Multimedia Đọc Báo in

Sự kiện 30-4 của Việt Nam mở ra trang sử mới cho thế giới

15:46, 28/04/2014

Đó là nhận xét của ông Alain Rusco, sử học gia người Pháp kiêm chuyên gia nghiên cứu về Đông Dương đưa ra ngay sau khi Việt Nam kết thúc cuộc chiến tranh dài 3 thập kỷ với chiến thắng 30-4-1975 lừng lẫy.

Nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng tôi xin tổng hợp, giới thiệu cùng bạn đọc những đánh giá dư luận thế giới xung quanh sự kiện này. Đặc biệt là những người trực tiếp, gián tiếp ủng hộ cuộc đấu tranh trường kỳ và vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Báo chí Nhật với sự kiện 30-4

Mặc dù chiến tranh Việt Nam trôi đi đã gần 4 thập kỷ, nhưng "dư chấn" về cuộc chiến tranh này vẫn được báo chí của Nhật nhắc đến với sự khâm phục, kính nể. Mở đầu, tờ Asahi Shimbun số ra ngày 1-5-1975 đã có một bài xã luận nóng tính thời sự  “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng, điều đó có thể khẳng định, thời mà các nước lớn dùng sức mạnh để bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt ”.

Dinh Độc Lập chiều 30-4-1975.
Dinh Độc Lập chiều 30-4-1975.

Tờ Nikkei, ấn phẩm chuyên đề kinh tế lớn nhất Nhật Bản số ra 28-4-2005 đăng lại hình ảnh chiếc xe tăng đầu tiên của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, kèm theo bình luận "Việt Nam sau 30 năm chiến tranh”. Bài báo nhấn mạnh: "Cuộc chiến tranh Việt Nam đã để lại dấu ấn sâu đậm và đầy ấn tượng trong tâm thức người Mỹ. Tạo ra hiệu ứng dây chuyền domino trong toàn khu vực Đông Dương. Và ngày nay, sau 30 năm chiến tranh kết thúc, dư âm chống Mỹ tại Irắc vẫn còn âm ỉ, khiến người ta liên tưởng đến một “Việt Nam thứ hai” ở Trung Đông”. Bài báo nhấn mạnh: "Ngày nay Việt Nam đang tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu rất đáng tự hào, Việt Nam đã khép lại quá khứ, thiết lập quan hệ bình thường với Mỹ vào năm 1995. Năm 2000, Tổng thống B.Clinton sang thăm Việt Nam và sau đó Thủ tướng Phan Văn Khải của Việt Nam thăm Mỹ. Điều này sẽ mở ra một hướng đi mới trong quan hệ song phương tốt đẹp vì lợi ích của cả hai bên. Sau 30-4-1975, rất nhiều người Việt Nam do hoang mang, rời bỏ Tổ quốc, nhưng nay nhiều người đã yên tâm hồi hương, tình nguyện đem sức lực, trí tuệ đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước. Bằng chứng, Việt Nam hiện đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Mỹ và Nhật Bản… Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đáng khâm phục, đặc biệt thành phố Hồ Chí Minh, chiến trường xưa, nay lại có tỷ lệ tăng trưởng rất cao và ổn định nhất Việt Nam, tiền đề giúp Việt Nam nhanh chóng vượt ra khỏi danh sách các nước  chậm phát triển ".

Khác với Nikkei, tờ Asahi số ra 29-4-2005 lại có bài viết "Việt Nam: vinh quang và thiện ý", tái hiện lại chiến tranh qua lời kể của các nhân chứng, những người đã trực tiếp tham gia trong cuộc chiến ở cả hai chiến tuyến. Ví dụ, một đoạn văn cảm động nói về sự nhân đạo của một nữ du kích Việt Nam: “Tháng 4-1966, tại khu vực Củ Chi, nữ du kích mới 18 tuổi, đã phát hiện một nhóm lính Mỹ lọt vào bãi mìn của Quân giải phóng. Nữ du kích này tận mắt chứng kiến cảnh lính Mỹ ngồi ngay trên bãi mìn đọc thư nhà, xem ảnh người thân và khóc, chị đã không nỡ nhấn nút phát hỏa. Toán lính Mỹ thoát chết mà không hề hay biết thiếu nữ du kích này đã không nỡ giết họ".

Báo chí Lào với sự kiện 30-4

Ngày 29-4-2010, nhân Kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam, tờ Pasason, tiếng nói của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã có bài viết tựa đề “Truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam”, ca ngợi sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và tinh thần chiến đấu ngoan cường, anh dũng của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến, tạo ra Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy  tháng 5-1954 và Đại thắng mùa Xuân 1975. Theo bài viết, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã trở thành giây phút lịch sử của cuộc đấu tranh anh dũng của quân đội và nhân dân Việt Nam. Chiến thắng mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và thống nhất. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 khẳng định thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đang thực hiện thành công công cuộc đổi mới, từng bước tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Báo chí Mỹ

Phải nói ngay rằng, chiến tranh Việt Nam tốn nhiều tâm trí, sức lực, tiền của và thời gian của người Mỹ. Riêng về những năm cuối của cuộc chiến tranh, báo chí Mỹ đã có rất nhiều bài viết về cuộc chiến hao người tốn của này.

Hãng UPI, ngày 30-4-1975 viết: “Quân đội phía chiến thắng cưỡi xe tăng vào Dinh Tổng thống với nét mặt phấn khởi như vào chỗ không người, thậm chí còn xưng hô “các đồng chí” với những người đang đứng hai bên đường cũng như đối với các nhà báo. Họ thật sự không để ý sự có mặt của các nhà báo đang tác nghiệp, đang ghi lại những khoảnh khắc hiếm hoi của lịch sử, sự đầu hàng lịch sử của chính quyền Sài Gòn trước những người cộng sản. Ba lá cờ trắng được kéo lên Sở Chỉ huy Cảnh sát, một lúc sau khi ông Minh nói trên đài. Nhiều cờ trắng cũng đã treo lên ở ngoại ô phía bắc Sài Gòn. Dân chúng đi lại bình thường trên các đường phố. Cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và cờ của miền Bắc xuất hiện trên các tòa nhà, còn người dân tươi cười vây quanh những người chiến thắng như thể đang chào đón người thân ở xa mới về ”.

Với tựa đề “Saigon Falls” (Sài Gòn sụp đổ) tờ Thời báo New York, ngày 1-5-1975 đã chạy tít lớn suốt 8 cột trang nhất kèm theo hàng loạt tin, ảnh về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn và chiến thắng của các lực lượng cách mạng. Theo bài viết, ngày 30-4-1975 là ngày thất thủ của Sài Gòn, thủ đô của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Cũng trong số ra ngày 1-5-1975, hãng tin AP đã đăng một bài viết trên tờ New York Times, bài viết có đoạn "Xe tăng, xe bọc thép và xe tải ngụy trang của Quân giải phóng tiến nhanh vào Dinh Tổng thống. Cũng trong thời gian này Tướng trung lập Dương Văn Minh đã lên đài phát thanh và truyền hình công bố lệnh đầu hàng. Tướng Minh kêu gọi quân đội Sài Gòn hạ vũ khí và đầu hàng, chấm dứt chiến tranh. Sự sụp đổ của Sài Gòn xảy ra sau hơn hai năm khi Mỹ và đồng minh rút khỏi miền Nam Việt Nam, thông qua Hiệp định Paris. Thỏa thuận tạo ra một lệnh ngừng bắn giữa hai miền Nam-Bắc".

Bên cạnh những tờ báo lớn, hầu hết các chương trình thuộc 3 hệ thống vô tuyến truyền hình Mỹ tối 1-5-1975 đều dành cho những đoạn phim về cuộc di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn ngày 29-4-1975 và các tin về giây phút cuối cùng của  chế độ được gọi là Việt Nam Cộng hòa, cùng với việc ra đời một chế độ mới tại miền Nam Việt Nam.

Phản đối chiến tranh Việt Nam diễn ra tại Washington ngày 21-10-1967. (Ảnh của AP giới thiệu tại Triển lãm
Phản đối chiến tranh Việt Nam diễn ra tại Washington ngày 21-10-1967. (Ảnh của AP giới thiệu tại Triển lãm "Vietnam, 35 years later").

Hãng tin Anh Reuters

Một nhà báo của hãng tin Reuters có mặt tại Sài Gòn ngày 30-4-1975 viết: “Là phóng viên có mặt tại Phủ Tổng thống, tôi đã chứng kiến chiếc xe tăng đi đầu của Quân giải phóng húc đổ cột bằng thép vững chắc và cán cờ ngụy rơi xuống đất, rồi vượt qua. Gần 10 xe tăng khác nhanh chóng tiến vào theo. Bộ đội Chính phủ Cách mạng tỏa ra khắp khu vực Phủ Tổng thống. Lính gác Nam Việt Nam (tức quân ngụy) lập tức giơ tay xin hàng và tập hợp thành hàng ngũ chờ lệnh mới. Cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời tung bay trong không khí chiến thắng ở lan can tầng hai.

Nhà sử học người Pháp, Alain Rusco

Ông Alain Rusco, nhà sử học người Pháp, kiêm chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Đông Dương, người có nhiều bài viết sâu sắc lịch sử Việt Nam, trong đó có sự kiện Điện Biên Phủ và Chiến thắng 30-4-1975. Theo ông Alain Rusco, sự kiện 30-4 đã "gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù, đồng thời cho thấy sự đấu tranh kiên cường, dũng cảm của nhân dân Việt Nam để giành độc lập, tự do, mở ra một trang mới cho lịch sử châu Á và thế giới. Sự kiện  30-4-1975 có ý nghĩa trọng đại không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn cả với cộng đồng thế giới. Việt Nam đã nêu một tấm gương sáng về tranh đấu cho độc lập cho các dân tộc đang bị áp bức trên toàn thế giới. Để có được chiến thắng này hàng triệu người dân Việt Nam đã ngã xuống trong hơn ba thập kỷ đầy cam go, quyết liệt. Gần như gia đình người Việt Nam nào cũng có đóng góp và mất mát, cho cuộc kháng chiến vệ  quốc vĩ đại này.”.

Ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 1-5-1975 hãng tin Pháp AFP viết “Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30-4 của Việt Nam. Một “dư chấn” rung động địa cầu, sự ra đời của một cường quốc mới, nước Việt Nam thống nhất. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự kiện trên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực và thế giới trong tương lai gần”. Năm 2010, nhân kỷ niệm 35 sự kiện 30-4, AFP cùng với hãng tin AP của Mỹ và nhiều hãng tin khác tham gia một cuộc triển lãm ảnh mang tên “Vietnam, 35 years later” (Việt Nam 35 năm sau), giới thiệu hàng trăm ấn phẩm ảnh đặc sắc liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Theo AFP, đây là những khoảnh khắc trung thực của chiến tranh, hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại hãy làm hết sức mình để không xảy ra một cuộc chiến tương tự, cho dù là bên thắng cuộc.

K.N (Tổng hợp BCNN, BCTN)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.