Trung đoàn thép trên đất Tây Nguyên
Kỳ 3: Chiến thắng ở sân bay Thành Sơn
Mở thông “cánh cửa thép” đèo Phượng Hoàng, các chiến sĩ Trung đoàn 25 tiến thẳng xuống đồng bằng và tiếp tục tạo nên những chiến công oanh liệt, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...
Tình quân dân dọc đường 21
Sau trận đánh tại đèo Phượng Hoàng, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 25 tiếp tục hành quân dọc đường 21, tiến thẳng tới thị trấn Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa).
Trên đường hành quân, ở những ngã ba, ngã tư cắt ngang đường 21, các chiến sĩ thấy thấp thoáng bóng áo bà ba của các má, các chị ngồi trong những lùm cây ven đường nấu những nồi nước to; cạnh đó là những đội công tác bộ đội địa phương với những thùng lương khô. Tìm hiểu mới biết, cách đây vài ba ngày, trước khi rút chạy, địch đã rải chất độc xuống các nguồn nước. Biết bộ đội đang hành quân xuống đồng bằng, các má, các chị đã gùi nước nấu cho bộ đội uống và mang theo. Lương khô và nước uống còn để cấp cho những tù binh bị ta bắt. Chính sách đối với tù binh của bộ đội ta trong kháng chiến vẫn tràn đầy tinh thần nhân đạo như thế...
Sẩm tối ngày 30-3-1075, chiến sĩ Trung đoàn 25 đã đến thị trấn Ninh Hòa. Từng đơn vị vào đóng quân trong nhà dân. Buổi tối ấy thật ấm áp, trong từng nhà, cả gia đình quây quần nghe bộ đội kể chuyện đánh giặc. Các má, các chị thay nhau gánh cơm đến từng nhà phân phát cho bộ đội – những phần cơm mà các má, các chị đã nấu từ chiều để chờ các anh. Pháo của địch ở ngoài biển vẫn bắn vào, nhằm vào những chốt, căn cứ quân sự của chúng mà bắn phá; đến gần sáng chúng lại chuyển làn pháo bắn phá vào các trường học, trạm xá vì nghi ngờ bộ đội ta ở đó. Địch đâu ngờ rằng bộ đội đang được che chở trong chính nhà dân!
Tập kích sân bay Thành Sơn
Sẩm tối hôm sau, Trung đoàn 25 lên xe đò của dân hành quân thẳng hướng Phan Rang. Nửa đêm Trung đoàn tập kết tại rừng dừa Du Long, bộ phận trinh sát bám địch.
Sáng hôm sau, cả trung đoàn triển khai giấu quân, củng cố công sự dã chiến, lợi dụng địa hình địa vật chờ địch đến để đánh. Từ 3 giờ sáng, pháo địch ngoài biển cứ nhằm vào giữa rừng dừa ra sức bắn phá. Hình như chúng nghi ngờ và phát hiện được dấu vết hành quân của lực lượng ta. Máy bay địch từ phi trường Thành Sơn bay ra đánh bom vào khu rừng xanh; trực thăng bắn rốc-két 40 ly cả ngày. Theo lệnh, Trung đoàn chỉ được đánh cầm cự giam chân địch bằng súng bộ binh AK, B40, B41, giấu bí mật hỏa lực mạnh. Hai ngày chiến đấu ở rừng dừa Du Long, lực lượng trung đoàn cũng có một số thương vong. Đồng chí Chất, Tiểu đoàn phó tiểu đoàn 2 hy sinh anh dũng, một tổn thất lớn cho Trung đoàn.
Ngày 12-4-1975, Trung đoàn 25 quyết tâm vượt núi Bắc Ái, tiến quân ra phía sau sân bay Thành Sơn. Hai ngày hai đêm hành quân dưới trời nắng nóng, khô cằn của miền Trung, các chiến sĩ khiêng, mang, vác, gùi những khẩu pháo, cối 120 ly, nòng DKZ... tiếp cận, áp sát sân bay. Trung đoàn vừa củng cố công sự dã chiến, vừa trinh sát bám địch. Đóng quân trên một địa bàn thật trống trải, đất cát khô cằn, cả đêm chỉ đào được 50-70cm hầm, ban ngày phải nấp tạm sau những tảng đá, những khe suối cạn, gốc cây xanh, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn thật vất vả mới giữ được bí mật tuyệt đối. Địch ở trong sân bay không phát hiện được dấu vết nào của lực lượng ta.
Đêm 14-4-1975, cả 3 tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn bí mật cắt hàng rào, phá cửa mở đánh sân bay. Thành Sơn là một sân bay chiến lược, hiện đại, được địch bố trí các tuyến phòng thủ rất chắc, với 9 hàng rào, pháo sáng gài dày đặc. Sáng 15-4-1975, ba cửa mở của Trung đoàn không dứt điểm, bộ đội lại lùi về vị trí tập kết. Lúc này địch đã nghi ngờ cho máy bay L19 và những toán thám báo ra do thám và phát hiện ra đã có lực lượng của ta xâm nhập vào sau sân bay. Thế là pháo ra sức bắn phá, chúng dùng cả bom napan đánh vào bãi trống nơi ta ém quân; xe tăng, xe bọc thép M113 cũng bắn dữ dội. Được lệnh của mặt trận, Trung đoàn 25 bắt đầu nổ súng đánh trả quyết liệt. Địch huy động toàn bộ quân trong sân bay và dùng trực thăng đổ quân, với xe tăng yểm trợ, liên tục tấn công ta. Tiểu đoàn 1 bắn cháy hai xe tăng. Gần tối địch tăng cường pháo, bom phát quang đánh vào những khe suối cạn, lùng diệt những căn hầm dã chiến của Trung đoàn. Tiểu đoàn 2 từ phía đông bắc đánh thẳng vào giữa đội hình của địch, tiêu diệt hàng trăm tên địch khiến gần tối bọn chúng phải kéo nhau chạy về sân bay. Tiểu đoàn 3 vẫn án binh bất động, “bí mật, thật bí mật” theo lệnh của thủ trưởng Trung đoàn.
Đêm 15-4, từ sân bay địch dùng đèn pha cực mạnh chiếu ra khu bãi trống nơi buổi chiều chúng đã bị lực lượng Trung đoàn đánh tả tơi. Trực thăng địch bắn rốc-két, thả cối liên hồi. Dưới ánh đèn pha của địch, các chiến sĩ Trung đoàn 25 nhanh chóng cắt hàng rào, giá mìn, định hướng, chờ lệnh để phá hàng rào. Đúng 4 giờ 30 ngày 16-4-1975, những tiếng nổ long trời chuyển đất, đồng loạt 3 cửa mở, những tiếng hô “Xung phong” át cả tiếng động cơ máy bay của địch. Hỏa lực của Trung đoàn 25 nhằm vào sân bay, máy bay không cất cánh được, pháo của Trung đoàn bắn bị thương hàng chục máy bay trực thăng. Tiểu đoàn 1 từ phía tây bắc đánh thẳng vào khu chỉ huy sở, khu trung tâm thông tin; tiểu đoàn 2 đánh thẳng vào khu chỉ huy liên đoàn phòng ngự, khu phi công; tiểu đoàn 3 đánh vào khu hậu cần và khu bom. Toàn bộ hệ thống lô cốt phòng thủ của địch bị tiêu diệt, phá hủy. Chỉ trong vòng 30 phút, Trung đoàn đã làm chủ sân bay. Bị tấn công bất ngờ, địch không kịp trở tay, chúng đi xe cơ giới tẩu thoát ra Tháp Chàm. Không để địch trốn thoát, Sư đoàn 3 – Quân khu V đã bắt sống toàn bộ bọn chỉ huy sân bay. Ta chiếm lĩnh hai đài viễn thông của sân bay, toàn bộ địch ở sân bay ra hàng. Một bộ phận chiến sĩ Trung đoàn truy kích địch đến Ninh Chữ, kiểm soát toàn bộ Quốc lộ 1 khu vực ngoài thị xã Phan Rang, bảo vệ cho các đơn vị tăng, thiết giáp giấu quân an toàn.
Sau 2 tiếng đồng hồ, sân bay Thành Sơn im tiếng súng, ta thu giữ và bảo vệ an toàn toàn bộ phương tiện kỹ thuật, trang bị trong sân bay và hàng chục máy bay. Để rồi chiều 28-4-1975, phi công anh hùng Nguyễn Thành Trung và phi đội máy bay A37 đã dùng những máy bay ở đây đi đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Với chiến thắng tại sân bay Thành Sơn, Trung đoàn 25 đã được tặng thưởng Huân chương Quân công Quân giải phóng hạng II.
Sau ngày giải phóng miền Nam, đầu tháng 5-1975, Trung đoàn 25 được lệnh trở lại Dak Lak truy quét bọn tàn quân Fulrô. Từ tháng 5-1975 đến tháng 2-1976, Trung đoàn đã tiêu diệt, bắt sống hàng nghìn tên Fulrô. Với chiến công này, Trung đoàn 25 được tặng thưởng Huân chương Quân giải phóng hạng I.
Sau đó, vì nhiệm vụ cách mạng, Trung đoàn 25 giải tán. Tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 3 chuyển sang Tỉnh đội Dak Lak, tiểu đoàn 2 chuyển sang tổng trại 7 ở Gia Lai quản lý giáo dục tù binh.
Trần Việt Thành
Ý kiến bạn đọc