Multimedia Đọc Báo in

Hồ Chí Minh - Người là mạch nguồn tỏa sáng trong thơ ca

06:04, 17/05/2015

Bác Hồ là con người Việt Nam đẹp nhất. Con đường cứu nước, cứu dân và đạo đức Hồ Chí Minh  mãi là mạch nguồn tỏa sáng trong thơ ca.

Trong trường ca Theo chân Bác, nhà thơ Tố Hữu viết: “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta/Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa/Chỉ biết quên mình cho hết thảy/Như dòng sông chảy nặng phù sa...”. Tấm lòng của Bác luôn rộng mở, là một lãnh tụ cách mạng, bận trăm công nghìn việc, vậy mà Bác vẫn luôn quan tâm đến việc chăm sóc, ân cần với mọi người.

Khi ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, Người thương các dân tộc trên thế giới bị áp bức:...Á, Âu đâu cũng lòng trong đục/ Vàng máu chia 2 cảnh khổ giàu (Theo chân Bác - Tố Hữu). Đau đáu nhất là lòng thương dân tộc Việt của Bác. Khi rời Tổ quốc để bôn ba “bốn biển năm châu”, Người thao thức không ngủ vì nỗi lòng thổn thức của người con phải rời xa đất mẹ: “Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ?/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương! /Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/Xa nước rồi càng hiểu nước đau thương” (Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên).

Trong tập thơ Đèo trúc, có một chùm thơ Vũ Cao viết về Bác. Từ những tâm tình khác nhau, Vũ Cao kể lại tỉ mỉ những chi tiết và những cảm xúc về lần anh gặp Bác Hồ ở rừng núi Việt Bắc: “Giây phút ấy, lần đầu tiên gặp Bác/ Cho dẫu chết chẳng bao giờ quên được”. Thơ Nông Quốc Chấn khắc ghi hình ảnh Cụ Hồ bình dị, đời thường mà vẫn vĩ đại: “Lại có Cụ già chân đi đất/ Mặc bộ quần áo Nùng/ Tay cầm cái gậy mây rừng/ Miệng ngậm một điếu can không khói/ Bộ râu dài vừa trắng vừa đen/ Chân tay nhanh nhẹn như thanh niên... /Cụ già cười, vẫy chào người đứng đón” (Bộ đội ông cụ).

Bác Hồ tiếp chuyện các nhà văn, nhà thơ: Tố Hữu (ngoài cùng bên trái),  Phan Tứ (áo trắng) và Trần Đình Vân.                                      Ảnh: Tư  liệu
Bác Hồ tiếp chuyện các nhà văn, nhà thơ: Tố Hữu (ngoài cùng bên trái), Phan Tứ (áo trắng) và Trần Đình Vân. Ảnh: Tư liệu

Sau Cách mạng tháng 8-1945, Xuân Diệu là một trong những văn nghệ sĩ nhiệt tình nhất đi theo kháng chiến, lột xác từ bỏ thành phần giai cấp của mình, gia nhập giai cấp công nhân - được kết nạp Đảng năm 1947 tại chiến khu Việt Bắc. Xuân Diệu ngợi ca Bác Hồ: “Mỗi lần tranh đấu gay go/Chúng con lại được Bác Hồ đến thăm /Nghe lời Bác dạy khuyên răn /Chúng con ước muốn theo chân của Người /Chúng con thề nguyện một lời/Quyết tâm thành khẩn lột người từ đây” (Bác dạy). Từ chiến khu Việt Bắc, trong kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Nguyễn Đình Thi kể: “Ở đây sống một người tóc bạc/Người không con mà có triệu con/Nhân dân ta gọi người là Bác/Cả đời Người là cả nước non” (Quê hương Việt Bắc). Và cũng chính từ chiến khu “thủ đô gió ngàn” này, người dân chiến khu gọi Bác Hồ bằng cách gọi thành kính và thân mật: “Nhớ ông cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường/ Nhớ Người những sáng tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/ Nhớ chân Người bước lên đèo/Người đi rừng núi trông theo bóng Người” (Việt Bắc-Tố Hữu). Nhà thơ Thanh Tịnh đã viết những dòng thơ xúc động về hình ảnh dung dị của vị lãnh tụ dân tộc ở Việt Bắc: “Nhớ một tối giữa rừng Việt Bắc/Được xuống đò theo Bác sang sông/Đó là Bác mà sao biết trước/Tưởng cụ già miền ngược ven sông/Dao rừng cài gọn bên hông/Gậy song cắp nách, túi vòng qua vai” (Thanh Tịnh - Trăm năm nhớ một chuyến đò).

Một ngày đầu thu, Xuân Thủy đến thăm thành Tua, nơi Bác và đồng chí Macsxen Casanh tham gia Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920. Xuân Thủy lại tìm đến ngõ Côngpoanh, ngôi nhà số 9, thăm gian phòng hẹp đơn sơ, nơi Bác đã chịu những ngày đông lạnh giá để tìm ra lẽ sống của dân tộc:“Tôi nghe xưa tuyết giá mùa đông/Một viên gạch Bác nung thành sức ấm/Trên trái đất biết bao là vực thẳm/Khói bụi mù khi ấy Việt Nam ơi!/Bác ngồi đây suy nghĩ bốn phương trời/Mở cửa sổ gió ngoài lồng lộng/Chính nơi đây Bác tìm ra lẽ sống”(Thăm Côngpoanh).

Sau Hiệp định Geneva năm 1954, đất nước Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Cuộc phân ly tạm thời tưởng rằng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử thống nhất, nhưng thực tế đã kéo dài tới 21 năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã luôn hướng về miền Nam và dành cho đồng bào miền Nam tình thương yêu sâu nặng. Trong cảnh đất nước tạm thời chia cắt, bà má miền Nam đã gửi ra dâng Bác “gói đất miền Nam” với nghĩa tình thủy chung son sắt: “Đất này mảnh đất quê hương/ Cùng chung máu thịt giang sơn Lạc Hồng/Xin dâng Cụ cả tấm lòng/ Cụ tin ở bức thành đồng miền Nam” (Gói đất  miền Nam-Xuân Miễn). Với nhà thơ Giang Nam, hình ảnh Bác Hồ đến với nhà thơ lúc đó thật tình cờ, khi ông nhìn thấy tấm hình Bác được in trên báo Thống Nhất. Cảm xúc ùa về, ngay trong đêm đó, ông viết rất nhanh những dòng thơ:“Vui sao giữa những ngày gian khổ/Bác đã về đây với chúng con/Tờ báo mới, thơm mùi mực mới/Đến với con qua lớp lớp Trường Sơn”. Trong mường tượng của nhà thơ, hình ảnh Bác “…vẫn giản đơn như cuộc đời bộ đội/ Vẫn đôi dép cao su bốn mùa không thay đổi/Vẫn bộ đồ ka-ki quen thuộc, bạc màu”. Chính vì thế: “Con nhớ như in từng lời của Bác/Tiếng nói quê hương trong tiếng nói một người…”(Con viết bài thơ dâng Bác).

Ghi lại cảm xúc của những người con miền Nam đối với Bác Hồ, nhà thơ Giang Nam đã làm toát lên niềm tin mãnh liệt, một lòng một dạ đi theo Bác của người dân miền Nam. Dù trong xà lim ngục tối, hay trước lưỡi lê máy chém, hàng vạn đồng bào miền Nam vẫn như thấy Bác đang an ủi, vỗ về. Và mong ước tột cùng không gì khác ngoài: “Ngày mai tan lũ quân thù đế quốc/Chúng con sẽ về quanh Bác, Bác ơi!/Băng bó đau thương, xây dựng lại cuộc đời/Như muôn mạch máu li ti trở về tim vĩ đại”(Con viết bài thơ dâng Bác).

Những vần thơ viết về Bác đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi chúng ta, viết về Bác là viết về một nguồn sáng vĩ đại của thời đại, nguồn sáng ấy mãi mãi soi đường dẫn lối cho chúng ta và muôn đời về sau.

Nguyễn Văn Thanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.