Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7-5-1954 – 7-5-2014)

Chuyện những "chị gánh, anh thồ" trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

08:54, 25/04/2014

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hàng vạn người được huy động để tải lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ tiền tuyến.

Vượt qua đèo cao, suối sâu, quang gánh, xe thồ của các cô gái, chàng trai từ miền xuôi đến miền ngược đã vận chuyển kịp thời quân lương, quân giới cho bộ đội. Giờ đây, những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi năm nào đã trở thành ông già, bà lão song ký ức về những ngày tháng gian khổ mà hào hùng cách đây 60 năm không bao giờ phai mờ trong trí nhớ…

Nữ dân công chân đất

Năm nay đã 81 tuổi song trông bà Hoàng Thị Xừ (phường Tự An, TP.Buôn Ma Thuột) còn rất nhanh nhẹn, minh mẫn. Bà tỏ vẻ rất vui khi có người muốn nghe kể về chuyện Điện Biên Phủ: “Các cháu biết không, thời xưa gian khổ, khó khăn lắm nhưng khí thế thì sôi nổi, hừng hực…”.

Quê bà Xừ ở xã Hy Cương, tỉnh Phú Thọ - chỉ cách cổng vào Đền Hùng một quãng. Đi du kích từ năm 17 tuổi; đến năm 1953, cô gái 20 tuổi Hoàng Thị Xừ cùng người dân trong xã được huy động đi tải gạo cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bà Xừ kể: “Thời ấy, cả làng, cả xã được huy động tải lương, tải gạo chuẩn bị cho chiến dịch. Tôi đi hai đợt. Đợt đầu kéo dài 1 tháng, gánh gạo từ Phú Thọ lên Mai Châu (Hòa Bình). Mỗi người một quang gánh, hai cái sọt lót lá ở hai đầu gánh 30 kg gạo cùng với 3 kg gạo ăn, quần áo. Đường đi rất khó khăn, địch bắn phá ác liệt. Đợt ấy tôi nhớ nhất cái đêm đoàn dân công xã tôi cùng đoàn dân công xã Cao Thắng nghỉ lại tại một nhà sàn của bà con dân tộc trên đường. Đoàn xã Cao Thắng nghỉ trong nhà sàn, còn đoàn xã tôi nghỉ ở dưới gầm sàn. Bà con thường nhốt bò, nhốt lợn nên gầm sàn hôi hám, ngột ngạt; vì thế, đến gần sáng đoàn xã tôi rủ nhau ra nghỉ ở cánh rừng gần đó. Thế nào mà máy bay Pháp bỏ bom trúng cái nhà sàn ấy, đoàn dân công xã Cao Thắng ở trong nhà chết hết chẳng còn một ai…”.

Bà Hoàng Thị Xử và đồng đội đang kể lại chuyện chiến đấu.
Bà Hoàng Thị Xử và đồng đội đang kể lại chuyện chiến đấu.

Ác liệt, đau thương như vậy nhưng việc phục vụ cho chiến dịch không thể dừng lại, không làm sờn lòng những chàng trai, cô gái còn rất trẻ. Đợt tải lương thứ hai, bà Xừ cùng đoàn dân công gồm 60 người (trong đó chỉ có 12 nữ) gánh gạo từ Phú Thọ lên binh trạm ở Sơn La. Đường đi rất khó khăn, đèo cao, dốc ngược, suối sâu, trời mưa dầm liên tục. Bà Xừ nhớ lại: “Để bảo đảm bí mật, dân công cứ đêm đi, ngày nghỉ. Đường chỉ là một lối mòn, hai bên là rừng; đường cũng mới làm nên gốc cây còn lởm chởm trên mặt đất. Ấy thế mà chúng tôi đi chân đất (làm gì có dép mà đi, chân đi đất đến nỗi chai lại, thâm sì), khoác áo tơi bằng lá cọ che mưa, cứ 5 người được phát một bó đóm lập lòe soi đường đi. Xuất phát lúc 5 giờ chiều, đến 5 giờ sáng thì nghỉ lại dựng lán, nấu ăn rồi lót áo tơi làm chiếu nằm ngủ. Ai cũng được phát một chiếc lon đục lỗ để xâu quai làm nồi nấu ăn, thức ăn chả có gì, chỉ có muối và rau rừng hái được; cũng có lần gạo không đủ ăn, phải ăn bắp xay. Có lần về đến trạm, do gạo ở tuyến dưới chuyển lên không kịp nên gạo gánh đi cho trận địa không có đã đành mà gạo ăn cho dân công cũng hết, chúng tôi đã phải nhịn đói suốt 7 ngày đêm, phải cầm hơi bằng măng, quả vả rừng”. Mối nguy hiểm trên đường đi thì nhiều lắm, chả cứ gì bị địch bắn phá, thả bom, còn là nỗi sợ cọp beo hay những ngọn đèo như đèo Cón dốc đứng, đường hẹp với một bên là vực thẳm mà chỉ cần sảy chân là tan xương, nát thịt. Có lần đoàn dân công của bà phải ngủ ở một bãi bồi giữa suối, đẵn nứa trải lá chuối để ngủ. Nửa đêm nghe tiếng cọp gầm đến nỗi chẳng ai dám ngủ. Nhưng nỗi ám ảnh nhất đối với một cô gái 20 tuổi lại là … vắt. Mưa dầm liên tục, không khí ẩm ướt nên vắt nhiều vô số kể khiến các nữ dân công trong đoàn “sợ chết khiếp”. Đợt ấy đoàn dân công của bà Xứ gánh được 5 chuyến gạo. Gian khổ, vất vả đến nỗi sau đợt đi ấy bà Xừ bị một trận ốm nặng rụng hết tóc, anh rể của bà cũng là dân công bị sốt rét ác tính và chết vì không có thuốc chữa.

Sau hai đợt tải gạo ấy, bà Xừ về lại đội du kích, công tác trong Đoàn Thanh niên xã; cùng bà con vá áo, nấu nước cho bộ đội qua làng. Bà Xừ còn nhớ tin chiến thắng Điện Biên Phủ về làng, bà con vui mừng như hội, giết gà vịt đãi đoàn quân chiến thắng…Với cá nhân bà, niềm vui còn nhân lên gấp bội khi đúng vào năm 1954 bà vinh dự được kết nạp Đảng.

Ký ức mãi xanh của người dân công hỏa tuyến

Trong ký ức của người cựu chiến binh Ngô Văn Thủy (ở buôn Ky, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột), quãng thời gian tham gia dân công đi vận tải lương thực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ là những tháng ngày nhiều gian khổ, ác liệt nhưng cũng đầy hào hùng.

Mặc dù đã ở vào tuổi 82 (sinh năm 1932), sức khỏe kém, chân chậm, tai nghe không rõ nhưng khi nhắc đến Điện Biên Phủ thì ông dường như khỏe lên rất nhiều, như được sống lại thời tuổi trẻ nhiệt huyết, khí thế sục sôi của ngày ấy. Ông tham gia dân quân du kích ở địa phương (xã Yên Tiến, huyện Cát Đằng, tỉnh Hà Nam Ninh cũ) năm 16 tuổi. Khi ấy lực lượng ta còn mỏng, địch “đánh rát” nên phải rút lui; Xã đội cho phép ông đưa gia đình đi tản cư. Đến năm 20 tuổi, ông đi dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Tây Bắc (1952), rồi Chiến dịch Thượng Lào (1953) và tiếp đó là Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông kể lại như lời tâm sự: “Tôi tuổi cao cũng đã lẫn lắm rồi, có chuyện còn nhớ, cũng có chuyện đã quên; nhưng tôi vẫn nhớ rõ không khí sục sôi khi ấy. Thanh niên lứa tuổi tôi, không kể gái trai đều tham gia kháng chiến và những công tác phục vụ kháng chiến. Khi tham gia dân công, tôi có chiếc xe thồ, mỗi lần chở được khoảng 1,5 tạ gạo. Đấy là tôi chở được tầm trung bình thôi, có nhiều người đạt “kỷ lục” như chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng còn chở được hơn 3 tạ/chuyến. Để tăng khả năng chuyên chở cho xe đạp, chúng tôi buộc một thanh tre vào trục yên xe làm “cọc thồ” để giữ thăng bằng và làm điểm tựa để đẩy xe đi dễ dàng hơn. Ngoài ra còn hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ vào khung xe; lốp của xe cũng được quấn thêm vải từ quần áo cũ, hoặc quấn thêm săm cũ… nhằm tăng độ bền. Chúng tôi cứ ngày nghỉ, đêm đi, thắp đèn dầu (đèn chai) buộc vào “phốp” của ghi-đông xe đạp để soi rõ đường đi và tránh cho máy bay của địch ở phía trên không phát hiện được. Chúng tôi được tổ chức thành từng đội, từng đoàn, có “xưởng sửa chữa” lưu động với bộ đồ nghề, phụ tùng thay thế để sửa chữa kịp thời ngay trên đường đi, không để chậm trễ hành trình, bảo đảm không ai bị rớt lại phía sau. Đến những trạm dừng chân chúng tôi làm lán, chặt lá chuối làm mái che nghỉ tạm. Thức ăn của mỗi người trong các chuyến thồ chủ yếu là muối, rau rừng, thỉnh thoảng thì có thêm đường để ăn với cơm. Ròng rã một năm trời như vậy, trải qua bao đồi dốc, suối sâu, qua các cung đường với nhiều chuyến vận chuyển để tải gạo đến Mộc Châu, Sơn La… rồi lên đến Điện Biên Phủ. Có những đoạn đường dốc cao, một người không thể đẩy xe lên được thì người này dừng xe đẩy hộ người kia, giúp đỡ nhau cùng vượt dốc. Những khi trời mưa, người có thể bị ướt, chịu rét nhưng phải bảo đảm hàng hóa, lương thực không bị ướt, không bị hư hỏng. Dù khó khăn là vậy nhưng ai cũng nhiệt tình, quyết tâm phấn đấu chở được thật nhiều; để giảm mệt mỏi, mọi người trong đoàn lúc nào cũng trêu chọc nhau, cười đùa vui vẻ. Bên cạnh việc phải tránh máy bay, bom đạn của địch, chúng tôi còn đối mặt với nguy hiểm từ thú dữ khi đi qua những vùng rừng nhiều gianh, nứa rậm rạp; đã có một đồng chí trong đoàn chúng tôi bị beo vồ, tha mất người đi…”.

Một kỷ niệm trong Chiến dịch cũng làm ông nhớ mãi, đó là khi kết thúc thắng lợi, ông cùng với đông đảo các chiến sĩ, dân công được nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông báo về chiến thắng. Khi ấy ông đứng khá gần với Đại tướng, nghe rõ lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuyên bố: “Chúng ta đã chiến thắng hoàn toàn!”. Mọi người khi ấy ai cũng phấn khởi, vui mừng và rất xúc động, hò reo vang dội… Qua lời kể của người dân công hỏa tuyến già, những kỷ niệm cứ đan xen, ùa về. Bên cạnh những niềm vui, vất vả còn là những mất mát, hy sinh không thể nào quên được và đó cũng là những mảnh ghép ký ức mãi xanh trong tâm trí của ông.

Ba bức điện báo tin chiến thắng

Sinh năm 1928, năm nay ông Nguyễn Bá Lợi (phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) đã bước sang tuổi 86. Song đáng ngạc nhiên là ông vẫn nhớ tường tận từng chi tiết của quãng thời gian cách đây 60 năm khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ - dường như đó là những ký ức sâu sắc đến mức không thể phai mờ.

Khi Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra, chàng trai Nguyễn Bá Lợi mới tròn 17 tuổi. Cách mạng đã tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời cậu học sinh quê Thái Bình. Anh tham gia giành chính quyền, rồi trở thành giáo viên bình dân học vụ, gia nhập du kích ở xã. Năm 1948, Nguyễn Bá Lợi vinh dự trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến năm 1950, ông Lợi được cấp ủy cử đi học lớp tổng phản công, song thực chất chính là vào bộ đội. Rồi ông trở thành người lính vận tải thuộc binh trạm Việt Bắc, góp phần tải lương thực, vũ khí cho các chiến dịch Biên giới, Cao Bắc Lạng, Hòa Bình, Hà Nam Ninh và cuối cùng là Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1952, ông Nguyễn Bá Lợi là phân trạm phó trạm Đoan Hùng (thuộc binh trạm Việt Bắc) phụ trách vận chuyển quân nhu, quân trang, quân giới từ Phú Thọ sang Yên Bái. Ông Lợi nhớ lại: “Phân trạm có đến hàng nghìn dân công, đội xe vận tải gồm 30 chiếc. Chúng tôi vận chuyển lương thực, vũ khí, xăng dầu từ hậu phương đến binh trạm tiền phương ở Nghĩa Lộ, Yên Bái. Là phó phân trạm nhưng tôi phải làm rất nhiều việc, từ huy động dân công đến việc việc văn phòng, liên lạc điện đàm và cả... bốc vác. Không khí chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lúc nào cũng khẩn trương nhưng phải bảo đảm bí mật. Xe phải ngụy trang, giấu trong rừng; xăng thì phải chôn dưới đất; đời sống gian khổ, thiếu thốn, lại thường xuyên đối mặt với nguy hiểm do địch bắn phá ác liệt. Địch dùng máy bay B26 bắn phá, bỏ bom liên tục, toàn bom chùm nổ đỏ rực như hoa chuối; lại còn loại máy bay tàu càn bay rà rà dưới thấp để dò mục tiêu, phát hiện điều gì khả nghi là nghiêng cánh bỏ bom luôn. Nhưng sợ nhất là bom napal. Có lần tôi dính bom napal cháy áo, phải vội vàng lột áo vứt đi, chậm một chút là cháy hết cả da thịt. Tôi vẫn nhớ như in cái hôm ở cầu Khánh. Khi tôi đang kiểm tra bom nổ chậm thì bất ngờ máy bay địch bỏ bom chùm. Cả cái cầu bị văng xa hàng chục mét, tôi bị đất cát vùi lấp khiến đồng đội tìm mãi mới kéo ra được”. Khó khăn, ác liệt như vậy nhưng ông Lợi cùng phân trạm của mình luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ. Một lần quân Pháp tổ chức tấn công hòng chặn đứng đường vận tải lương thực, vũ khí của ta. Chúng điều 230 xe càn lên, đồng thời nhảy dù đúng vào khu vực phân trạm Đoan Hùng phụ trách. Lúc ấy phân trạm có 2 khẩu súng 105 ly và 100 phuy xăng chôn trong rừng; trong khi đó con đường sang Yên Bái đã bị sạt lở do giặc bắn phá ác liệt. Quyết không để địch lấy được vũ khí, xăng dầu, ông Lợi đã huy động dân công ngày đêm sửa đường, vận chuyển kịp thời số súng và xăng sang Yên Bái an toàn. Sau lần ấy, ông Lợi được Cục Vận tải tặng giấy khen là chiến sĩ thi đua.

Không trực tiếp chứng kiển giây phút giải phóng Điện Biên Phủ nhưng hình ảnh trong ngày chiến thắng ấy suốt cả cuộc đời ông Lợi không bao giờ quên. Vào ngày 7-5-1954, với vai trò phụ trách điện đàm ở phân trạm, ông nhận được một bức điện nội dung “Giải phóng Điện Biên Phủ”. Báo cáo cấp trên, ông nhận lệnh chưa được thông báo rộng rãi. Vài giờ sau, ông lại nhận được bức điện có nội dung “Giải phóng căn bản Điện Biên Phủ” nhưng cấp trên vẫn yêu cầu chưa thông báo gì. Bức điện thứ ba đến sau đó không lâu với nội dung “Giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ”. Tin tức loan đi, cả binh trạm hò reo phấn khởi. Hàng nghìn dân công leo lên cây, đứng trên xe reo hò, những cánh tay đưa lên vẫy vẫy nhìn như một rừng hoa...

Hồng Thủy – Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.