Multimedia Đọc Báo in

Ghi ở Truông Bồn

09:54, 29/12/2015
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng gắn với những chiến công oanh liệt của lực lượng thanh niên xung phong.
 
Chúng tôi ghé thắp nhang cho các liệt sĩ yên nghỉ tại Truông Bồn vào một ngày đầu tháng 12 mưa lạnh. Tượng đài chiến thắng lặng lẽ, uy nghiêm bên quả đồi; điều thiêng liêng nhất là dưới cơn mưa nặng hạt, những cây hương ai đó vừa thắp vẫn cháy, phảng phất mùi thơm như để sưởi ấm cho anh linh các liệt sĩ. Phía bên phải tượng đài là tấm bia ghi công 13 liệt sĩ thuộc Đại đội 317 - N65 - Tổng đội thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh tại đây trong ngày 31 - 10 – 1968. Tất cả là những người con của xứ Nghệ, như chị Nguyễn Thị Hoài (quê huyện Hưng Nguyên), chị Đinh Thị Vinh (quê Quỳnh Lưu), anh Cao Ngọc Hòa (quê Diễn Châu) hay chị Nguyễn Thị Văn (quê Đô Lương)… Nhìn vào năm sinh ghi trên bia thì biết các anh, chị đều sinh khi tuổi mới 18 – 20, họ đã hy sinh tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Cũng bởi vậy mà xung quanh tượng đài còn đâu đó những chiếc gương, lược nhỏ hay bó hoa hồng đỏ tươi được người thân các liệt sĩ gửi cho các chị “dùng”.
 Tượng đài  chiến thắng  tại  Khu di tích Truông Bồn.
Tượng đài chiến thắng tại Khu di tích Truông Bồn.

Tư liệu tại Ban quản lý Khu di tích ghi lại những trang sử hào hùng: Trọng điểm Truông Bồn dài 5 km nằm trên tuyến đường 15A có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong việc chi viện cho miền Nam. Cung đường này có địa hình phức tạp, dốc và chạy qua cả một dãy núi xen kẽ thung sâu. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Mỹ thất bại lớn ở các chiến trường, nên tập trung sức đánh phá ác liệt vùng khu IV bằng cách bố trí máy bay liên tục do thám quần lượn, ném bom đánh phá. Trước hành động leo thang của kẻ thù, quân dân ta cũng tập trung lực lượng, quyết tâm giữ vững mạch máu giao thông Truông Bồn. Tại chiến trường này, ta đã bắn rơi 400 máy bay Mỹ, rà phá hàng ngàn quả bom nổ chậm các loại, góp 2 triệu ngày công, đưa 94.000 lượt xe đi qua an toàn, vận chuyển và giải tỏa hơn 1 triệu tấn hàng và huy động 4.500 xe đạp thồ, 4.500 xe ba gác, 4.500 xe trâu bò, 900 xe cút kít chở hàng ra tiền tuyến. Tại tọa độ lửa này, đã xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt góp phần làm nên huyền thoại Truông Bồn, tiêu biểu là 13 chiến sĩ Đại đội 317 - N65 - Tổng đội thanh niên xung phong.

Theo đó, đầu năm 1967, đơn vị được lệnh chuyển đến Truông Bồn, đến tháng 7 - 1968 chiến trường ác liệt hơn, Đại đội 317 đã phát động chiến dịch 100 ngày đêm bảo đảm mạch máu giao thông. Theo đó, đơn vị đã chọn 14 chiến sĩ Tiểu đội 2 C317 làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 giờ để cùng công binh phá bom, bảo đảm mặt đường, dẫn xe chở hàng vào Nam an toàn. Sau hơn 100 ngày đêm chiến dịch, Tổng đội cho phép Đại đội 317 xét 8 đồng chí đã hết nhiệm kỳ 3 năm phục vụ, có nhiều thành tích và hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn để chuẩn bị được xuất ngũ. Nhưng đêm 30 - 10 - 1968, đơn vị nhận được lệnh của Ban chỉ huy Tổng đội phải cấp tốc giải phóng giao thông cho đoàn xe quân sự qua địa điểm này để vào Nam trước khi trời sáng. Trước tình hình đó, cả 8 người đã xung phong cùng đơn vị làm nhiệm vụ; 4 giờ sáng ngày 31 - 10 - 1968, toàn đơn vị khẩn trương tập trung san lấp hố bom, đến 6 giờ 10 phút, công việc sắp hoàn thành thì bất ngờ có 4 chiếc máy bay Mỹ oanh tạc, đã trút xuống 2 loạt bom khiến 13/14 chiến sĩ hy sinh, người may mắn sống sót là Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông.

Năm 1996, Di tích lịch sử Truông Bồn được công nhân là di tích lịch sử cấp quốc gia; năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn, với tổng diện tích gần 22 ha, kinh phí 366 tỷ đồng tỷ đồng. Bên cạnh giá trị lịch sử to lớn, đây còn là điểm văn hóa du lịch tâm linh, nên các em nhỏ được phụ huynh, thầy cô giáo đưa đến khu di tích để thắp hương viếng liệt sĩ và giáo dục truyền thống lịch sử thế hệ cha anh. Còn với người dân xã Mỹ Sơn, họ vẫn đến dưới tượng đài thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ như một hành động tri ân quen thuộc mỗi ngày.

Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống trên vùng đất khói lửa năm xưa đã hồi sinh mạnh mẽ. Vùng đất hoang tàn bởi chiến tranh trước đây được thay bằng những vạt rừng thông xanh ngút ngàn, đường Quốc lộ 15A và các hạng mục của khu di tích được xây dựng khang trang. Người dân nơi đây đang viết tiếp truyền thống anh hùng, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc để xứng đáng với công lao của những người đã nằm xuống tại đây. Du khách đến Truông Bồn bây giờ đều thấy hai bên đường cung đường huyền thoại năm xưa những đặc sản của người dân địa phương làm ra như trái hồng, quýt, chè xanh được bày bán rất nhiều. Những sản vật từ địa danh lịch sử cũng là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay về những mất mát, đau thương của những người đi trước.

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.