Multimedia Đọc Báo in

Người nữ tử tù cộng sản khiến kẻ thù khiếp đảm

16:16, 26/08/2014
Năm 1947 khi mới 14 tuổi, chị Võ Thị Sáu gia nhập đội Công an xung phong quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với mong muốn trừng trị bọn ác ôn để trả thù cho đồng bào quê hương. Từ đó, chị đã trở thành người chiến sĩ trinh sát, phá tề, trừ gian với nhiều chiến công nổi tiếng, trong đó có vụ dùng lựu đạn giết một tên quan Ba Pháp.
Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu (1933-1952).
Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu (1933-1952).

Tháng 2-1950, chị không may bị sa vào tay địch. Chúng dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng không khai thác được gì. Tháng 4-1951, địch đưa chị ra Tòa án binh. Địch khép chị phạm tội can dự vào các vụ “giết hại các nhà chức trách ở Đất Đỏ”. Tên đại tá quan tòa Pháp hỏi chị có nhận tội như cáo trạng không, chị không trả lời mà hỏi lại: “Là quan tòa, ông có thể kết tội những người Pháp Đờ Gôn chống phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp không?”. Tên quan tòa đứng dậy lắc chuông: “Bị cáo chỉ có thể trả lời có hoặc không”. Chị Sáu nói: “Tôi không có tội. Yêu đất nước mình, chống thực dân xâm lược không phải là tội”. Quan tòa lại rung chuông ngắt lời chị, luận tội Võ Thị Sáu can tội “giết người, phá rối trị an, có hành vi chống lại nền bảo hộ của nước Pháp” và tuyên án “tử hình, tịch thu toàn bộ gia sản”. Chị đã thét vào mặt y: “Tao còn mấy thùng rác ở Khám Chí Hòa, tụi bây vô mà tịch thu!”. Tiếp đó chị hô to: “Đả đảo thực dân Pháp!”, “Kháng chiến nhất định thắng lợi!”. Thực dân Pháp muốn giết chết ngay người con gái đáng sợ này, nhưng không dám thực hiện bản án tử hình đối với người chưa đến tuổi thành niên. Bản án tử hình chị Sáu đã gây xôn xao dư luận đương thời, nhiều ý kiến phản đối lên Quốc hội Pháp. Đã có những tranh luận nảy lửa, cho rằng hành hình phụ nữ là trái với luật pháp nước Pháp và truyền thống văn minh Pháp. Có người lại sợ rằng, việc hành hình sẽ dẫn đến những hậu quả xấu là Việt Minh sẽ trả thù, bắn tù binh Pháp… Tuy nhiên cuối cùng thủ tướng Pháp nói: “Để thắng trong cuộc chiến tranh này, nước Pháp không từ một thủ đoạn nào”- một điều thật mỉa mai thay cho một đất nước từng có nền dân chủ, văn minh và luật pháp tiến bộ và mang danh “tự do, bác ái, nhân quyền” đi bảo hộ cho các nước thuộc địa!

Ngày 21-1-1952, tức chỉ còn 5 ngày nữa là đến Tết nguyên đán Nhâm Thìn, kẻ địch lén lút đưa chị Võ Thị Sáu lên tàu ra Côn Đảo - “địa ngục trần gian” để thi hành bản án. Ngay buổi sáng 22-1, Ban Chấp hành Liên đoàn tù nhân kháng chiến Côn Đảo đã phổ biến chỉ thị của Liên đoàn về hình thức phản đối cuộc hành hình Võ Thị Sáu với nhiều hình thức mạnh mẽ và đồng loạt, bởi Võ Thị Sáu là nữ tù nhân đầu tiên bị đưa ra hành hình ở Côn Đảo, là thiếu nữ bị bắt và bị kết án tử lúc còn tuổi vị thành niên. Suốt đêm 22-1, trong khi bị giam tại xà lim Sở Cò Côn Đảo, chị Sáu đã gửi lòng mình với đất nước và nhân dân bằng những bài ca cách mạng: “Lên đàng”, “Tiến quân ca”, “Cùng nhau đi hùng binh”, “Tiểu đoàn 307”… Cũng trong đêm đó, Chi bộ nhà tù Côn Đảo đã kết nạp chị Sáu là đảng viên chính thức. Bốn giờ sáng ngày 23-1-1952, sau khi tên chánh án làm thủ tục thi hành án trước sự chứng kiến của chúa ngục Côn Đảo, một cố đạo nói với chị Sáu: “Bây giờ cha rửa tội cho con”. Chị gạt phắt lời cha cố: “Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới là có tội…”. Ông ta kiên nhẫn thuyết phục: “Trước khi chết, con có điều gì ân hận không?”. Chị nhìn ông ta và tên chánh án, trả lời: “Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước!”.

Mộ chị Võ Thị Sáu ở Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo).
Mộ chị Võ Thị Sáu ở Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo).

Hàng ngàn tù chính trị trong các khám đã thức suốt đêm, khi nghe thấy bước chân bọn đao phủ giải chị Sáu đến nơi hành hình, tất cả cùng đứng dậy hát vang bài Chiến sĩ ca - bài hát thời ấy dành để bày tỏ lòng cảm phục, tiếc thương và tiễn đưa những người đồng đội ra pháp trường. Ra đến pháp trường, tên chánh án hỏi chị Sáu: “Còn yêu cầu gì trước khi chết?”. Chị nói: “Không bịt mắt tôi. Hãy để cho tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng”. Tên chánh án từ chối, với lý do là luật pháp đã quy định khi thi hành án tử hình. Chị Sáu hỏi lại hắn: “Vậy ông không nhìn nhận rằng bản án tử hình áp dụng cho một người phụ nữ chưa đủ tuổi thành niên là một ngoại lệ của luật pháp nước Pháp sao?”. Tên chánh án lúng túng cuối cùng nói: “Tất nhiên là có ngoại lệ, song tôi sợ điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của cô”. “Không sao. Tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người” - chị Sáu dõng dạc nói, và bắt đầu cất cao tiếng hát. Chị hát bài Tiến quân ca. Giọng hát của người con gái Đất Đỏ thiết tha bay bổng, say sưa át cả tiếng tên chánh án đọc lệnh thi hành án tử hình. Khúc hát vừa dứt, tên chỉ huy ra lệnh cho bọn lính chuẩn bị nổ súng thì chị nhìn thẳng vào bảy tên đao phủ cách chị mười thước và thét lớn: “Đả đảo thực dân Pháp!”; “ Việt Nam độc lập muôn năm!”; “ Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bảy tên đao phủ giật nảy người và những tiếng súng chuệch choạc nổ, những tên lính đã nhắm mắt bóp cò. Chỉ có 2 viên đạn trúng vai và sườn làm máu tuôn đỏ vạt áo, chị Sáu tiếp tục hát bài Tiến quân ca. Tên chánh án chửi bọn lính là “đồ ăn hại” và ra lệnh bắn tiếp. Nhưng bọn lính chỉ đứng chống súng; cặp mắt trong trẻo của người thiếu nữ như một ma lực khiến bọn chúng run rẩy. Cuối cùng tên chỉ huy lầm lũi bước đến gí khẩu súng ngắn vào tai chị bóp cò… Bất ngờ từ Banh III (khám tù gần pháp trường) vọng đến tiếng hô phản đối: “Đả đảo thực dân Pháp!”; “Đả đảo hành hình!”; “Tinh thần Võ Thị Sáu bất diệt!”… Một tên giám thị hớt hải đạp xe lên pháp trường báo cho tên chúa ngục là tù nhân ở Banh I và Banh II cũng đang hò la phản đối náo động cả trung tâm thị trấn; tên chúa ngục hốt hoảng lên xe Jeep về dinh.

Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, chị Võ Thị Sáu khiến quân thù khiếp sợ. Chị đã để lại niềm kính phục và tiếc thương vô hạn đối với tù nhân và cả những công chức, gác ngục, vợ con binh lính trên đảo. Ngay sáng hôm sau ngày chị bị hành hình, một chiếc bia xi măng khắc tên chị đã được dựng lên mộ. Kẻ địch tức tối đập phá bia, nhưng thật lạ lùng cứ đập phá xong thì một tấm bia mới lại xuất hiện. Kẻ địch biết được bia do kíp tù thợ hồ làm nên đã đàn áp rất dã man nhưng mọi người vẫn không nao núng. Rồi từ những cái chết bất đắc kỳ tử của những tên đập phá bia đã thêu dệt nên những huyền thoại về chị Sáu. Những người dân trên đảo tin rằng chị Sáu rất linh thiêng, coi chị là vị “thần hộ mệnh”. Nhiều người, kể cả vợ con binh lính đã lập ban thờ chị bên cạnh ban thờ gia tiên. Năm 1964, tỉnh trưởng Côn Đảo (tên là Tăng Tư) vừa lên nhậm chức cho đặt một tấm bia bằng cẩm thạch lên mộ chị Sáu với một lễ đặt bia rất long trọng để mong được chị “phù hộ”!… Ngày nay ở Côn Đảo, chị Võ Thị Sáu luôn thường trực trong đời sống tâm linh của người dân - người nữ cộng sản trẻ tuổi ấy đã trở thành bất tử với quê hương, đất nước.        

Ngọc Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.