08:13, 28/04/2014
Đã 39 năm trôi qua, nhưng không khí náo nức của những ngày non sông thu về một mối, Bắc Nam liền một dải vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của nhiều người.
"Một thời khắc trọng đại, một buổi sáng trọng đại trong một ngày trọng đại của không chỉ riêng tôi mà là của lịch sử dân tộc" - ông Y Toang Niê Kdăm (buôn Cuôr Kăp, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) bắt đầu câu chuyện khi tôi hỏi về ký ức của ông về ngày 30-4-1975. Ông kể, lúc ấy ông là giáo viên một trường sơ cấp của chính quyền Sài Gòn tại thị xã Buôn Ma Thuột, gia đình ông đang ở buôn Păn Lăm. Trưa ngày 30-4, ông cùng bà con trong buôn đang dựng lại những căn nhà bị chiến tranh tàn phá thì nghe tin đất nước giải phóng thông qua một chiếc radio nhỏ của một anh bộ đội trong Ban quân quản đang cùng lao động với bà con. Đến hôm nay ông Y Toang vẫn nhớ như in lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh trên Đài Phát thanh lúc đó:
"Tôi: Đại tướng Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi quân lực cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền Nam - Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao chính quyền từ trung ương đến địa phương lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam - Việt Nam". “Dương Văn Minh đầu hàng rồi, chiếm được Dinh Độc Lập rồi!” là câu nói của những người trong buôn khi gặp nhau. Thông tin ấy nhanh chóng lan truyền khắp nơi, ai cũng vui mừng vì đất nước không còn chiến tranh nữa. Ông bảo: “Sướng lắm. Mỹ thua rồi, ngụy thua rồi thì mình có còn phải đánh với ai nữa đâu, nên chắc chắn buôn làng sẽ được sống trong cảnh yên bình, không phải chạy bom chạy đạn nữa”. “Không vui sao được khi chỉ trước đó ít ngày, trong cơn “hấp hối” chính quyền Sài Gòn đã điên cuồng tổ chức tái chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Chúng đã thả hàng tấn bom đạn xuống thị xã, riêng buôn Păn Lăm đã phải hứng chịu 16 quả bom, chưa kể đạn roket bắn loạn xạ, khiến cả buôn không còn mái nhà nào còn nguyên vẹn”, ông Y Toang chia sẻ.
|
Những ngày tháng Tư lịch sử sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí ông Y Toang Niê Kdăm. |
Còn với ông Đặng Cao Long, hiện sống tại thị trấn Dak Mil (huyện Dak Mil, tỉnh Dak Nông) lúc ấy đang là thông dịch viên tiếng Anh cho chính quyền cũ tại Buôn Ma Thuột. Khi thị xã Buôn Ma Thuột được giải phóng, ông đã không di tản mà ở lại cùng gia đình tại phường Tân An (thị xã Buôn Ma Thuột). Là một thông dịch viên nên ông hiểu khá rõ bản chất chế độ của chính quyền Sài Gòn. Ông cho rằng, việc thất thủ của chính quyền Sài Gòn cũng chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Thế nhưng sự kiện ấy đã diễn ra quá nhanh so với những nhận định của ông. Ông Long nhớ lại, ngày ấy việc tiếp cận thông tin rất khó khăn. Mọi thông tin chủ yếu thông qua đài radio, thông báo của Ban quân quản hoặc truyền tai nhau. Trưa 30-4, khi đang làm việc với Ban quân quản, ông được tin quân giải phóng đã làm chủ Sài Gòn, đất nước đã hoàn toàn giải phóng. Mọi người trong phòng ôm lấy nhau, vỡ òa niềm vui sướng. Riêng ông đã xúc động đến trào nước mắt. Ông bảo: “Lúc ấy vui lắm, mọi người đều nói thế là đất nước đã hết chiến tranh, dân mình không còn chịu cảnh đạn bom nữa…”.
Sau khi đất nước được giải phóng, cả ông Y Toang và ông Đặng Cao Long đã cùng đồng bào hồ hởi bắt tay ngay vào việc tái thiết, xây dựng lại quê hương, đều trở thành những thầy giáo uy tín, được học sinh tin yêu, được xã hội nể trọng. Với họ, đó như là cách để trân trọng những gì mà cuộc sống hòa bình mang lại.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc