Hồi ức tháng 3
May mắn được gặp gỡ và trò chuyện với các cán bộ lão thành cách mạng trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng Buôn Ma Thuột tại buổi tọa đàm Gặp mặt nhân chứng lịch sử nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Buôn Ma Thuột (do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức), chúng tôi như được sống lại khí thế hào hùng của quân và dân ta trong trận đánh then chốt mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên lịch sử.
Lần theo dòng hồi ức, ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quân quản kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của những ngày lịch sử cách đây 40 năm... Trong trận đánh Buôn Ma Thuột, ông đang công tác tại Tỉnh đội Dak Lak. Ngay sau khi nhận được mật lệnh tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột, ông cũng được phân công nhiệm vụ Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Bí thư Đảng ủy thị xã công quản Buôn Ma Thuột, với trách nhiệm tiếp quản, quản lý mọi công việc của thị xã bằng biện pháp, mệnh lệnh quân sự. Ông Quyết kể: Ủy ban Quân quản được thành lập vào tháng 2-1975 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo Quân khu V. Nhiệm vụ của Ủy ban quân quản là bằng mọi cách phải ổn định đời sống, bảo vệ an toàn tính mạng nhân dân thị xã, nhanh chóng phản hồi tình hình trật tự trị an tại thị xã cho lãnh đạo. Đồng thời phối hợp cùng lực lượng bộ đội địa phương sẵn sàng đánh trả lại lực lượng ngụy quyền, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng không cho địch tái chiếm trở lại. Khi ấy, địch vừa bị ta đánh tan tác nên chúng ẩn náu khắp nơi, thực hiện nhiều vụ cướp táo tợn hòng lẩn trốn. Ta đã bố trí lực lượng truy bắt, đồng thời vận động quần chúng nhân dân kêu gọi ngụy quân trên địa bàn ra trình diện. Bằng tinh thần trách nhiệm, Ủy ban Quân quản đã giữ vững được trật tự trị an tại thị xã, bảo vệ an toàn tính mạng nhân dân, triệu tập được nhiều đối tượng ngụy quân và thu nhiều nguồn tin quý giá.
Các ông Ama H’ Oanh, Lê Chí Quyết và Phan Công Thí trò truyện tại buổi Gặp mặt nhân chứng lịch sử nhân kỷ niệm 40 năm Giải phóng Buôn Ma Thuột |
Ít ai biết trong chiến dịch Tây Nguyên, Trung ương đã quyết định chọn giải phóng quận Lạc Thiện (nay là huyện Lak) để chặn mũi tiến công của địch từ Lào sang. Kể về trận đánh giải phóng Lạc Thiện, ông Phan Công Thí, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Tỉnh đội Dak Lak bồi hồi nhớ lại: Trước 1973 ông là Chủ nhiệm Chính trị Tỉnh đội Dak lak. Nhiệm vụ chính của ông là cùng cấp ủy và Bộ chỉ huy kiện toàn hệ thống chính trị, chính trị viên, tiểu đoàn, huyện đội, đại đội cùng lãnh đạo các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó. Cùng với đó là trực tiếp theo dõi sâu sát tình hình, nhận rõ thời cơ, đánh giá khó khăn thuận lợi của chiến dịch, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu ngoan cường; cùng cấp ủy kiện toàn tổ chức đảng, tổ chức cán bộ nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của cán bộ đảng viên, rèn luyện trí thức, tổ chức kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh chiến đấu mệnh lệnh chiến trường, quan hệ tốt với dân. Trước ngày 10-3-1975, Bộ Tư lệnh Tây Nguyên ra lệnh đánh quận Lạc Thiện, đánh vào vùng phối hợp của địch ở khu vực Tây Nguyên và Lào nhằm chặn mũi tiến công của địch. Quân ta gồm Tiểu đoàn bộ binh 301, Tiểu đoàn đặc công 401, Tiểu đoàn công binh 333, 5 đội trinh sát, 5 đội thông tin phối hợp cùng 3 cơ quan tham mưu - chính trị - hậu cần đánh tiêu diệt đầu não địch ở quận Lạc Thiện. Ngày 17-3-1975 Bộ Tư lệnh quyết định cho quân giải phóng hành quân về Lạc Thiện để phản công xung kích. Khi kiểm tra đường 19 thấy hình hình bố trí lực lượng của địch ở Lạc Thiện đã được tăng cường, bởi sau trận đánh ở Buôn Ma Thuột địch hoang mang, lo sợ và tăng cường quân chủ lực, hỏa lực, vũ khí để đánh trả ta. Đúng 0h ngày 17-3-1975, ta nổ súng tiêu diệt các đồn bảo an bên ngoài của địch. Chúng tăng cường lực lượng bằng mọi cách điên cuồng phản kích. Đến 3 giờ chiều ngày 18-3-1975, dưới sức mạnh như vũ bão của quân và dân ta, đầu não của địch ở quận Lạc Thiện hoàn toàn bị tiêu diệt, mọi con đường tiếp tế của địch với thị xã Buôn Ma Thuột hoàn toàn bị cắt đứt.
Không chỉ đề cao thế mạnh quân sự, với ông Ama H’ Oanh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột thì chiến thắng Buôn Ma Thuột lịch sử không thể thiếu vai trò của quần chúng nhân dân. Trong trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột, ông được phân công thành lập Đội Công tác chính trị có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội chủ lực và quần chúng nổi dậy giành quyền, cắt đứt đường 21- nơi giao lưu giữ tiền phương và hậu phương của địch.
Vì vậy ngay khi tiếng súng giải phóng Buôn Ma Thuột đầu tiên nổ ra thì địch đã ở trong thế bị bao vây cô lập. Tất cả các con đường chi viện của địch đã hoàn toàn bị cắt đứt. Bộ Tư lệnh hạ quyết tâm đánh sụp quân ngụy và bộ máy chính trị ngụy quyền, giành quyền làm chủ. Sau khi quân giải phóng đánh chiếm Buôn Ma Thuột thì lực lượng học sinh, sinh viên của các trường Buôn Ma Thuột, Nguyễn Công Trứ… nhận nhiệm vụ tiếp quản các cơ quan, công sở, thu gom tài liệu, tịch thu tài sản khi địch tháo chạy. Lực lượng công nhân điện, công nhân nhà máy nước đã chủ động đề xuất với Đội Công tác chính trị hỗ trợ bảo vệ để họ trực tiếp trùng tu, sửa chữa hệ thống điện nước của thị xã trong thời gian sớm nhất,… Nhờ đó, chỉ 3 ngày sau giải phóng, hệ thống hạ tầng điện nước của thị xã cơ bản được hoàn thành. Ông Ama H’ Oanh nhấn mạnh: “Nhờ huy động được sức mạnh và tinh thần đoàn kết của các tầng lớp nhân dân nên việc tiếp quản thị xã được diễn ra thuận lợi, âm mưu phản kích của các thế lực thù địch, phản động hoàn toàn bị dập tắt. Chiến thắng Buôn Ma Thuột có thể nói là chiến thắng của sức mạnh lòng dân”.
Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, thành phố Buôn Ma Thuột đang trên đà phát triển như một lời khẳng định của thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống hào hùng của các bậc cha anh, những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Chiến thắng Buôn Ma Thuột oanh liệt của nhân dân ta sẽ còn được nhắc mãi, và sống mãi với những người đã đi qua thời lửa đạn và tới tận mai sau…
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc