Làm công tác chính trị tư tưởng ngày ấy...
Đại tá Phan Công Thí, người đã từng có nhiều năm công tác trên mặt trận tư tưởng chia sẻ về những hồi ức trong giai đoạn lịch sử ấy. Gắn bó với Ban Chính trị Tỉnh Đội Dak Lak từ năm 1970 và chính thức đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm chính trị, từ năm 1973 đến 1986, ông hiểu rõ ý nghĩa của công tác Đảng, công tác chính trị, nhất là trước những chiến dịch, trận đánh. Ông cho rằng công tác ấy có thể coi như “bước tiền trạm”, tạo nền tảng thành công ngay từ trong tinh thần của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Ấy là cuộc chiến tưởng chừng không gian khổ, không phải đối mặt trực tiếp với bom đạn nhưng lại có sức nặng không thể cân đong, đo đếm. Theo lời kể của Đại tá Phan Công Thí, Ban Chính trị của Tỉnh Đội ngày ấy gồm 7 tiểu ban, gồm: tổ chức, cán bộ, tuyên huấn, chính sách, bảo vệ, dân vận và binh vận. Mỗi tiểu ban đảm nhận một mặt công tác nhưng phải đồng bộ hóa để ai cũng có thể thực hiện khi cần điều động. Nhiệm vụ chính trị chung của Ban là nắm bắt, bồi đắp, xây dựng tinh thần, ý chí quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Công việc có ý nghĩa quan trọng, triển khai trên nhiều mặt công tác nhưng lực lượng của Ban lúc ấy chỉ trên dưới 50 cán bộ, chiến sĩ.
Đại tá Phan Công Thí và hồi ức về những ngày làm công tác Đảng, công tác chính trị thời chiến. |
Để bảo đảm lương thực cho đơn vị cũng như phục vụ việc chăm sóc, nuôi dưỡng cán bộ chuẩn bị cho chiến trường, giữa những năm tháng bom đạn khốc liệt, việc tăng gia sản xuất vẫn được anh em chiến sĩ tích cực thực hiện. Đặc biệt, Ban Chính trị đã xây dựng một đội sản xuất, tuy chỉ có 2 người nhưng mùa vụ, thu hoạch vẫn chu toàn. Đại tá Phan Công Thí nhớ lại: Ngày ấy, đồng chí Bí ở đội sản xuất đã có sáng kiến và mạnh dạn thực hiện phương châm phá sình lầy, làm ruộng nước. Cũng từ đó mà cán bộ chiến sĩ bớt phải ăn độn, có gạo để ăn.
Chuẩn bị cho trận đánh Buôn Ma Thuột, theo chỉ thị của cấp trên, Ban có nhiệm vụ tổ chức nhiều lớp học chính trị, quán triệt tình hình để cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang của tỉnh nhận rõ thời cơ, thấy rõ khó khăn. Tinh thần được xác định là: Buôn Ma Thuột được chọn làm trận đánh then chốt, trận đánh mở đầu, làm một đòn đánh hiểm, nhằm vào chỗ sơ hở, điểm yếu của địch. Đánh Buôn Ma Thuột, ta sẽ có khó khăn trong việc trinh sát nắm địch, nắm địa hình, vận chuyển vật chất hậu cần và cơ động tập kết, triển khai lực lượng. Theo đó, mọi hoạt động chuẩn bị phải rất công phu và phải tuyệt đối giữ bí mật, kết hợp với hoạt động nghi binh thu hút sự chú ý và đối phó của địch về hướng khác thì mới loại bỏ được khả năng địch tăng cường dự phòng. Chỉ thị của cấp trên là vậy nhưng giảng giải sao cho thuyết phục và quan trọng hơn truyền đạt để chiến sĩ khó khăn không nản, nguy hiểm không lùi bước, cùng chung ý chí quyết tâm đồng lòng là điều khó. Cùng với những lớp học tập chính trị, nhiều hoạt động tuyên truyền khác cũng được thực hiện để khơi dậy khí thế tiến công và giữ bầu nhiệt huyết, ngọn lửa đấu tranh quyết chiến quyết thắng trong cán bộ, đảng viên, chiến sĩ. Đội tuyên truyền văn hóa, đội điện ảnh của Ban Chính trị, trước và sau trận chiến đều tỏa về tận cơ sở để biểu diễn văn nghệ, chiếu phim. Nắm được chủ trương về thực hiện Chiến dịch Tây Nguyên, nội dung chương trình để tuyên truyền được Ban xây dựng chuẩn bị, rà soát chu đáo. Phương tiện đi lại, vận chuyển không có, anh em trong đội văn nghệ, chiếu phim phải gùi máy móc, gùi những thước phim tư liệu, đi xuyên rừng đến các địa bàn. Tiểu ban dân vận thì có nhiệm vụ giáo dục, quán triệt để trong quá trình chiến đấu phải giữ nghiêm kỷ luật, tác phong, phẩm chất đạo đức, không được tơ hào đến tài sản của nhân dân. Tiểu ban binh vận thì tuyên truyền, phổ biến trên tinh thần cán bộ chiến sĩ khi vào vùng địch, bắt tù binh không được hành hạ, phải đối xử đàng hoàng, nhân văn.
Trong trận đánh Buôn Ma Thuột, lực lượng vũ trang của tỉnh được tổ chức thành hai bộ phận: Một bộ phận trên cơ sở phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu ở thị xã; lực lượng vũ trang của các huyện thì ghìm địch, giữ địch và đánh địch tại chỗ. Chiến thắng Buôn Ma Thuột, mở màn cho Đại thắng mùa Xuân 1975 là thành quả của một kế sách quân sự tuyệt vời. Nhận định về những đóng góp của công tác Đảng, công tác chính trị trong những năm khói lửa chiến tranh nói chung và với riêng chiến thắng Buôn Ma Thuột, theo Đại tá Phan Công Thí, cái quý giá nhất là góp phần xây dựng được ý chí quyết tâm cho cán bộ, trong gian khổ, ác liệt sẵn sàng xả thân chiến đấu để giải phóng đất nước. Cái quý tiếp theo là đã góp phần xây dựng được nhiều chi bộ 4 tốt: tư tưởng tốt, tổ chức tốt, ý chí tốt, công tác tốt. Cái quý nữa là đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm cán bộ cấp úy; sau giải phóng nhiều đồng chí trở thành những cán bộ cốt cán của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhiều đơn vị được tuyên dương anh hùng. Xin được nói thêm rằng khi đề cập đến những đóng góp này, ông cứ nhắc đi nhắc lại với chúng tôi là chỉ nên dùng từ “góp phần” bởi chiến thắng quá vĩ đại, còn những mất mát hy sinh của bao cán bộ, chiến sĩ, đồng bào thật bi tráng.
Đàm Thuần – Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc