Mãi không quên những ngày tháng tiếp quản Buôn Ma Thuột sau giải phóng
Sôi động, hào hùng và đầy nhiệt huyết tuổi trẻ của những tháng ngày được trực tiếp tham gia, hòa mình vào không khí náo nức, cấp tập tiếp quản thị xã Buôn Ma Thuột sau giải phóng... có lẽ sẽ mãi là những kỷ niệm khó quên trong ký ức của những cán bộ lão thành cách mạng năm xưa – những người góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
†Ông NGUYỄN AN VINH, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Dak Lak: Mỗi người đều là một cán bộ dân vận
Khi vào tiếp quản thị xã Buôn Ma Thuột sau giải phóng, tôi là Phó Ban Thường trực Ban Sản xuất tỉnh, Chánh Văn phòng của UBND cách mạng tỉnh. Chiều 11-3-1975, tôi là một trong những thành viên của đoàn Dân – Chính đi tiếp quản tập kết ở Trường Bồ Đề và rạp Hòa Lạc (khu vực đối diện chùa Khải Đoan bây giờ). Lúc ấy quân ngụy tại khu vực đó đã rút rồi, nhưng ở khu vực phía Đông của trung tâm thị xã từ đoạn ngã ba Hòa Bình (Km 5) trở đi quân ngụy vẫn chưa rút hoàn toàn (căn cứ Trung đoàn 45 của ngụy đóng ở đó), vẫn còn đạn bom, khói lửa. Khi chúng tôi vào tiếp quản, do vừa xảy ra trận chiến nên người dân sơ tán, chạy đi lánh ở các rẫy cà phê. Điện, nước không có, trời nóng gay gắt. Đến ngày hôm sau, chúng tôi bắt tay ngay vào công việc tiếp quản. Các ngày sau đó (từ ngày 12, 13-3) thấy giải phóng xong thì người dân lại dần dần trở về. Ban đầu một số người dân cũng hoang mang, lo ngại, chúng tôi phải làm công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu, rồi đưa loa đi theo xe lưu động kêu gọi, giải thích... Có thể nói, bên cạnh công tác, nhiệm vụ chuyên môn, mỗi người chúng tôi đều là một cán bộ dân vận.
Ông Nguyễn An Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy. |
Công việc tiếp quản những ngày đầu biết bao bận rộn. Đoàn chúng tôi có nhiệm vụ đi tiếp quản các cơ sở. Các cơ sở của địch để lại có nhiều ty lắm, khối Kinh - Tài tiếp quản đến hàng chục ty của chính quyền ngụy. Chẳng hạn như các Ty Nông nghiệp, Ty Điền địa, Ty Thủy - Lâm, Ty Tài chính, Ty Ngân khố, Ty Kiến thiết, Ty Tạo tác, Ty Giao thông – Công chính, các ngân hàng, nhà máy điện, nhà máy nước, Trung tâm Thực nghiệm Ea Kmát, các kho lương thực, nhu yếu phẩm (phần nhiều của lực lượng hậu cần của quân đội ngụy)... Khi vào tiếp quản, phần nhiều tại những cơ sở đó, trước khi các cơ quan của ngụy quyền rút đi đã phá hủy, hoặc chuyển tài liệu đi, hoặc bị hư hỏng do bom đạn; tài sản hầu như không còn mấy. Trong số những tài liệu ngành chúng tôi tiếp quản có tài liệu quan trọng nhất là tài liệu của Ty Điền địa, những sổ sách, giấy tờ về đất đai coi như tiếp quản được gần đầy đủ; rồi cả các hồ sơ của ngân hàng, các cơ sở vật chất như xăng dầu, các kho lương thực (có kho có chứa tới 500-700 tấn gạo)... Những nhu yếu phẩm thì mình lấy cấp phát cho người dân để sớm ổn định đời sống. Bên cạnh đó vì là người phụ trách về sản xuất nên tôi còn tiếp quản các đồn điền; trong đó phần nhiều chủ đồn điền là người ngoại quốc như: người Pháp, người Ý, người Hoa... Chúng tôi tổ chức triệu tập, mời các chủ đồn điền đến họp để giải thích các chính sách của cách mạng để họ yên tâm làm ăn (phần nhiều các chủ đồn điền còn ở lại vì họ biết họ chỉ làm kinh tế, không liên quan đến ngụy quân ngụy quyền)...
Có thể nói, khi ấy công việc nhiều, cấp bách, khẩn trương mà nhân sự tương đối mỏng, nhưng với sự nỗ lực của từng cán bộ, cùng với sự bắt nhịp nhanh chóng để hỗ trợ của lực lượng tăng cường nên chỉ trong thời gian ngắn mọi mặt đều sớm đi vào ổn định: điện, nước, phát thanh được phục hồi... Khoảng chừng sau 1 tuần, tức là ngày 18-3, Ủy ban Quân quản của tỉnh ra mắt tại Đình Lạc Giao thì lúc đó mọi công việc cũng cơ bản ổn định, ta đã đánh xong, địch đã rút hoàn toàn, giải phóng toàn bộ Buôn Ma Thuột. Và sau vài tháng, khoảng tháng 7, 8 thì tình hình đã ổn định, các cơ quan hoạt động bình thường, từ ngân hàng, tài chính, các ngành sản xuất cho đến giáo dục, y tế...
* Ông HÀ NGỌC ĐÀO, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Nhiệm vụ vinh dự nhất trong đời
Trước khi vào tiếp quản Buôn Ma Thuột, chúng tôi được phổ biến tình hình, giao nhiệm vụ sẽ tấn công tiêu diệt địch giải phóng Buôn Ma Thuột, giải phóng Dak Lak, tạo thế và lực tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam... Cán bộ đảng viên ban ngành nào vào Buôn Ma Thuột cũng tập trung làm công tác dân vận, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của dân, đồng thời tiếp quản cơ sở vật chất, công chức của ngành mình, nhanh chóng tuyên truyền, giáo dục, tổ chức... để mọi hoạt động sớm trở lại bình thường.
Theo sau các chiến sĩ giải phóng tiến vào Buôn Ma Thuột, đoàn quân Giáo dục trong khối đông đảo cán bộ Dân - Chính cũng nai nịt gọn gàng, súng đạn đầy mình. Tôi và anh Nguyễn Trúc được cử đi trong đoàn quân ấy. Nhận nhiệm vụ, chúng tôi vui mừng sung sướng ôm nhau đến ngạt thở. Và không nói ra, nhưng ai cũng lo làm sao hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề nhưng vô cùng vinh dự không thể lặp lại lần thứ hai trong đời.
Ông Hà Ngọc Đào (người đi giữa) thay mặt Ban Giáo dục thị xã Buôn Ma Thuột tiếp quản Trường Tư thục Dục Anh năm 1975. Ảnh: T.L |
Những ngày đầu vào tiếp quản, mưa bom, bão đạn vẫn trút xuống Buôn Ma Thuột. Trên bầu trời đầy khói lửa, máy bay địch thường xuyên quần đảo, nhưng chúng không dám bay thấp. Mỗi lần máy bay xuất hiện, cả lưới lửa của ta bủa vây. Vì vậy mấy đợt chúng thả bom xuống cơ quan chỉ huy dã chiến của Ủy ban Quân quản đều rơi vào khu vực dân cư. Những cuộc oanh kích đã tàn phá các khu dân cư trung tâm như chợ Buôn Ma Thuột, dãy phố thương mại Mỹ Cảnh góc đường N’Trang Lơng – Lý Thường Kiệt và bom rơi xuống vùng suối Đốc Học... Đêm đến, chúng tôi đề phòng máy bay bỏ bom lén nên tất cả đều ngủ dã chiến trên nền nhà, dưới các rãnh; tiếng chân hành quân của chiến sĩ vẫn rầm rập bước dồn; tiếng xích xe tăng nghiến mặt đường không ngớt... Những đêm căng thẳng, mất ngủ, nhưng chúng tôi vô cùng hân hoan tin tưởng lần này thắng lợi thật rồi.
Trong không khí nóng bỏng bom đạn ấy, chúng tôi tập hợp anh em giáo chức cũ và cũng có cả những người tự tìm đến với chúng tôi. Chúng tôi phân công gấp rút chuẩn bị chương trình, sách giáo khoa, nhân sự, cơ sở vật chất để học khóa chuyển tiếp chương trình năm học 1974-1975, để thi tốt nghiệp tú tài 2 đúng tiến độ. Bộ Giáo dục, Ban Giáo dục Khu 5 chỉ đạo bằng nhiều văn bản và chủ trương mở nhiều lớp tập huấn cho giáo viên để nhanh chóng mở lại trường học. Lúc này không khí chung rất hồ hởi, náo nức chuẩn bị vào học, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn; trong đó cái khó nhất là làm sao có chương trình, tài liệu để giảng dạy. Nhưng bằng sự nỗ lực cũng như được sự chi viện, cán bộ giáo viên ngoài Bắc vào, Khu V tăng cường, rồi giáo viên địa phương phối hợp với nhau để giảng dạy nên dần dần công việc cũng đi vào ổn định.
Có thể nói, mọi việc đều dựa vào nhân dân như lời Bác Hồ đã dạy, nên mới có thể thành công, nhanh chóng ổn định tình hình như vậy. Trong mấy ngày đầu vào tiếp quản, ngành Giáo dục chỉ có 2 người, trong khi đó công việc nhiều, địa bàn lại rộng, yêu cầu trong 2 tháng phải ổn định, hoàn thành chương trình chuyển tiếp nếu không có sự hỗ trợ của người dân thì sẽ không làm được. Cho nên phải dựa vào nòng cốt của mình, từ 1 thành 2, thành 4 theo cấp số nhân, giáo viên vận động giáo viên, từ giáo viên vận động học sinh... thì mới thực hiện được. Hồi đó ban ngày chúng tôi làm công tác chuyên môn, ban đêm thì đi vận động, làm công tác phổ cập, xóa mù chữ, thời gian nghỉ ngơi chỉ tranh thủ... cứ thế đi vào cả những vùng xa xôi, nguy hiểm, đi mà không sợ chết, không sợ có việc gì xảy ra. Có lẽ do mình cũng đã trải qua những ngày tháng ở trong rừng, đối mặt với bom đạn, thử thách, giữa sự sống và cái chết nhiều rồi nên mới tôi luyện được bản lĩnh như thế...
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc