Multimedia Đọc Báo in

Chuyện kể về Ama H'Loan ngày ấy

11:25, 06/05/2015

Ông Ama H’Loan (tên thường gọi của Y Siêm Byă) từng là Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Krông Bông. Không nhiều người biết rằng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tên tuổi của ông gắn liền với nhiều chiến công hiển hách…

Tháng 4-1958, ông Y Siêm Byă (Ama H’Loan), người dân tộc M’nông, sinh năm 1940 ở buôn Mnang đơng (thuộc xã Yang Mao, huyện Krông Bông ngày nay) tham gia hoạt động cơ sở bí mật thuộc đơn vị E7 (Dak Lak), được tổ chức phân công vào sâu vùng địch kiểm soát để móc nối xây dựng cơ sở cách mạng, vận động quần chúng đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Tình thế lúc này rất khó khăn, với chính sách “ly khai”, “tố cộng”, chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức bố trí canh phòng cẩn mật “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Để tuyên truyền, vận động người dân trong vùng địch kiểm soát tin theo Đảng, Ama H’Loan đã mưu trí vận dụng lối kể khan của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa chuyển tải nội dung tuyên truyền, nhờ cách diễn đạt dễ đi vào lòng người mà số người ủng hộ cách mạng ngày càng đông. 

Ông Ama H’Loan cùng những kỷ vật thời chiến.
Ông Ama H’Loan cùng những kỷ vật thời chiến.

Sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi ở Bến Tre, khí thế cách mạng nhanh chóng lan ra khắp Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Tại Dak Lak, vào ngày 20-9-1961, với tinh thần quật khởi, quân và dân 3 xã Lăk Cư Phiăng, Lăk Măn và Lăk Yang Đăm thuộc vùng 4 (B5 cũ)  (bao gồm 4 xã cánh đông huyện Krông Bông ngày nay) đã đứng lên “diệt ác phá kiềm” giành chính quyền về tay nhân dân. Từ đây đã có hàng trăm thanh niên lên đường tòng quân nhập ngũ và thoát ly tham gia vào các cơ quan dân, chính, đảng của tỉnh và huyện.  Ama H’Loan và đội công tác của mình liên tiếp lập nên nhiều chiến công, được người dân quen gọi với cái tên trìu mến “đội công tác Ama  H’Loan”. Họ gọi vậy vì ít ai biết ông giữ chức vụ gì, mà chỉ biết rằng khi thì ông cùng du kích đi đánh địch, khi thì ông làm công tác binh vận, lại có lúc ông dẫn dân tham gia  đấu tranh chính trị rồi phụ trách thanh niên …

Sau khi ta tiến công nổi dậy giành chính quyền thắng lợi, địch phải rút về củng cố tuyến phòng ngự tại Amí Ga, tăng cường 6 đại đội biệt kích có cố vấn Mỹ, được trang bị nhiều vũ khí tối tân, đồng thời xây dựng một sân bay lên thẳng, thường xuyên tổ chức các cuộc đi càn, dồn dân lập “ấp chiến lược” hòng cô lập vùng giải phóng. Bằng kinh nghiệm thực tiễn và sự nhanh nhẹn, Ama H’Loan đã vượt qua tầm kiểm soát gắt gao của địch, thực hiện “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con, được nhân dân yêu quý đùm bọc. Ngày 9-5-1965, sau khi huyện H9 được giải phóng, địch cưỡng bức đồng bào ở các buôn làng làm bức bình phong để tháo chạy về Phước An. Lúc này  với cương vị là đội trưởng đội công tác, ông Ama H’Loan được phân công, tổ chức lực lượng phối hợp với bộ đội chủ lực vừa đánh chặn đường rút lui của địch vừa bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng cho dân. Ama H’Loan đã lên phương án chia ra làm 2 tổ để đánh nghi binh, sau một ngày giao chiến ác liệt, địch bị tiêu diệt khoảng 30 tên.

Mùa xuân 1968, Ama H’Loan được phân công dẫn đoàn binh vận tiên phong gồm 20 người tập kết từ Ea Phê (huyện Krông Pak), băng rừng cao su kịp có mặt tại buôn Kô Tam kêu gọi binh lính địch đầu hàng để đoàn người tham gia “đấu tranh chính trị” tiến vào thị xã Buôn Ma Thuột… Bà H’Reo Bkrông, một cán bộ binh vận cùng tham gia đấu tranh chính trị năm 1968 (hiện là thương binh ở buôn Hngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) kể lại: “Đồng chí Ama H’Loan là một người chỉ huy rất giỏi. Để tránh thương vong cho đoàn người biểu tình, ông đã một mình trinh sát địa hình sau đó mở đường men theo rẫy cao su ở buôn Kô Tam (thị xã Buôn Ma Thuột) tiếp cận mục tiêu. Bị địch bắt, ông đã mưu trí dùng tay không quật ngã tên lính địch rồi  tước vũ khí, vượt qua hàng rào kẽm gai đầy mìn, thoát khỏi vòng vây an toàn…”.

Tên tuổi của Ama H’Loan còn gắn với trận đánh tiêu diệt 3 xe bọc thép ở Thăng Quý, Vụ Bổn (huyện Krông Pak) năm 1970. Ông Y Kriêng Bkrông (thường gọi Ama Nan, du kích buôn Hngô A) nhớ lại: “Ngày 17-3-1970, khi nhận được tin địch chuẩn bị tổ chức lực lượng vượt sông Krông Bông đi càn vào vùng căn cứ H9, đội công tác gồm có 8 người  do đồng chí Ama H’Loan chỉ huy họp bàn tổ chức lực lượng đánh chặn ngay trên đường địch di chuyển quân tại Thăng Quý, Vụ Bổn. Khi phát hiện đoàn xe bọc thép gồm 3 chiếc chở địch vào đúng vị trí, đồng chí Ama  H’Loan và đồng chí Y Lực đã dùng B40 bắn cháy một xe và một xe bị hỏng tại chỗ. Bị tập kích bất ngờ, địch không kịp trở tay nhưng vẫn truy đuổi. Đồng chí Ama H’Loan cho đội công tác rút vào rừng sâu tìm đường đánh bọc hậu, đến sáng hôm sau thì chiếc xe bọc thép thứ 3 đã bị tiêu diệt, buộc địch phải rút lui, hủy bỏ kế hoạch đi càn”.

Với những chiến công của mình, Ama H’Loan đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì… Sau giải phóng, ông Ama H’Loan được Đảng và Nhà nước phân công giữ nhiều trọng trách như Chủ tịch UBND huyện Krông Bông rồi Tỉnh ủy viên,  Bí thư Huyện ủy Krông Bông. Trên mọi cương vị công tác, ông luôn là người mẫn cán với công việc, thường xuyên gần gũi lắng nghe tâm tư nguyện vọng của quần chúng, được nhân dân yêu mến.  Giờ đây, mặc dù đã nghỉ hưu và ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, người chiến sĩ cách mạng năm xưa vẫn tâm nguyện rằng đồng bào các dân tộc trong huyện luôn giữ gìn sự đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế-xã hội, sớm đưa huyện Krông Bông thoát ra khỏi danh sách huyện nghèo…

Mai Viết Tăng 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.