Nhà đày Buôn Ma Thuột - "trường học cách mạng" của các chiến sĩ cộng sản
Trước tình hình tù nhân chính trị bị đày lên Buôn Ma Thuột ngày càng đông, nhà lao tỉnh không thể chứa hết, thực dân Pháp gấp rút mở rộng nhà tù tỉnh Dak Lak thành Nhà đày Buôn Ma Thuột. Đầu năm 1930, Khâm sứ Trung Kỳ giao cho Công sứ Dak Lak phải xây dựng một nhà đày có khả năng trước mắt giam 200 tù nhân và sau đó sẽ tăng lên 600 tù nhân. Nhà đày Buôn Ma Thuột được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng 2 ha ở phía Đông thị xã Buôn Ma Thuột, cách Trại lính khố xanh 300 m (ngày nay là số 18 đường Tán Thuật, TP. Buôn Ma Thuột), với kiểu bố trí nhà tù truyền thống của thực dân Pháp. Cụ thể, Nhà đày Buôn Ma Thuột có 6 phòng giam (thường gọi là lao), mỗi lao chứa gần 100 tù nhân. Tù nhân được coi là tù chính trị được giam ở các lao 1, 2, 3, 4 nằm sâu phía sau sân; còn tù thường được giam ở các lao 5 và 6. Lao số 3 và 4 được giam giữ những tù nhân bị liệt vào loại “nguy hiểm”.
Nhà đày Buôn Ma Thuột là nơi đày biệt xứ và giam giữ tù nhân trong những điều kiện khắc nghiệt. Không những bị giam cầm, cùm kẹp, bị đánh đập dã man, tù nhân còn phải đi lao dịch khổ sai làm nhà tù, mở đường chiến lược, xây dựng nhà cửa, cầu cống, doanh trại cho quân đội, làm vườn, trồng cây cho bọn cầm quyền. Ngoài việc tận dụng sức lực của tù nhân vào mục đích kinh tế, chúng hành hạ họ cả về vật chất lẫn tinh thần, làm cho tù nhân kiệt lực mà rời rã ý chí đấu tranh, từ bỏ lý tưởng cách mạng. Trong những năm 1930 – 1945, thực dân Pháp đã biến Nhà đày Buôn Ma Thuột thành “địa ngục trần gian”; nhưng những người cộng sản đã biến nơi đây thành “trường học cách mạng”, “lò luyện thép”, thành trận tuyến đấu tranh chính trị để gây dựng phong trào cách mạng. Từ năm 1930 – 1945 có 1.328 chiến sĩ cộng sản bị giam cầm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.; trong đó nhiều đồng chí sau này đã trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước ta như: Võ Chí Công, Tố Hữu, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh…
Các em học sinh của Học kỳ trong Quân đội được tham quan và nghe giới thiệu về những vật chứng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia |
Ngay từ những ngày đầu bị đưa lên đày ải ở nơi đây, các chiến sĩ cộng sản đã thể hiện tình thương yêu, giúp đỡ, đùm bọc trên tinh thần đồng chí. Họ trao đổi kinh nghiệm đấu tranh, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, quân sự, xác định rõ quan điểm, lập trường và thái độ của người chiến sĩ cách mạng trước thời cuộc, trước thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù. Các cuộc đấu tranh của những người cộng sản tại Nhà đày Buôn Ma Thuột trong những năm 1930 – 1945 đã diễn ra liên tục, với các hình thức: tuyệt thực, hò la, đòi yêu sách, chống đánh đập, đòi cải thiện chế độ ăn uống, phải có thuốc chữa bệnh, không được ngược đãi người đi lao dịch… Các chiến sĩ cộng sản ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã tổ chức sinh hoạt gần như công khai với các hình thức: đọc thơ, kể chuyện, hát tuồng, diễn kịch… thể hiện khí tiết, tinh thần lạc quan cách mạng của người cộng sản. Cũng trong thời gian này các đồng chí tù chính trị đã cho ra đời các tờ báo viết tay như: Tù nhân, Xích sắt, Yuăn – Êđê (Việt – Êđê). Nội dung những tờ báo nói trên đã ghi lại các bài thơ, câu chuyện… do các chiến sĩ tù nhân sáng tác, nhằm tố cáo chế độ lao tù hà khắc và kêu gọi các chiến sĩ giữ vững tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để đấu tranh cách mạng. Những bài báo ngắn gọn, gần gũi dễ hiểu (khổ rộng bằng bàn tay) đã trở thành món ăn tinh thần của những người cộng sản ở Nhà đày Buôn Ma Thuột. Họ bí mật luân chuyển cho nhau đọc nên kẻ thù ít khi phát hiện được. Chính vì vậy mà nhiều binh lính, cai đội của người Êđê đã được giác ngộ trở thành cơ sở cách mạng, ủng hộ Việt Minh.
Những hoạt động tích cực thể hiện sự kiên trung, bất khuất, một lòng vì lý tưởng cộng sản đã tạo tiền đề cho sự ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên của Dak Lak ngay trong Nhà đày Buôn Ma Thuột vào cuối năm 1940. Chi bộ chủ trương: “Thông qua đấu tranh với địch để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, tìm cách liên lạc với bên ngoài để vận động quần chúng ở Buôn Ma Thuột, tổ chức vượt ngục để tiếp tục hoạt động gây dựng phong trào cách mạng trong quần chúng”. Việc hình thành Chi bộ Đảng trong Nhà đày Buôn Ma Thuột là một mốc son lịch sử vô cùng quan trọng của Đảng bộ Dak Lak nhằm chuẩn bị mọi mặt để lãnh đạo đồng bào các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám (24-8-1945) thành công ở Dak Lak.
Nhà đày Buôn Ma Thuột ngày nay đã trở thành một địa danh lịch sử, nơi khắc đậm dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đồng thời là một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước của bao thế hệ cha anh cho thế hệ trẻ. Với ý nghĩa chính trị sâu sắc đó, ngày 12-3-1984, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã cấp Bằng công nhận Nhà đày Buôn Ma Thuột là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia. Từ ngày được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia đến nay, Nhà đày Buôn Ma Thuột đã được trùng tu nâng cấp, sửa chữa lại nhiều lần theo nguyên dạng như xưa để phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh, cũng như khách quốc tế.
Trương Bi
Ý kiến bạn đọc