Multimedia Đọc Báo in

Một thời tuổi xuân nơi trận mạc…

08:43, 01/05/2014
Khó có thể kể hết những hy sinh, gian khổ của lực lượng thanh niên xung phong trực tiếp tham gia mở đường Trường Sơn, giữ vững mạch máu giao thông, bảo đảm chi viện cho miền Nam. Cả tuổi xuân gửi lại nơi chiến trường ác liệt, giờ với họ là những kỷ niệm không thể nào quên... 

Ký ức đường Trường Sơn

Tình nguyện tham gia thanh niên xung phong từ lúc mới hơn 16 tuổi, chị Phạm Thị Lan, hiện ở thôn Thác Đá, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar đã gửi cả tuổi xuân nơi chiến trường xưa. Với chị, đây là những tháng ngày sống có ý nghĩa nhất, chị cũng tự hào vì đã góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Năm 1973, người thiếu nữ ấy đã cùng đồng đội qua ròng rã nhiều ngày đi bộ băng rừng lội suối, từ quê hương Thái Bình mới đến được chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị để nhận nhiệm vụ sửa đường, lấp hố bom, bảo đảm giao thông qua “chảo lửa” khốc liệt này. “Chiến trường ngày đó mù mịt khói lửa, nhưng sức trẻ căng tràn, trong mưa bom bão đạn chỉ biết thông đường, chống lầy, giữ vững mạch máu giao thông. Địch đánh ban ngày thì anh chị em tranh thủ làm đêm, vận chuyển hàng ngàn mét khối đất, đá dăm vá đắp nền đường, san lấp hố bom. Có những đoạn làm xong, đơn vị vừa được lệnh chuyển đến nơi khác thì bị địch đánh phá, thế là phải làm lại từ đầu. Ngày nào ốm nghỉ, không được lên mặt đường là thấy buồn không gì bằng”- chị Lan tâm sự. Một thời xuân sắc, chị cùng đồng đội sửa được hàng ngàn ki-lô-mét đường, bảo đảm thông đường, thông tuyến cho những chuyến xe chở hàng bon bon thẳng tiến vào Nam…

Chị Phạm Thị Lan (trái) đang trao đổi, trò chuyện  với đồng đội năm xưa.
Chị Phạm Thị Lan (trái) đang trao đổi, trò chuyện với đồng đội năm xưa.

Đến giờ ngồi nhớ lại, bà Trần Thị Loan, sinh năm 1950, cựu thanh niên xung phong (hiện ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) cũng chẳng lý giải được vì sao với sức vóc mảnh mai, chỉ nặng có 39 kg mà vẫn có thể đầu trần chân đất, băng qua đồng bung, vượt suối đào đất, tải đá về đắp, vá đường để những chuyến xe tải hàng, vũ khí, đạn dược kịp chi viện cho chiến trường miền Nam… Năm 1972, cô gái Trần Thị Loan lúc đó mới ngoài 20 tuổi đã xung phong rời quê hương Thái Bình lên đường vào nhận nhiệm vụ tại đơn vị 71P bc 16. Ngày đó, đơn vị có 173 người, phần lớn là những cô gái tuổi trăng tròn, hồn nhiên và yêu đời, ai cũng mong muốn cống hiến sức trẻ để chờ được thấy ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Đơn vị của chị Loan được phân công mở con đường 20, đoạn qua Hà Tĩnh, vòng vèo theo địa hình sườn núi, mọi người mau chóng nhận dụng cụ cuốc, xẻng, xe đẩy bắt tay vào việc, chuyển đất đá từ trên mép núi xuống để làm đường rất vất vả. Bà Loan bồi hồi nhớ lại, lúc đó, bà được phân công cầm xà ben đào, đục những khối đất, đá lớn ở mép núi để cho đồng đội chuyển đi san lấp mặt đường. Công việc của bà khá nặng nhọc, cần nhiều sức lực, vì thế, đôi tay bà luôn bị phồng rộp, đau rát. Thời gian trôi qua khá lâu, nhưng điều theo bà mãi đến tận bây giờ là kỷ niệm về những tháng ngày sát cánh cùng anh em, đồng đội trong lúc giữa cái chết và sự sống chỉ là ranh giới mong manh! “Có những hôm, tối đến, nhìn những bàn tay sưng tấy, đỏ phồng lên của mấy chị em, mọi người lại ôm nhau khóc, và chuyền tay nhau nắm cơm nóng để nắm cho tay đỡ đau rát… Nghiệt ngã nhất là cảnh phải đối mặt với những cơn gió Lào như hơi lửa táp vào mặt, nóng bức nhưng chị em vẫn tay cuốc, tay xẻng bám đường giữa mưa bom bão đạn. Ngày thì thông đường mặc máy bay địch gầm rú trên đầu, đêm đến thì ca hát để “tiếng hát át tiếng bom” và xua đi nỗi gian khổ, hiểm nguy của từng ngày…”- bà Loan nhớ lại.

Nhớ về quá khứ để sống tốt hơn

Trải qua bao nhiêu đạn bom, khói lửa chiến tranh, vẫn là người may mắn trở về với quê hương, được gặp lại gia đình, người thân với bao nỗi vui mừng khôn xiết, nhưng bước chân không mỏi, khi hòa bình lặp lại, bà Trần Thị Loan lại khăn gói lên vùng Tây Nguyên để góp sức dựng xây quê hương mới. Rồi bà xây dựng gia đình và hăng hái với công việc đoàn thể ở địa phương, chăm chỉ làm việc nghĩa, việc thiện. Giờ, mái tóc đã điểm bạc, nhiều nếp nhăn đã hằn trên khuôn mặt, nhưng cứ mỗi lần nhắc lại thời thanh niên xung phong năm xưa, mắt bà như vụt sáng… “Thời đẹp nhất của bà có lẽ là thời thanh niên xung phong”- bà khẳng định như vậy. Đất nước hòa bình, cùng viết tiếp tương lai, người cựu thanh niên xung phong ấy lại say mê làm việc thiện, giúp những hoàn cảnh khó khăn bớt đi phần nào vất vả. Trong xóm làng, hễ ai gặp hoạn nạn, ốm đau, bà luôn dành thời gian đến thăm hỏi, cùng với người dân trong thôn góp chút tiền dành dụm được để chia sẻ động viên họ vươn lên trong cuộc sống. Có lần, bà gặp đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi bị lạc mẹ, nằm vật vờ bên lề đường khóc mếu máo vì sợ hãi và đói lả, chẳng kịp nghĩ ngợi, bà mang vào nhà, lấy quần áo của cháu mình mặc cho cậu bé và cưu mang, chăm sóc như con đẻ của mình, sau đó bà cố công tìm người thân cho cháu. Suốt mấy tháng ròng, bà nỗ lực đi tìm, bắt liên lạc với người thân của cháu, cuối cùng cháu cũng được về đoàn tụ với bố mẹ. Những trường hợp trẻ đi lạc được bà Loan dang rộng vòng tay cưu mang và tìm ra người thân như thế không phải là hiếm…

Với bà Trần Thị Loan, những kỷ niệm thời thanh niên xung phong luôn theo suốt trong  ký ức của bà.
Với bà Trần Thị Loan, những kỷ niệm thời thanh niên xung phong luôn theo suốt trong ký ức của bà.

Khói lửa chiến tranh đã lùi xa, tuy may mắn sống sót trở về đoàn tụ với gia đình, nhưng tuổi xuân đã đi qua, một thời xông pha nơi trận mạc đánh cắp luôn của chị Phạm Thị Lan khả năng làm mẹ, chuyện riêng tư đành bỏ ngỏ… Chị nhớ lại, có lẽ mấy cái bọc ni lông đựng thứ bột trăng trắng ngày ấy mà đâu đâu cũng có thể bắt gặp là chất độc do địch rải xuống vùng rừng của ta, mỗi khi cùng đồng đội đi cắt cỏ tranh về lợp lán trại, mấy cô gái hồn nhiên đâu đã biết gì về thứ chất độc chết người ấy, còn tò mò khều tay ra xem…, ai ngờ, có thể chính nó là thủ phạm lấy đi cái hạnh phúc được làm mẹ của chị. Giờ, chị Lan vẫn sống một mình, và hăng hái tham gia các hoạt động đoàn thể của địa phương. Trong công tác của Hội Cựu chiến binh, chị luôn tận tình giúp đỡ những đồng đội khó khăn hơn mình, khi thì vài ba chục ngàn ít ỏi dành dụm được, lúc thì chia sẻ cây, con giống và kinh nghiệm làm ăn để hỗ trợ đồng đội phát triển kinh tế gia đình. Trong xóm làng, hễ ai có việc gì khó khăn cũng đến nhờ chị hướng dẫn, giúp đỡ và chị không nề hà bất cứ việc gì, dù là việc lớn hay việc nhỏ chị cũng đều vui vẻ giúp đỡ, chính vì thế mà bà con trong thôn càng tin yêu, quý mến chị hơn. Còn cuộc sống của riêng chị, lâu lâu cơn sốt rét rừng lại tái phát hành hạ, nhưng chị vẫn lạc quan: “Chiến tranh tàn khốc là thế mà mình vẫn sống, vẫn vui cười cất cao tiếng hát, mấy cơn đau thoảng qua như thế này, có nhằm nhò gì đâu”- chị cười thật hiền. 

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.