Multimedia Đọc Báo in

Những nữ tù yêu nước ngày ấy, bây giờ...

10:02, 30/04/2014

Chiến tranh đã lùi xa, những nữ tù yêu nước tại nhà đày Buôn Ma Thuột năm xưa giờ đã cao tuổi, sức khỏe suy giảm, song họ luôn tâm niệm phải sống sao cho xứng đáng với những ngày tháng oanh liệt đã qua. Trở về với đời thường, họ đã có nhiều việc làm thiết thực, thể hiện tinh thần tương thân tương ái đối với những cựu tù khó khăn - một truyền thống đẹp đã được hình thành và hun đúc từ những ngày trong lao tù.

Dấu ấn nơi nhà lao...

Mỗi lần có dịp gặp nhau, những nữ cựu tù yêu nước huyện Cư M’gar lại mừng mừng tủi tủi, trao nhau từng cái nắm tay siết chặt cùng những lời thăm hỏi, động viên nhau vượt qua bao khó khăn đời thường để thắp thêm ngọn lửa của tình đồng đội năm xưa từng vào sinh ra tử. Với chị Lê Thị Nga (khối 7, thị trấn Quảng Phú) mỗi khi hồi tưởng lại những ngày tháng gian khổ ấy, lòng chị lại dâng lên bao nỗi xúc động, nhất là khi lật giở chiếc khăn tay thêu hình cành hoa đỏ với dòng chữ “Nhớ mãi ngày qua” mà chị xem như một báu vật, cất giữ cẩn thận trong suốt những năm qua. Chị bồi hồi kể lại: Từ  năm 17 tuổi, chị đã là cơ sở bí mật của cách mạng tại khu H5 (một phần huyện Cư M’gar bây giờ), với nhiệm vụ chủ yếu là tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm và nắm tình hình địch để báo về khu. Năm 1971, chị bị địch bắt lần đầu và chuyển về nhà đày Buôn Ma Thuột để hỏi cung. Tiếp sau đó có đến 2 lần bị bắt với tổng cộng 25 tháng trong nhà lao đủ để chị biết thế nào là ngục tù đế quốc! Chúng nó tra hỏi, đàn áp rất dã man, ép chị em phải uống nước xà phòng rồi nằm ngửa xuống nền nhà để hai tên dậm lên hoặc dùng chân thốc mạnh vào bụng, mặt cho đến khi trào nước ra. Có hôm chúng còn dí điện vào tai, đầu các ngón tay, chân làm toàn thân đau ê ẩm. Cứ sau mỗi lần như thế, chị càng nung nấu thêm lòng căm thù giặc và nhủ lòng: “Phải cố vượt qua mà sống để trở về với đồng đội, gia đình… ”. Và cũng chính những ngày tháng trong tù ấy, chị càng thấm thía hơn tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn, từng chia cho nhau ngụm nước, miếng cơm… Những người bạn tù cũng đã dạy cho chị cách thêu, móc – chính là “cái cớ” để nữ tù ngồi lại với nhau, bí mật thảo luận phương cách đấu tranh với địch… Chiếc khăn tay mà bao nhiêu năm chị cất kỹ bên mình cũng là kỷ vật khó quên về những ngày bị tù đày như thế.

Cũng tại nhà đày Buôn Ma Thuột, chị Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1950, là y tá) đã hứng chịu không biết bao nhiêu đòn roi tra tấn của kẻ thù, càng đau đớn hơn khi lúc bấy giờ chị đang mang trong mình bào thai chưa đầy 4 tháng. Những trận đòn trong giờ hỏi cung khiến chị thấy tức ngực, khó thở, đau quằn quại ở vùng bụng, có lúc tưởng như đứa con trong bụng đã bỏ lại mình mà đi. Song, chị vẫn giữ khí tiết trung kiên của người cách mạng, quyết không để lộ những đồng chí cùng cơ sở của mình… Không hẹn mà gặp, chính trong hoàn cảnh trớ trêu ấy, chị Mai lại gặp người chị ruột của mình là Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1947) cũng đang hoạt động cách mạng bị bắt vào đây, khi phát hiện ra chị Thanh là đảng viên, địch càng tìm cách tra tấn dã man, sau 3 tháng không khai thác được gì, chúng lại chuyển chị về nhà tù Côn Đảo… Chị Lê Thị Phương (sinh năm 1957), là cơ sở nội tuyến của cách mạng, bị bắt giam tại nhà đày Buôn Ma Thuột khi chưa tròn 14 tuổi. Nhớ lại những trận đòn của kẻ thù, chị bùi ngùi: “Cứ đến 12 giờ đêm là bọn chúng lại đưa đi hỏi cung, đánh đập. Sợ nhất vẫn là việc hai bên tai bị kẹp điện cộng với những nhát thước to bản quất thẳng vào lồng ngực, vào mặt, đau đến ngộp thở”. Dù rất đau đớn, nhưng chứng kiến cảnh kiên trung và tinh thần bất khuất của đồng đội mình, chị cương quyết không khai ra cơ sở cách  mạng…

Chiếc khăn tay - kỷ vật của tháng ngày ngồi trong lao tù - được các chị cất giữ cẩn thận.
Chiếc khăn tay - kỷ vật của tháng ngày ngồi trong lao tù - được các chị cất giữ cẩn thận.

Và nghĩa tình hôm nay

Hiệp định Pari về Việt Nam (1973) được ký kết, tù binh được trao trả. Có những chị tiếp tục theo con đường đã chọn, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, có người phục viên, quay về địa phương phụng dưỡng cha mẹ già.  Rồi hòa bình lập lại, đã qua cái tuổi xuân thì có chị mới nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình. 34 tuổi, chị Lê Thị Nga mới lập gia đình, tận hưởng những niềm vui nho nhỏ bên chồng, con… Trở về cuộc sống đời thường, những nữ cựu tù chính trị năm xưa vẫn không ngừng giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng, sống mẫu mực, làm gương cho con, cháu noi theo. Hầu hết những chị em như chị Nga đều mang trong mình những vết thương đau đớn, thường xuyên phải chống chọi với những cơn đau hành hạ lúc trái gió trở trời, phổ biến vẫn là các bệnh phổi, đau tim, tức ngực, thần kinh - hậu quả của những trận đòn roi năm xưa để lại. Song, điều đáng trân trọng là các chị không quên nghĩa tình đồng đội, luôn quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, khi có người ốm đau hay gặp khó khăn, lập tức chị em đến thăm nom, chia sẻ từng khoản tiền dành dụm ít ỏi, động viên nhau vượt qua hoàn cảnh… Và, một trong những việc làm ý nghĩa nhất là vận động xây nhà tình nghĩa tặng các chị có hoàn cảnh khó khăn. Do ảnh hưởng của đòn roi tra tấn trong nhà tù địch, chị Nguyễn Thị Thanh luôn đau ốm, phải mất nhiều năm để chữa trị bệnh tật, chồng mất sớm nên cuộc sống của chị gặp không ít khó khăn.

Cuối năm 2011, những đồng đội năm xưa đã vận động xây tặng chị một căn nhà tình nghĩa khiến chị rất xúc động, bởi căn nhà không chỉ giúp cho chị có chỗ ở ổn định, khỏi phải lo chạy dột vào mỗi mùa mưa, mà còn thể hiện nghĩa tình đồng đội, là niềm an ủi lớn đối với chị khi tuổi cao sức yếu. Theo bà Đỗ Thị Hồng, Chủ tịch Hội tù yêu nước huyện Cư M’gar, hiện tại, hội có trên 100 hội viên, trong đó có 65 hội viên nữ, phần lớn sức khỏe bị suy yếu do những trận đòn roi, tra tấn trong nhà tù địch. Trở về cuộc sống đời thường, nhiều chị em gặp không ít khó khăn, chật vật. Do đó, việc thăm nom, giúp đỡ lẫn nhau luôn được hội chú trọng. Từ năm 2009 đến nay, hội đã vận động xây mới, sửa chữa 4 căn nhà tình nghĩa, trị giá trên 200 triệu đồng tặng các nữ cựu tù yêu nước đang gặp khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, hội còn tổ chức nhiều hoạt động về nguồn có ý nghĩa như cho các cựu tù đi thăm lại nhà tù Phú Quốc, viếng cảnh đẹp Nha Trang và các tỉnh phía Bắc.

Giờ đây, dẫu mỗi người phải bộn bề lo toan cho cuộc sống thường nhật, nhưng họ không quên dành cho nhau những lời động viên thăm hỏi thường xuyên quan tâm giúp đỡ nhau, nhất là với những chị đang phải chống chọi với cơn đau dữ dội, trận co giật lúc trái gió trở trời…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.