Multimedia Đọc Báo in

Sáng ngời khí phách Việt Nam

09:24, 29/08/2014
Trong suốt chiều dài lịch sử gần 120 năm đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta có rất nhiều địa danh ghi dấu tội ác của kẻ thù đối với đồng bào, đồng chí. Một trong những địa danh đó là  “địa ngục trần gian” Côn Đảo.

Côn Đảo là quần đảo nằm về phía Nam nước ta, gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ tổng diện tích khoảng 76 km2; trong đó hòn đảo lớn nhất có tên là Côn Sơn (hay Côn Đảo) rộng 55,5 km2. Khu trung tâm của Côn Đảo là một thung lũng chỉ rộng chừng 15-16 km2, lưng tựa vào những dãy núi, đỉnh cao nhất là 577 m so với mực nước biển, trước mặt là vịnh Côn Sơn (vịnh Đông Nam) được che chắn bởi các hòn đảo nhỏ, nước phẳng lặng trong xanh, bãi biển cát trắng mịn màng… Đặt chân đến Côn Đảo, ngắm nhìn phong cảnh non nước nên thơ hữu tình, không ai ngờ rằng nơi đây đã từng giam cầm, hành hạ hàng chục vạn con người với những hình thức man rợ khiến thế giới phải bàng hoàng sửng sốt. Không thể ngờ được rằng, một miền đất nhỏ bé xa xôi lại chứa đựng biết bao trang sử hào hùng, bi tráng của dân tộc!

Phong cảnh vịnh Côn Sơn (Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu)
Phong cảnh vịnh Côn Sơn (Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu)

Bắt đầu là những tù nhân bị giặc bắt trong các cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nông dân, sỹ phu yêu nước, những nhà ái quốc trong các phong trào Cần Vương, Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục… bị đày ra đảo. Với địa thế bốn bề biển cả lại cách xa đất liền, giặc Pháp hy vọng bằng chính sách khổ sai, tra tấn hà khắc sẽ đè bẹp ý chí phản kháng của những người yêu nước, hoặc làm cho họ chết dần chết mòn… Thế nhưng chúng đã nhầm. Ngày 27-8-1883, 150 tù nhân đang thi công ngọn hải đăng ở hòn Bảy Cạnh đã tổ chức cướp súng của 17 tên gác tù và cướp tàu; có 60 tù nhân thoát về đất liền (vì tàu chỉ đủ chỗ cho 60 người). Bản tường trình ngày 6-9-1883 của Bocquet (chúa ngục Côn Đảo từ năm 1882-1884) đã lý giải nguyên nhân một cuộc vượt ngục ngoạn mục lần đầu tiên này: “Các tù nhân phơi mình suốt ngày ngoài mưa nắng để xây mặt bằng hải đăng. Từ sáu tuần nay, chúng không hề được nghỉ ngơi. Chủ nhật cũng như ngày thường, chúng làm việc từ 5 giờ sáng đến 11 giờ rưỡi, từ 1 giờ rưỡi đến 6 giờ chiều. Tên nào ca cẩm, mệt lả hoặc bị bệnh xin được nghỉ nhà thương đều bị ông Dulong (đốc công công chính) đánh bằng roi mây… Làm việc kiệt sức, bị ngược đãi và ăn đói, tù nhân sẵn sàng đi theo một kẻ cầm đầu để tổ chức vượt ngục…”. Nhà chí sĩ Phan Chu Trinh dù bị khổ sai đập đá cũng đã viết bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” bất hủ: “Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn/Lừng lẫy làm cho lở núi non/Xách búa đánh tan năm bảy đống/Ra tay đập bể mấy trăm hòn/Tháng ngày bao quản thân sành sỏi/Mưa nắng càng bền dạ sắt son/Những kẻ vá trời khi lỡ bước/Gian nan chi kể việc con con!”. Tinh thần lạc quan đã giúp nhà chí sĩ yêu nước trở về được đất liền tiếp tục đấu tranh chống chế độ cai trị hà khắc của thực dân Pháp.

 Du khách tham quan khu Chuồng cọp thời Pháp tại Nhà tù Côn Đảo.
Du khách tham quan khu Chuồng cọp thời Pháp tại Nhà tù Côn Đảo.

Kẻ thù, với đầy đủ phương tiện giam cầm, uy hiếp và đày đọa người tù nhưng luôn bất an trước khí phách của người Việt Nam. Chúng đã tìm mọi cách để làm người tù suy kiệt hoặc bị bệnh mà chết. Chính Lavesque – Tham tán Nha Công trình dân dụng Đông Dương trong báo cáo khảo sát nhà tù Côn Đảo ngày 28-5-1904 gửi Phủ Toàn quyền Đông Dương đã phải thốt lên đầy quan ngại rằng: “…Bệnh phù thũng gây nhiều tử vong cho tù nhân. Theo ý kiến của nhiều bác sĩ đã từng nghiên cứu, bệnh này có nguyên nhân sâu xa do chế độ ăn uống quá tồi tệ. Bệnh nhân có thể cầm cự trong một thời gian nhưng cứ gầy mòn dần và chết trong tình trạng đau đớn khủng khiếp…”. Lao động khổ sai trong điều kiện bị xiềng chân, roi vọt khiến hàng nghìn tù nhân đã bỏ mình. Chỉ riêng công trình Cầu Tàu 914 đã có gần nghìn người bỏ mạng vì vác đá dưới nước chỉ cần một chút sơ suất là bị sẩy chân xuống biển, bị đá đè (con số 914 là số người tù đã chết tại đây). Hay cầu Ma Thiên Lãnh, chỉ mới xây được 2 mố rồi bỏ dở nhưng đã có 356 người tù bỏ mạng vì làm việc ở địa hình núi cheo leo, hiểm trở… Từ năm 1929-1930 trở đi, khi có những tù nhân cộng sản được đưa đến thì kẻ địch đã “phát minh” ra những cách hành hạ người tù cộng sản kiên trung như “chuồng gà”, “chuồng bò”, “hầm xay lúa”… Đó là những hầm biệt giam dùng nước phân bò ngâm người tù cho đến dòi ăn xương; là bắt người tù xay lúa trong phòng kín mít và họ bị đầu độc âm thầm bằng chính bụi trấu và nhặm lúa!... Ghê rợn hơn là hệ thống “chuồng cọp”: đó là những xà lim cấm cố tù nhân chật hẹp kích cỡ 1,45m x 2,5m nhốt chung 2-4 người, phía trần là song sắt như những chiếc cũi sắt; những tên cai ngục đi lại dọc hành lang bên trên có thể dùng sào nhọn, nước vôi bột hành hạ người tù như hành hạ súc vật bất cứ lúc nào; bên cạnh đó là khu chuồng cọp không mái che để mặc người tù chống chọi với mưa nắng. “Ý thức” được sự tàn bạo phi pháp của mình, bọn thực dân đã cho ngụy trang khu chuồng cọp một cách bí mật để qua mắt các tổ chức nhân đạo quốc tế. Mãi đến năm 1970, khu chuồng cọp được xây dựng từ thời Pháp mới bị phanh phui, dẹp bỏ. Nhưng kẻ địch lại “sáng tạo” ra “chuồng cọp” kiểu mới: “chuồng cọp” kiểu Mỹ (Mỹ thiết kế, nhà thầu Mỹ thi công). Đó là khu biệt giam được ngụy trang bề ngoài nhìn vào như một doanh trại lính. Các phòng giam phía trần cũng có song sắt nhưng không có hành lang bên trên, thay vào đó là mái tôn thấp, trời nắng phòng giam như lò nung. Phòng giam khoảng 5m2 nhưng có 8 - 10 người tù; không có bệ, tù nhân nằm dưới nền nhà hứng chịu khí ẩm ướt, khí đất xông lên khi chuyển về khuya. Mỗi khi tù nhân đấu tranh, kẻ địch phạt không cho đổ thùng vệ sinh, ba hôm năm hôm hay kéo dài hàng tuần lễ hoặc lâu hơn nữa. Khi ấy nhà giam đã biến thành nhà cầu. Chưa kể hằng ngày bọn trật tự mở cánh cửa sắt ra kiểm tra rồi đóng dập lại thật mạnh, tiếng kêu dội đinh tai nhức óc. Sống trong cảnh ấy ngày này qua ngày khác thì chẳng khác nào trong địa ngục!

Những ngôi mộ vô danh  và hữu danh của tù nhân Côn Đảo đã  hy sinh tại Nghĩa trang Hàng Dương.
Những ngôi mộ vô danh và hữu danh của tù nhân Côn Đảo đã hy sinh tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Nếu kẻ thù thực dân, đế quốc nhân danh “văn minh”, “tự do” nhưng lại “phát minh” ra cách đày đọa những người tù yêu nước theo kiểu của thời trung cổ, thì những người tù lại tỏ rõ tinh thần, khí phách sáng ngời của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình và không hề khuất phục trước bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Nhiều lãnh tụ cách mạng như Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng... từng bị giam giữ nơi đây. Những người cộng sản đã biến nhà tù thành trường học cách mạng. Họ đã đoàn kết để đấu tranh với nhiều âm mưu của kẻ thù như mua chuộc, chia rẽ, tra tấn… Những người tù chắt chiu dành dụm cho nhau từng giọt nước, hạt muối, người khỏe sẵn sàng chịu đòn thay cho người yếu hơn nhằm bảo vệ nhau cùng sống mà đấu tranh để tồn tại trở về đội ngũ tiếp tục chiến đấu; còn khi cần thiết thì sẵn sàng hy sinh để tỏ rõ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Đã có nhiều sách báo viết về những cuộc đấu tranh kiên cường của người tù Côn Đảo (mà tiêu biểu là tác phẩm Bất khuất của chính người tù Nguyễn Đức Thuận). Trong đó, ác liệt nhất nhưng cũng hiệu quả nhất là những cuộc đấu tranh tuyệt thực. Những cuộc tuyệt thực dài ngày có thể làm người tù vốn gầy yếu bệnh tật, chỉ còn da bọc xương có thể bị chết bất kỳ lúc nào. Sức chịu đựng kỳ lạ của con người trước sự đàn áp dã man của kẻ thù mà y học không thể lý giải, chỉ có thể lý giải đó là sức mạnh của lòng yêu nước, của chính nghĩa, của khí tiết người cộng sản.

Chứng tích của lịch sử tồn tại 113 năm “địa ngục trần gian” Côn Đảo ngày nay, đó là những nghĩa trang Hàng Keo, Hàng Dương với hai vạn đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc. Thêm một lần nữa, chúng ta thấm thía hơn cái giá của độc lập, tự do, cái giá của hòa bình, hạnh phúc hôm nay.

Cách Vũng Tàu 97 hải lý và cửa sông Hậu 45 hải lý, quần đảo Côn Lôn (tên gọi khác của Côn Đảo) nằm trên hành trình từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Thương thuyền từ Trung Hoa, Ma Cao, Manille… đến buôn bán với Ấn Độ, hay các nước phương Tây như Anh, Hà Lan muốn vào biển Trung Hoa cũng phải đi ngang qua đây. Nhận rõ vị trí đắc địa này, thực dân Pháp sau khi tấn công Đà Nẵng (1858) rồi đánh chiếm lục tỉnh Nam Bộ, tháng 11-1861 đã chiếm đóng quần đảo Côn Lôn và đầu tháng 2-1862 đã cho thành lập nhà tù Côn Đảo làm nơi lưu đày những “tội phạm nguy hiểm” đối với nhà nước “bảo hộ”.

Dương Thế Hoàn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.