Multimedia Đọc Báo in

Thăm lán Nà Nưa nghe kể chuyện Bác Hồ

08:45, 28/05/2015

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi thuộc thế hệ trẻ ở miền Nam được sinh ra khi nước nhà đã độc lập có dịp đặt chân đến chiến khu Tân Trào - nơi ở và làm việc của Bác Hồ trong khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đến tháng 8-1945. Qua đó, cảm nhận giá trị của không gian lịch sử và văn hóa, đặc biệt là nếp sống giản dị và đức hy sinh của “Vị Cha già dân tộc”.

Men theo 79 bậc đá tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác, chúng tôi theo chân một hướng dẫn viên du lịch để đến thăm lán Nà Nưa – một căn lán nhỏ, đơn sơ nằm ở sườn núi Nà Lừa, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) – nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc. Với kiểu nhà sàn được dựng dưới các tán cây rậm rạp để đảm bảo bí mật, lán được chia thành hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi nghỉ, gian bên ngoài là nơi làm việc và tiếp khách của Bác. Điều đặc biệt ở đây là lán Nà Nưa đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra: “Gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”. Tại đây, ngày 4-6-1945, Người đã triệu tập hội nghị cán bộ để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập Khu giải phóng và Quân giải phóng, chuẩn bị hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội.
Du khách tham quan và tìm hiểu về lán Nà Nưa, nơi Bác sống và làm việc  trong thời gian ở Tân Trào.
Du khách tham quan và tìm hiểu về lán Nà Nưa, nơi Bác sống và làm việc trong thời gian ở Tân Trào.

Ba tháng sống và làm việc tại căn lán đơn sơ trên khu rừng Nà Lừa, Bác đã có những nhận định đúng đắn, quyết sách kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng. Cũng trong thời gian này, với phong thái điềm tĩnh, nếp sống giản dị, gần gũi và khiêm tốn, “ông Ké cách mạng” đã để lại nhiều ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng mỗi người dân Tân Trào. Theo lời kể của người hướng dẫn viên, khi ở lán Nà Nưa, do điều kiện thời tiết núi rừng khắc nghiệt; đời sống gian khổ, thiếu thốn với những bữa ăn đạm bạc chỉ có măng rừng chấm muối, cơm chan nước chè xanh... sức khỏe của Bác giảm sút. Cuối tháng 7-1945, Bác bị ốm nặng với những cơn sốt cao, những cơn ho dai dẳng khiến nhiều lúc mệt lả, mê man, nhưng mỗi khi tỉnh lại Người cố gượng dậy làm việc. Thuốc men khan hiếm, chỉ với vài viên thuốc cảm và ký ninh không thể giúp Bác khỏi ốm. Trước tình hình đó, các cán bộ chiến sĩ và người dân ai nấy đều lo lắng, có người vào rừng tìm lá thuốc về sắc nước, có người ra sông bắt được con ba ba đem về cắt tiết nhỏ vào rượu cho Bác uống và cầu mong Bác mau khỏi bệnh, nhưng sức khỏe Bác chẳng khá lên chút nào. Một lần trong lúc tỉnh lại, Bác nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Lời căn dặn này khiến mọi người càng lo lắng cho sức khỏe của Bác, rất may sau đó, nhờ sự mách bảo của nhân dân, có một cụ lang già tìm đến chữa bệnh cho Bác. Sau khi xem mạch, sờ trán Bác, ông vào rừng tìm về một thứ củ đem đốt cháy lên và hòa vào cháo loãng cho Bác ăn. Sau một vài lần như thế, Bác đã khỏi bệnh và tiếp tục làm việc… Nói về vị thầy lang này, người hướng dẫn viên cho biết, sau này, đã có rất nhiều người được phân công nhiệm vụ đi tìm ông, nhưng vẫn không tìm được, cũng như đến nay vẫn không ai biết được vị thuốc đã chữa bệnh cho Bác trong những ngày ốm nặng.

Về Tân Trào thăm các di tích lịch sử cách mạng, nghe chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc trong điều kiện khắc nghiệt mà vẫn lạc quan, ngời sáng tinh thần anh hùng cách mạng. Ở đó, căn lán Nà Nưa đã và đang trở thành điểm tham quan, du lịch, là nơi để thế hệ trẻ tìm về nguồn cội của những năm tháng đấu tranh kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và trên hết đây là nơi in bóng dáng sâu đậm của vị lãnh tụ vĩ đại, người Cha già kính yêu của cả dân tộc Việt Nam. Có lẽ trong tâm trí của mỗi người, hình ảnh và tấm gương sáng về đức hy sinh trong thời kỳ Người ở và làm việc tại Tân Trào luôn sáng mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nói riêng. Để rồi hôm nay, mỗi khi có dịp đặt chân đến vùng đất này, chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động và thầm hứa với lòng phải tiếp tục nỗ lực sống, phấn đấu và làm việc theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

 Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.