Chiến thắng Buôn Ma Thuột qua những dòng lưu bút
Đã 40 năm kể từ ngày Buôn Ma Thuột giải phóng. Chiến thắng ngày 10-3-1975 là một vùng ký ức linh thiêng, hào hùng, bi tráng trong lịch sử dân tộc và với những ai đã từng vào sinh ra tử. Còn với những người hôm nay, chiến thắng ấy được biết đến với tất cả lòng tự hào, cảm phục và trân trọng.
Cùng với những dòng người nô nức tham gia Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V – năm 2015, nhiều người dân và du khách đã chọn cho mình điểm đến là khu trưng bày các hiện vật lịch sử tại Bảo tàng tỉnh Dak Lak. Dịp này, cán bộ, công nhân viên của Bảo tàng đã dành khá nhiều thời gian, công sức và tâm huyết để tìm kiếm, ghi lại hồi ức của các nhân chứng lịch sử 40 năm trước về Chiến thắng Buôn Ma Thuột. Chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều ánh mắt chăm chú, gương mặt trầm tư trước những bức ảnh, câu chuyện, hồi ức về những năm tháng hoa lửa ấy. Không chỉ có những bậc cao niên, trung niên, nhiều bạn trẻ cũng say mê khi được xem và tìm hiểu thêm về chiến thắng lịch sử này.
Khách tham quan gian trưng bày hiện vật – ảnh Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột tại Bảo tàng Dak Lak. |
Lật giở các cuốn sổ lưu bút của Bảo tàng, chúng tôi không khỏi xúc động khi đọc những dòng cảm tưởng của các du khách đến đây. Thật trân trọng trước những tâm sự, cảm xúc của các chú, các bác cựu chiến binh đã một thời cầm súng. Bác Trần Đình Chiến (năm 1975 nguyên là cán bộ chiến sĩ của Bộ Tham mưu miền Đông Nam bộ) ghi lại: “Thăm Bảo tàng ở thành phố nơi mà tôi cùng đoàn quân tiến vào giải phóng và theo dòng xoáy hào hùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh tiến về giải phóng Sài Gòn, trong tôi sống lại đầy ắp những kỷ niệm một thời hào hùng, oanh liệt. Nhìn lại những kỷ vật của một thời binh lửa, trong tôi vẫn còn bao nuối tiếc khi phải rời quân ngũ chuyển ngành do những vết thương còn để lại trên cơ thể. Biết bao xương máu của đồng chí, đồng bào đổ xuống để đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay. Thành phố đang vững bước đi lên, tôi cũng mong rằng thành phố càng giàu đẹp, phồn vinh”. Rồi “Hai chúng tôi là Trần Văn Căn, Nguyễn Quốc Tuấn ở Nghệ An: Ngày 9-3-1975, chúng tôi là chiến sĩ thuộc đơn vị pháo cao xạ E546 (Đoàn Sa Thầy) đã từng chiến đấu bảo vệ cầu 14 - Buôn Ma Thuột và đã vinh dự có mặt trong đoàn quân diễu binh mừng chiến thắng tại thành phố thân yêu này. Nay trở lại Buôn Ma Thuột đã đổi mới quá nhiều. Bảo tàng tỉnh Dak Lak đã lưu giữ những dấu ấn lịch sử đáng quý của những năm tháng lịch sử cách mạng vinh quang hào hùng”. Cảm phục trước sự hy sinh của cha anh, Đoàn cán bộ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đến tham quan Bảo tàng Dak Lak đã viết: “Chúng tôi vô cùng xúc động trước những chứng tích đã bảo tồn, lưu giữ nơi đây. Từng hiện vật đến hình ảnh đều chứa đựng hồn thiêng của các anh linh đã hy sinh hết sức vĩ đại để ngày hôm nay đất nước được yên bình, thống nhất, bắc nam một nhà. Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tri ân những anh hùng liệt sĩ…”.
Trước ý nghĩa vĩ đại của Chiến thắng Buôn Ma Thuột, cựu chiến binh Vũ Hải Đăng bày tỏ: “Tôi là một cựu chiến binh, xúc động nhớ lại những đồng đội đã ngã xuống trước ngày giải phóng, tôi mong thế hệ sau đừng quên những người đã hy sinh và cả những người còn may mắn được sống để chứng kiến ngày hòa bình, dựng xây đất nước hôm nay - nhân chứng lịch sử”. “Chúng tôi mong rằng Chiến thắng Buôn Ma Thuột sẽ được in thành đĩa VCD-DVD để cho khách tham quan được mua làm quà cho người chưa đến đây” (Đoàn đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang).
Du khách Bùi Kim Chi (Nha Trang) thì đề xuất: “Nên tổ chức cho các trường học tại Buôn Ma Thuột cũng như các địa phương gần kề đến thăm Bảo tàng giúp các em vừa học, vừa chơi; đồng thời gieo cho các em ý thức về lịch sử để các em tiếp tục học hỏi và tìm hiểu”. Ông Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc bày tỏ: “Thăm Bảo tàng Dak Lak cảm nhận được lịch sử truyền thống văn hóa mấy ngàn năm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, tôi cũng hiểu rõ thêm vì sao Tây Nguyên được chọn làm nơi khởi nguồn của các chiến dịch vĩ đại của dân tộc. Cuộc sống sẽ trải qua nhiều biến động, Bảo tàng sẽ là nơi lưu giữ mãi mãi nét văn hóa bản sắc các tộc người, để một khi con người muốn trở về khôi phục lại truyền thống xưa sẽ lấy Bảo tàng làm điểm đến, đối chiếu, phục dựng cuộc sống văn hóa bản địa”.
Đàm Thuần – Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc