Tháng 5 hành trình theo chân Bác
Những ngày tháng 5 lịch sử, hướng về kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, chúng tôi có một cuộc hành trình về thăm những di tích, địa danh, nơi xưa kia, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ chọn là nơi dừng chân để chuẩn bị cho chiến lược lâu dài.
Chu Hóa ngày ấy Bác về
Cái nắng oi ả cùng tiếng ve râm ran đầu tháng 5 trên con đường trải nhựa phong quang đưa chúng tôi về Chu Hóa, một xã vùng ven thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Chu Hóa là nơi trong những năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Bác và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng đã về làm việc trong 11 ngày trên đường lên Việt Bắc chỉ đạo kháng chiến.
Đầu tháng 12-1946, đồng chí Trần Đăng Ninh, phụ trách đội công tác Trung ương về Phú Thọ trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy chuẩn bị sẵn một số địa điểm để Bác và cơ quan Trung ương đến ở và làm việc khi cần thiết. Nơi Bác ở phải đạt yêu cầu là: “Có phong trào quần chúng tốt, đường ra lối vào thuận tiện nhưng kín đáo, bảo đảm được bí mật”. Thi hành chỉ thị cấp trên, Tỉnh ủy Phú Thọ đã khẩn trương chuẩn bị. Mọi địa điểm đều được đồng chí Trần Đăng Ninh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ xem xét cẩn thận và quyết định chọn 3 xã ở 3 huyện là xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông; xã Chu Hóa, huyện Lâm Thao (nay về Việt Trì) và xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng. Cả 3 xã này đều là nơi có phong trào cách mạng sớm, chính quyền và các đoàn thể quần chúng vững, lại nằm gần quốc lộ, thuận tiện giao thông nhưng lại kín đáo, đảm bảo được bí mật. Theo yêu cầu của đội công tác, chủ nhà các gia đình Bác ở đều vui vẻ nhường hẳn nhà cho cơ quan Trung ương, chuyển gia đình sang nhà khác ăn ở tạm một thời gian.
Du khách đang nghe giới thiệu về di tích Đá Chông. |
Cũng trong thời gian dừng chân ở Chu Hóa, Bác đã ký và soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng như: Ký 8 sắc lệnh liên quan đến tổ chức, bộ máy, bổ nhiệm cán bộ, đảm bảo quyền tự do của nhân dân; Điện chúc mừng Hội nghị liên Á; viết thư trả lời các nhà báo Pháp về cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp tại Việt Nam; gửi thư cho Báo Vệ quốc quân nói về 12 điều răn với chiến sĩ Vệ quốc quân và sau này trở thành 12 điều kỷ luật của Quân đội; hoàn thành tác phẩm "Đời sống mới"; viết thư cho đồng bào miền Nam sau đúng 100 ngày toàn quốc kháng chiến; Bác cũng viết thư gửi Thủ tướng Ấn Độ Nêru.. Trong cuốn tài liệu Lịch sử Đảng bộ xã Chu Hóa thì những ngày Bác ở đây, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước như: Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Nguyễn Lương Bằng… thường xuyên đến làm việc và xin chỉ thị của Bác.
Ngày nay, Chu Hóa đã đổi thay nhiều, cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng cải thiện. Để tưởng nhớ và ghi dấu những ngày tháng Bác về Chu Hóa, Đảng bộ và nhân dân nơi đây đã xây dựng khu nhà lưu niệm Bác ngay trong căn nhà Bác ở năm xưa. Hiện trong nhà lưu niệm Bác, nhân dân vẫn giữ được chiếc mâm gỗ, bộ trường kỷ bằng tre cùng nhiều văn bản, bản sao của Bác ở Chu Hóa. Ngày ngày, các em học sinh trường THCS, Tiểu học Chu Hóa thay nhau đến chăm sóc, quét dọn và trồng hoa trong khuôn viên nhà lưu niệm Bác.
Như Bác vẫn còn đây
Cách thành phố Thái Nguyên 50 km, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) là địa danh gắn liền với nhiều điểm di tích trong quần thể di tích ATK. Trong đó, cây đa Chợ Chu, chùa Hang gắn liền với hành trình của Bác trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Chúng tôi đến thăm chùa Hang phía bên kia sườn núi đá cao sừng sững. Ngôi chùa được thiên tạo trong lòng đá, cách thị trấn Chợ Chu 2 km. Theo sư thầy Thích Thanh Thắng, nhà sư trụ trì nhiều năm ở chùa này thì không biết rõ ngôi chùa có từ khi nào, chỉ biết, khi lớn lên đã thấy có một ngôi chùa trên vách núi đá, trong hang sâu.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, những ngày đầu khi cách mạng còn trong “trứng nước” vô cùng khó khăn, gian khổ, chùa Hang còn là một căn cứ cách mạng quan trọng. Trong tình thế giặc pháp truy lùng, càn quét lực lượng cách mạng, nhất là cơ quan đầu não của Đảng ta, chùa Hang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc bí mật, luận bàn những kế sách quan trọng chuẩn bị cho chiến dịch Thu Đông năm 1950. Vì vậy, ngày nay, cùng với ban thờ Phật, chùa Hang còn có ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thiêng liêng và tôn kính. Điều đặc biệt, ban thờ Bác Hồ được đặt ngang với ban thờ Phật trong không gian chùa. Khi được hỏi về điều này, sư thầy Thích Thanh Thắng nhấn mạnh: “Trong lòng dân, Bác Hồ là một vị phật nhân từ, bác ái, nên đặt ban thờ như vậy là một niềm tôn kính vô cùng”.
Thiêng liêng Đá Chông
Khu di tích lịch sử Đá Chông hay còn gọi là K9. Nơi đây từng in dấu chân của Bác Hồ kính yêu và là nơi từng ru giấc ngủ ngàn thu của Người. Cách thị xã Sơn Tây khoảng 25 km, khu di tích lịch sử Đá Chông nằm trên dãy núi Tản Viên huyền thoại.
Con đường từ dưới chân núi lên khu di tích là một con đường nhỏ được trải toàn bằng sỏi và đá cuội. Hai bên đường là cây rừng cổ thụ đã vài trăm năm tuổi. Khi được nghe cô hướng dẫn viên của khu di tích kể về con đường đi lên đỉnh Đá Chông, chúng tôi mới biết đó không phải là con đường mới làm mà nó là lối đi được hình thành ngay khi Bác Hồ còn ở Đá Chông. Theo Bác, việc đi trên đá sỏi, đá cuội như thế, bàn chân sẽ được “luyện tập” và đó là một cách tập thể dục hữu hiệu mà Bác đã nói với các chiến sĩ hồi đó. Hơn nữa, khi đi trên đường trải toàn sỏi giữa khu rừng rậm và im ắng, tiếng bước chân người lạo xạo trên đá sỏi sẽ giúp cho cảnh vệ phát hiện ra đang có người đến để cảnh giác.
Ngôi nhà tưởng niệm Bác Hồ bình dị và trang nghiêm giữa trung tâm đồi Đá Chông, xung quanh rợp bóng mát của những cây cổ thụ xanh tốt. Ngôi nhà ấy, theo cán bộ hướng dẫn viên, cũng là nơi mà trước đây, Bác đã có 9 lần về làm việc. Đứng trên đỉnh đồi Đá Chông, phóng tầm mắt ra xa, mới thấy hết sự hùng vĩ, vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của địa thế nơi đây. Tại đây, từ những năm 1960 đến năm 1969, Bác Hồ đã cùng Bộ Chính trị họp bàn những kế hoạch quan trọng và Người cũng dùng ngôi nhà xây theo kết cấu nhà sàn để tiếp hai đoàn khách quốc tế đó là vào ngày 13-3-1961 tiếp bà Đặng Dĩnh Siêu, phu nhân cố Thủ tướng Trung quốc Chu Ân Lai và ngày 23-2-1962 tiếp Anh hùng vũ trụ Liên Xô Giéc-man Ti-tốp.
Phía trước nhà lưu niệm là một ban thờ, phía trên có ba tảng đá màu trắng xám hình nhọn tựa như chông như mác. Chính vì thế, ngọn núi này được gọi bằng cái tên Đá Chông. Đá Chông, khi Người còn sống, là nơi Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị thường về đây để họp bàn chính sự. Khi Bác đi xa, nơi đây đã từng có một thời gian ru giấc ngủ vĩnh hằng của Người. Bước chân chúng tôi chậm hơn, tâm trạng lặng đi khi đứng trước gian phòng phía bên trái nhà lưu niệm. Đó là căn phòng đã từng bảo quản thi hài Bác. Lời kể và lời giới thiệu của cán bộ khu di tích chậm rãi, xúc động và bồi hồi khi nhắc lại sự kiện ngày 2-9-1969, khi Bác Hồ qua đời, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn khu căn cứ Đá Chông và xây dựng thêm công trình như Ngôi nhà kính, Hầm ngầm để phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác. Tại đây vẫn còn lưu giữ ba chiếc xe UAZ cứu thương biển số FH-1468, xe Zin 157 biển số 470-189, xe Páp biển số 31-162. Đó là những chiếc xe làm nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác Hồ 6 lần tới Đá Chông và các địa điểm khác.
Đá Chông là một địa chỉ thiêng liêng để mỗi người dân Việt Nam hướng về. Từng tán cây, mỗi lối đi như còn đâu đây hơi ấm của Người, như vang vọng lời dạy của Bác.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc