Gặp mặt kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Trường Sơn
Sáng 12-4, Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Dak Lak tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (19-5-1959-19-5-2014). Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí trang nghiêm, thân tình với sự tham dự của hơn 300 đại biểu đại diện cho các cựu chiến binh Trường Sơn, cựu quân nhân của Sư đoàn 470 hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Các cựu chiến binh biểu diễn văn nghệ mừng ngày gặp mặt. (Ảnh: Hoàng Gia) |
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại những năm tháng oanh liệt ở Trường Sơn gắn liền với sự ra đời của Đoàn 559 và sau này đã trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn. Tháng 1-1959 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp tại Hà Nội. Hội nghị xác định: nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam, phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc phong kiến, trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng. Chấp hành Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Tổng Quân ủy, thực hiện chủ trương chi viện lực lượng vật chất cho miền Nam, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự trên bộ, trên biển. Ngày 9-5-1959, Thường trực Quân ủy triệu tập ban cán sự chính thức giao nhiệm vụ cho đoàn mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong năm 1959 đoàn có nhiệm vụ soi đường, bảo đảm giao thông liên lạc từ miền Bắc vào miền Nam, vận chuyển gấp một số hàng quân sự theo yêu cầu của Liên khu 5, bảo đảm cho việc đưa 500 cán bộ hành quân vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực. Để hoàn thành nhiệm vụ, Tổng Quân ủy Bộ Quốc phòng quyết định biên chế bước đầu cho đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ. Ngoài đoàn bộ, Đoàn còn tổ chức tiểu đoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận xây dựng kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm. Chỉ trong một thời gian ngắn Đoàn 559 đã định hình về tổ chức, nhiệm vụ và phương thức hoạt động.
Một tiết mục biểu diễn của các cựu binh Sư đoàn 470 (Ảnh: Hoàng Gia) |
Ra đời tháng 5 -1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559. Từ một đơn vị vận tải giao liên, Đoàn 559 bước đầu hình thành một lực lượng bộ đội hợp thành gồm: vận tải, bộ binh, công binh, phòng không, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông, bảo đảm tuyến vận chuyển không ngừng phát triển từ đông Trường Sơn sang tây Trường Sơn, từ hậu phương lớn miền Bắc vào các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia, góp phần đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng lên thế tiến công đánh cho Mỹ cút - Ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đại tá – Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá (thứ 2 từ phải sang), ôn lại kỷ niệm cùng các chiến sĩ năm xưa. (Ảnh: Hoàng Gia) |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Đại tá – Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Dak Lak khẳng định: Với nhiều nhiệm vụ khác nhau: lái xe, sửa chữa, hậu cần, thông tin liên lạc, quân y, bộ binh…, các cựu chiến binh Trường Sơn năm xưa đã làm nên những kỳ tích, làm nên những chiến thắng từ con đường Trường Sơn huyền thoại, góp phần dệt thêu trang sử hào hùng cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc. Phát huy truyền thống của Bộ đội Trường Sơn, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều cán bộ, chiến sĩ lại tích cực lao động, sáng tạo ở Sư đoàn 470 và góp công, góp sức để Sư đoàn vinh dự được Đảng và Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc