Cắm cờ ở "sào huyệt" địch
Ông Nguyễn Đức Thịnh (hiện sống tại thôn 1, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) đã được ghi lại trong lịch sử Sư đoàn 316 là người đầu tiên cắm cờ tại sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy – sư đoàn bộ binh chủ chốt của địch ở các tỉnh nam Cao nguyên trung phần từng huênh hoang với danh xưng “Nam bình Bắc phạt Tây Nguyên trấn”. Tháng 3-1975, ông Thịnh là chiến sĩ thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 149, Sư đoàn 316 – lực lượng đột kích chủ yếu vào thị xã Buôn Ma Thuột. Ông Thịnh còn nhớ: từ giữa tháng 1-1975, Sư đoàn 316 bắt đầu hành quân từ Nghệ Tĩnh vào Tây Nguyên. Chuyến hành quân vượt qua hàng nghìn cây số, đến đầu tháng 2-1975 thì đơn vị tới Đắc Đam để khẩn trương tập trung các mặt chuẩn bị theo mệnh lệnh tác chiến tham gia Chiến dịch Tây Nguyên. Nguyên tắc bí mật luôn được đặt lên hàng đầu, mọi hành động của các đơn vị trong thời gian chuẩn bị và chiếm lĩnh trận địa phải thực hiện theo những quy định nghiêm ngặt, những chiến sĩ như ông Thịnh hoàn toàn không biết mục tiêu chiến đấu sắp tới là ở đâu, mãi đến nửa đường hành quân từ vị trí tập kết đến thị xã Buôn Ma Thuột mới biết mình sắp đánh vào chính đô thị trung tâm của Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Đức Thịnh (bên trái) và Sư đoàn trưởng Đặng Luyến trong một lần về thăm sư đoàn 316. |
Ngày 5-3-1975, Sư đoàn 316 nhận lệnh bắt đầu triển khai lực lượng tiến công Buôn Ma Thuột. Ngay đêm ấy, từ hướng nam Trung đoàn 149 và các đơn vị tăng cường, vượt đường 14 rồi sau đó vượt sông Xê Băng Hiêng, luồn rừng, vòng xuống vùng ngoại vi phía nam thị xã, bí mật lách qua các đồn bảo an, dân vệ, vượt sông Sêrêpôk tiến vào sát thị xã. Đêm ngày 9-3, các đơn vị đã vào chiếm lĩnh trận địa chờ nổ súng. Sáng 10-3-1975, Trung đoàn 149 tiến vào Buôn Ma Thuột; Tiểu đoàn 7 vượt đường Thống Nhất đánh địch trong khu nhà thờ Tin Lành rồi tiến đánh vào cổng chính hậu cứ Sư đoàn 23 ngụy. Địch dùng hỏa lực bắn chặn mãnh liệt, kết hợp với không quân để phản kích, vì vậy trong ngày 10-3, Tiểu đoàn 7 chỉ chiếm được khu cư xá sĩ quan và khu nhà thờ quân đội. Ngày 11-3-1975, Sư đoàn 316 tiếp tục tổ chức bảo vây và đột phá vào sở chỉ huy địch. Tổ của chiến sĩ Bùi Văn Vui ở Tiểu đội 4 (Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 149) được giao nhiệm vụ cắm cờ song ông Vui đã hy sinh khi đánh chiếm khu nhà thờ. Ông Nguyễn Đức Thịnh nhớ lại: “Khi ấy, tôi không biết đồng chí Vui đã hy sinh. Lọt vào trung tâm thị xã thì súng bị hóc đạn, tôi vào khu vực triển lãm chiến lợi phẩm của địch để tìm súng thì phát hiện ra ở đó có một lá cờ của ta bị địch thu được. Tôi liền lấy bút bi viết tên đơn vị lên lá cờ rồi cầm theo. Sau khi vào được Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy, tôi liền trèo lên cột cờ treo lá cờ của ta lên đó, xung quanh đạn bắn như mưa. Cắm cờ xong là các đồng đội từ nhiều cánh quân cũng kéo đến”. Đến trưa 11-3-1975, quân địch bỏ chạy, cờ chiến thắng của ta tung bay trên sở chỉ huy địch, tên đại tá Vũ Thế Quang (Tư lệnh phó Sư đoàn 23 ngụy) bị Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316) bắt sống.
Ngày 14-3-1975, khi tham gia trận đánh sân bay Hòa Bình, ông Nguyễn Đức Thịnh bị thương nặng do trúng đạn pháo. Vết thương sâu hoắm ở đùi giờ đây vẫn hành hạ ông mỗi lúc trái gió trở trời song với ông, đó cũng là dấu tích tự hào về một thời trận mạc…
Ký ức về những ngày tháng 3-1975 khắc sâu trong trí ông Trần Ngọc Hưởng (thôn 12, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) đến nỗi sau 40 năm ông vẫn nhớ tường tận các trận chiến đấu, nhớ cả họ tên từng đồng đội. Là chiến sĩ thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 149, Sư đoàn 316, ông Hưởng và trung đội của mình được giao nhiệm vụ làm mũi thọc sâu, gặp địch thì đánh, tìm mọi cách để cắm cờ lên nóc sở chỉ huy sư 23 ngụy. Với trang bị súng AK báng gấp, thủ pháo, B40, B41, lựu đạn nổ nhanh, trung đội của ông nhanh chóng băng qua đường 14, tiến vào khu nhà thờ quân đội, hướng sang sở chỉ huy sư 23 ngụy. Địch chống trả rất quyết liệt, ngày 10-3, đơn vị của ông quần nhau với địch ở khu vực nhà thờ Tin Lành, giằng co nhau từng góc phố, bộ đội ta hy sinh và bị thương nhiều vì đạn 12,8 ly của địch. Ông Hưởng kể: “Giờ nhớ lại mới thấy mình mạng lớn vì có những tình huống chỉ thoát chết trong đường tơ, kẽ tóc. Khi đến gần khu nhà thờ quân đội, một ổ đề kháng lớn của địch bắn rát khiến chúng tôi không thể tiến tiếp được. Tôi nằm ở cống thoát nước bên đường, đạn cày rát xung quanh, địch thấy tôi nằm im liền hò la bắt sống, tôi vùng đứng lên lia súng AK rê một vòng tiêu diệt địch. Sau đó, địch liền điều một xe bọc thép với dã tâm lấy bánh xe nghiến nát tôi, tôi phải thụt người vào sâu trong ống cống, bánh xe bọc thép của địch xoáy trên đầu khiến cả người gần như bị vùi trong đất. Lại có những tình huống mà bộ đội ta phải linh hoạt, tận dụng mọi địa hình để chiến đấu. Chẳng hạn như khi tôi đang bò thì anh Thời, tiểu đội trưởng, phát hiện một ổ phục kích của giặc; anh Thời liền đè báng súng lên cổ tôi làm giá súng để bắn địch, khi ấy đạn sượt ngay trên đầu tôi. Hay khi phát hiện xe bọc thép của địch tiến ra chặn đường tiến công của ta, một đồng chí trong trung đội tôi là anh Mai Chí Thẩm cầm khẩu B40 nhìn xung quanh phát hiện bức tường gần đó có một lỗ thông khí hoặc thoát nước gì đó liền kê súng vào đó bắn cháy xe (theo nguyên tắc, súng B40 khi bắn phải có khoảng cách cho luồng phụt phía sau)”.
Ông Trần Ngọc Hưởng đang xem lại những kỷ vật chiến trường. |
Bên cạnh những mất mát, đau thương, cũng có những câu chuyện cảm động diễn ra ngay khi trận chiến đang hồi ác liệt nhất. Ông Hưởng còn nhớ khi đang giằng co với địch ở sân nhà thờ Tin Lành thì có người phụ nữ dìu một chị bụng bầu sắp sinh đến nhờ bộ đội. Ông Hưởng đã đưa họ xuống hầm và cầm súng đứng canh, bảo đảm an toàn cho đến khi người phụ nữ sinh nở “mẹ tròn con vuông”. 40 năm đã trôi qua, mỗi khi có dịp kể lại câu chuyện ấy, ông Hưởng đều có ý dò hỏi xem cậu bé sinh đúng ngày 10-3-1975 ở sân nhà thờ ngày ấy hiện giờ ở đâu, ra sao mà vẫn chưa tìm được.
Đến trưa 11-3-1975, đơn vị ông Hưởng tiến vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Ông Hưởng xúc động nhớ lại: “Lúc ấy trên cột cờ đã tung bay lá cờ chiến thắng của ta do đồng chí Nguyễn Đức Thịnh treo. Tôi liền cắm lá cờ mình mang theo trên một nóc hầm gần đó. Lúc ấy, cảm giác chiến thắng làm lòng tôi phơi phới, chưa bao giờ cảnh tượng về ngày hòa bình, đất nước thống nhất lại hiển hiện rõ rệt trước mắt tôi đến thế…”.
Đàm Thủy
Ý kiến bạn đọc