Ngày lịch sử trọng đại của Thủ đô Hà Nội
Theo quyết định của Hội đồng Chính phủ ngày 17-9-1954, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh trưởng Đại đoàn Quân Tiên Phong, làm Chủ tịch, và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.
Nhân dân Hà Nội đón mừng đoàn quân giải phóng ngày 10-10-1954. Ảnh: T.L |
Tại Đền Hùng, trước khi vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ngày 19-9-1954, Đại đoàn Quân Tiên Phong được vinh dự gặp Bác Hồ. Bác căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước… Tám, chín năm nay, do quân dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các cháu được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là một vinh dự lớn”.
Sáng ngày 8-10-1954, các đơn vị quân đội theo nhiều hướng tiến vào ngoại thành, đến 16 giờ 30 thì tới đường đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy, Nhật Tân.
Sáng ngày 9-10-1954, các đơn vị bộ đội tiền trạm từ ngoại thành vào nội thành bằng nhiều cánh quân, tiến vào năm của ô chính, rồi tỏa đi khắp nơi.
Bộ đội ta lần lượt tiếp quản ga Hàng Cỏ, Phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Hồ Hoàn Kiếm, Bắc Bộ Phủ.
16 giờ cùng ngày, quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, lặng lẽ rút lui sang phía đông cầu Long Biên. Quân đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội.
Đêm 9-10-1954, cả Hà Nội náo nức đón ngày mai, ngày 10 tháng 10 năm 1954, ngày Chính phủ Việt Nam chính thức vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Hà Nội đêm hôm ấy đang thi hành lệnh giới nghiêm, nhưng đèn đường vẫn sáng hơn những ngày thường. Hầu hết nhà dân, các công sở đã mắc thêm đèn ra cửa bên cạnh những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió và những băng khẩu hiệu được chăng ngang đầy khắp phố phường. Những cổng chào được dựng lên san sát trên các phố lớn, phố nhỏ và ngay cả trong các ngõ hẻm.
Đêm hôm ấy, cả Hà Nội không ngủ, chờ đón quân chiến thắng trở về.
Sáng sớm ngày 10 tháng 10 năm 1954, khi giờ giới nghiêm vừa hết, nhân dân Hà Nội đổ ra đường với những bộ quần áo đẹp nhất, tay cầm hoa, cờ, đi đến những nơi mà đại quân sẽ đi qua để chính mắt mình được trông thấy những người con, người em của Hà Nội trở về. Cả Hà Nội là một rừng cờ và khẩu hiệu. Thật vậy, chưa bao giờ Hà Nội tưng bừng, náo nức như ngày hôm đó.
Từ Hà Đông, các đơn vị tập kết lên sân bay Bạch Mai để từ đó, cùng với đoàn Quân Tiên Phong, trong đó có Trung đoàn Thủ đô, tiến vào thành phố.
Đoàn quân từ sân bay Bạch Mai đến ngã tư Vọng thì chia làm đôi. Một nửa đi qua Bệnh viện Bạch Mai cùng với cánh quân từ phía Cầu Giấy theo đường Hàng Bông, Hàng Gai lên Bờ Hồ. Cánh quân ở Cầu Giấy vào do Anh hùng Nguyễn Quốc Trị dẫn đầu.
Đoàn từ ngã tư Vọng thì sang ngã tư Trung Hiền lên Ô Cầu Dền, lên phố Huế, Hàng Bài qua cửa trụ sở Ban Kiểm tra Giám sát quốc tế và hội quân với hai cánh quân kia ở Bờ Hồ và ga tàu điện. Đồng chí Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính đi xe đầu, rồi đến xe đồng chí Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội.
Nhân dân Thủ đô, tay cầm hoa, cờ, đứng chật hai bên đường, vừa hô khẩu hiệu, vừa ào ra tặng hoa cho bộ đội. Các đồng chí chỉ huy đoàn quân trở về ôm hoa chật cả tay, rồi tặng lại cho đồng bào.
Tất cả các cánh quân gặp nhau ở đầu dốc Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, rồi lần lượt đi vào các phố và tập trung ở địa điểm chính là sân vận động Cột Cờ và dự lễ chào cờ chiều hôm đó.
Đêm hôm trước, bộ đội công binh đã lắp thêm trên đỉnh cột cờ một ống thép nặng hai tạ và cao 12 mét để lá cờ đỏ sao vàng của ta vươn cao thêm trên bầu trời Thủ đô giải phóng.
15 giờ (ngày 10-10-1954), còi trên nóc Nhà hát Lớn thành phố nổi lên một hồi dài. Mấy chục vạn nhân dân Hà Nội dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô, nhân Ngày Thủ đô được giải phóng. Người viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào.
Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng không xiết kể !...
Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, thực hiện tự do dân chủ. Mọi người đều đưa hết tài đức của mình để khôi phục Thủ đô và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ…
Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh…
Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân…”(1).
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H - 1996 - T 7 - tr 361-362.
Nguyễn Xuyến
Ý kiến bạn đọc