người thực thi công vụ của Nhà nước ai cũng có trong tay cuốn “Từ thụ yếu quy” để tu dưỡng đức thanh liêm và nhận biết những “thứ hối lộ không thể nhận” thì tốt biết bao…

 Ngô Minh Thuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.