Hồi ức của vợ chồng cựu chiến binh về trận đánh Buôn Ma Thuột lịch sử
Vợ chồng ông Du ôn lại những kỷ niệm bên lá cờ Tổ quốc được tung bay trong ngày 10-3-1975. |
Khi được hỏi về những ngày tháng 3 lịch sử, đôi mắt của bà Lan ánh lên niềm vui. Bà kể: “Vào tầm đầu tháng 2-1975, chúng tôi được lệnh phải may cờ đỏ sao vàng liên tục, lúc này mọi người chưa nghĩ là có chiến dịch lớn sẽ diễn ra trên địa bàn. Ba người trong tổ may suốt ngày, đến đêm lại thắp đèn dầu để làm việc, cứ tầm từ 3 đến 4 ngày thì được khoảng 100 lá cờ, làm được bao nhiêu thì lại có người trong đội công tác đến và mang đi. Trước đó, năm 1968 mọi người cũng may rất nhiều cờ nên lần này ai cũng thắc mắc nhưng không ai tưởng tượng được là sẽ được may những lá cờ trong trận đánh quyết định. Đêm ngày 10-3 khi nghe tin trên radio về chiến thắng Buôn Ma Thuột, mọi người đều vỡ òa trong niềm sung sướng. Tuy nghe tin giải phóng nhưng chị em trong tổ vẫn đề phòng, bảo quản kho lương thực, thực phẩm và chỉ đến ngày 15-3, khi được lệnh về tiếp quản huyện Krông Buk, mọi người trong đội vui đến trào nước mắt. Niềm vui chiến thắng đã trở thành sự thật rồi, những lá cờ mà chúng tôi vẫn may trong bao năm, đã tung bay trong ngày đất nước thống nhất và độc lập rồi!”.
Đã 40 năm trôi qua, bà Lan vẫn còn giữ lại một lá cờ Tổ quốc được chính bà may trong ngày giải phóng Buôn Ma Thuột như là một kỷ vật quý báu của gia đình.
Đồng hành cùng với bà Lan trong những năm tháng gian khổ cũng như hòa bình, chính là người chồng và cũng là đồng đội, đồng chí với bà - đại tá Nguyễn Du.
Ông sinh 1930 tại xã Tam Phước, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) trong một gia đình nhà Nho. Sau Cách mạng tháng Tám, giác ngộ lý tưởng của Đảng, ông xung phong làm giáo viên bình dân học vụ; sau đó được tín nhiệm bầu làm Đoàn phó Thanh niên Việt Nam, Ủy viên Hội Liên Việt và đội trưởng đội du kích xã. Năm 1948, ông được bầu vào Hội đồng Nhân dân và là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến xã Phụng Nghị (nay là xã Tam Phước). Giờ đây, tuy tuổi đã cao nhưng khi được hỏi về trận đánh Buôn Ma Thuột, ông vẫn hào sảng như thuở còn là chính trị viên Huyện đội H5 (gồm các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn và Ea Súp). Ông Du kể: “Đầu 1975, lúc quân chủ lực đã tập trung về xung quanh thành phố Buôn Ma Thuột, với nhiệm vụ đánh lạc hướng quân địch, khi Trung đoàn 53 của địch đi càn để tìm kiếm dấu vết của ta, chỉ với 1 đại đội, chúng tôi đã chỉ huy chống càn theo kiểu đánh du kích, nhằm làm cho địch tưởng rằng quân chủ lực không còn ở đây, từ đó bảo đảm tính bí mật của chiến dịch”. 2 giờ sáng ngày 10-3, khi Buôn Ma Thuột bắt đầu nổ súng, ngay lập tức, ông và đồng đội cũng được lệnh tiến quân giải phóng Quảng Phú (nay là xã Quảng Tiến và Quảng Phú, huyện Cư M’gar)… Ông Du tâm sự: “Chọn Buôn Ma Thuột làm trận chiến mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng, từ việc chuẩn bị hậu cần đến việc đánh nghi binh, tạo thế và cài thế cho đến trận đánh quyết định của chiến dịch, sau đó là phản kích và chống phản kích”.
Tuy đã 90 tuổi nhưng ông Du vẫn còn rất minh mẫn và quan tâm đến các vấn đề thời sự trong và ngoài nước, đặc biệt là các hoạt động của giới trẻ, thanh niên Việt Nam hiện nay. Ông nói: “Tôi dạy con, cháu trong nhà luôn tin tưởng và sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Trong khó khăn, gian khó Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện hai cuộc kháng chiến thần kỳ, thống nhất đất nước, trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, Đảng đã thực hiện công cuộc đổi mới với những thành tựu đáng tự hào”.
Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc